Doanh nghiệp

DOANH NGHIỆP VẪN LẤN CẤN TRONG ĐĂNG KÝ KINH DOANH

23/07/2015 6:34 AM

(DĐDN) – Trong Dự thảo Nghị định về Đăng ký doanh nghiệp, việc doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về việc áp mã ngành kinh doanh theo Hệ thống ngành kinh tế cấp 4 được cho là gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp.

vanlancan20Điều quan trọng nhất là làm thế nào để không ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp

Trong buổi hội thảo có thể nói là cuối cùng được tổ chức gần đây để góp ý cho Dự thảo Nghị định về Đăng ký doanh nghiệp, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục đề xuất gỡ bỏ những quy định không có lợi cho doanh nghiệp.

Lo “rừng”… văn bản

“Chúng tôi vẫn theo đuổi kiến nghị không yêu cầu doanh nghiệp phải ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh theo mã ngành cấp 4. Vì yêu cầu này không tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây cũng là thủ tục có tính bất cập lớn nhất trong việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp hiện nay”, đại diện VCCI lên tiếng.

VCCI đã đeo đuổi kiến nghị này từ tháng 3/2015, khi những dự thảo đầu tiên của nghị định này được đưa ra lấy ý kiến. Cũng đã có một số thay đổi từ dự thảo đầu tiên đến bản cuối cùng trình Chính phủ, song đại diện VCCI cho là chưa như mong muốn của doanh nghiệp. “Thực tế, đã có những trường hợp doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh không có cùng cách hiểu trong việc áp mã ngành kinh tế cấp 4. Hơn nữa, hệ thống ngành kinh tế cấp 4 chưa bao quát hết được các ngành. Đánh giá 5 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp 2005, đã từng xảy ra trường hợp một ngành, nhưng các cơ quan đăng ký kinh doanh khác nhau áp mã ngành khác nhau”, đại diện VCCI phân tích và cho rằng, việc ghi và áp mã ngành là việc của cơ quan đăng ký kinh doanh.

Theo Dự thảo Nghị định đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ trước thời điểm ngày 1/7/2015, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị.

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thêm, với trường hợp không xác định được mã ngành hoặc căn cứ theo pháp luật chuyên ngành hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và việc bổ sung ngành nghề kinh doanh mới do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng gì về quyền kinh doanh. “Hơn thế, theo  kinh nghiệm của chúng tôi, việc thống nhất nội hàm của ngành nghề kinh doanh giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp khi thực hiện các quy định liên quan đến thuế…”, ông Tuấn giải thích.

Ông Tuấn cũng cho biết, hiện tại trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia đã có công cụ tìm kiếm mã ngành để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp mã ngành cho các ý định kinh doanh của mình.

Trao đổi lại, đại diện VCCI cho biết, không phản đối việc ghi mã ngành trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nhưng đề nghị, khi đăng ký, doanh nghiệp ghi ngành nghề trong hồ sơ đăng ký theo ý của mình, còn việc áp mã ngành theo hệ thống ngành kinh tế cấp 4 sẽ do cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện.

“Nếu hướng dẫn doanh nghiệp tìm các văn bản pháp luật chuyên ngành để xác định ngành nghề kinh doanh trong trường hợp Hệ thống ngành kinh tế cấp 4 chưa có sẽ đẩy doanh nghiệp vào “rừng” văn bản”, đại diện VCCI tiếp tục kiến nghị.

Câu hỏi về trách nhiệm

Vướng mắc của Công ty Honda Việt Nam là một ví dụ điển hình cho những lo ngại rất gần của các doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định áp mã ngành kinh doanh theo Hệ thống ngành kinh tế cấp 4.

Đại diện doanh nghiệp này cũng không phàn nàn nhiều về việc doanh nghiệp tự đăng ký và lựa chọn mã ngành, song lo ngại xuất hiện khi dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp lại yêu cầu doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong việc áp mã ngành này. “Chúng tôi khó có thể chịu trách nhiệm được”, đại diện Honda thẳng thắn tuyên bố và đề nghị Dự thảo Nghị định hướng dẫn rõ về điều này.

Chia sẻ nỗi lo của doanh nghiệp, bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thừa nhận, nếu đẩy trách nhiệm xác định mã ngành cho doanh nghiệp thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp. “Thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp rất ít khi hoàn tất được phần này. Nhiều khi cơ quan đăng ký kinh doanh đề nghị doanh nghiệp cứ ghi ngành nghề của mình theo mong muốn, rồi sẽ căn cứ vào Hệ thống để áp mã”, bà Minh nói.

Tuy là người đồng tình với quan điểm không cần yêu cầu doanh nghiệp áp mã cho ngành đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, song ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương) cho rằng, lúc này cần đưa ra cách làm để các nơi thực hiện. “Nguyên tắc quan trọng nhất là làm thế nào để không ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hiền đề xuất.

Theo Minh Anh 


Tin tức liên quan