Tin tức

Nên kinh tế Việt Nam " Chọn 1 dòng hay để nước trôi" ?

 (DĐDN) – Trong nền kinh tế hiện tại có hai tâm lý mâu thuẫn cơ bản cần phải giải quyết. Đây là phát hiện từ nghiên cứu “những cảm nhận của người dân và DN về nhà nước và thị trường” (chỉ số CAMS 2014) vừa được VCCI công bố.

chonmotdonghay

Nghiên cứu của CAMS là những chỉ báo quan trọng cho các cơ quan hoạch định chính sách

Nghiên cứu CAMS được thực hiện bởi sự phối hợp của VCCI và WB. Đối tượng Khảo sát của CAMS 2014 chủ yếu là DN, tiếp đến là các cán bộ trong các cơ quan Đảng, đại biểu Quốc hội, cơ quan chính quyền địa phương, các nhà báo và người làm việc tại các tổ chức nước ngoài…

Hai mâu thuẫn cơ bản

Những nghiên cứu CAMS 2014 đã chỉ ra một tâm lý khá mâu thuẫn nếu đứng dưới góc độ người dân kỳ vọng vào nền kinh tế. Đó là trong khi hầu hết mọi người (89%) đều nhận ra tính ưu việt của nền kinh tế thị trường thì lại có tới 75% người trả lời muốn có sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường để bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu. Chỉ có 23% người trả lời ủng hộ việc giá cả hàng hóa thiết yếu nên được quyết định bởi các lực lượng thị trường (như cung và cầu).

Cho dù muốn có sự can thiệp của Nhà nước về giá cả, nhưng theo kết quả khảo sát CAMS, đa số người dân và DN vẫn đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi một cách chậm chạp sang nền kinh tế thị trường. Những tâm lý mâu thuẫn trên có thể bắt nguồn từ việc vận hành kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa thực sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội, như tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và do vậy khiến người dân có tâm lý mong chờ bàn tay can thiệp của nhà nước.

Theo Chủ tịch VCCI TS Vũ Tiến Lộc, người dân vẫn chưa hài lòng với tốc độ chuyển đổi còn chậm trễ sang kinh tế thị trường với các biện pháp can thiệp kém hiệu quả và không minh bạch trong việc điều hành chính sách, những bất cập trong quản trị khu vực DNNN và can thiệp giá cả… Nghiên cứu của CAMS là những chỉ báo quan trọng cho các cơ quan hoạch định chính sách cũng như các cơ quan nghiên cứu cần đẩy mạnh tiến trình cải cách bộ máy nhà nước, DNNN để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tránh tình trạng bị mắc kẹt giữa hai hệ thống vận hành kinh tế.
Cũng lý giải về tâm lý mâu thuẫn trên, ông Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, người dân một mặt vẫn muốn thị trường hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số ngành, lĩnh vực còn có sự độc quyền hoặc chưa có cạnh tranh thật sự thì họ vẫn cần có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước. Chính vì vậy, theo ông Độ, với các mặt hàng thiết yếu thay vì kiểm soát chi phí, chạy theo bình ổn giá qua từng lần điều chỉnh thì cần thiết phải xây dựng thị trường cạnh tranh thực sự.

Nhưng mâu thuẫn khác đáng báo động hơn là cảm nhận về sự minh bạch trong quá trình hoạch định và thi hành chính sách, nếu nhìn từ cơ quan công quyền. Trong khi những người có nghĩa vụ phải minh bạch là khu vực cơ quan Chính phủ, bộ ngành, Quốc hội và các sở, ban ngành của UBND cấp tỉnh thì khá lạc quan về tính minh bạch của hoạch định và thi hành chính sách. Ngược lại, những người chịu tác động là khu vực DN dân doanh, DNNN, DN FDI và các tổ chức quốc tế thì lại khá bi quan về tính minh bạch. Có tới 61% DN FDI cho rằng, quá trình hoạch định và thi hành chính sách của Việt Nam vẫn còn khép kín, tỷ lệ này đối với DNNN là 58, DN tư nhân là 56. Trong khi đó, tỷ lệ đánh giá về mức độ minh bạch của chính sách đối với khu vực sở ngành UBND cấp tỉnh là 73%, cơ quan Quốc hội là 65%, cơ quan thuộc Chính phủ và 52%%.

Khó kỳ vọng vào sự “lưỡng thể”

Sự “lưỡng thể” của nền kinh tế đã được người dân và DN cảm nhận. Kết quả khảo sát CAMS cho thấy, có tới 49% người trả lời nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, lại có tới 36% nhận xét nền kinh tế Việt Nam cơ bản vẫn là nền kinh tế nhà nước. Những cảm nhận trên xuất phát từ các yếu tố thị trường vẫn chưa được thể hiện rõ nét trong nhiều nội dung như sở hữu của nhà nước tại DN, giá cả thị trường và sự can thiệp của nhà nước đối với thị trường.
Sự “nhạt nhòa” của các yếu tố thị trường đang ảnh hưởng và kìm hãm sự phát triển chung của cả nền kinh tế. Theo TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nhưng còn dùng dằng, bước tiến bước lùi, chưa dứt khoát. Chúng ta vẫn đang thực hiện nửa vời ở nhiều chỗ. Người dân nhìn thấy một nền kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ, vận hành song song với một nền kinh tế nhà nước còn ảnh hưởng rất lớn, và tình trạng “lưỡng thể” này khiến cho tốc độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường cũng như tốc độ chuyển từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân ở Việt Nam trong mấy năm gần đây chậm hẳn lại, kéo theo những hệ lụy không hề nhỏ đối với nền kinh tế cũng như lợi ích của người dân.

Sự nhạt nhòa” của các yếu tố thị trường đang ảnh hưởng và kìm hãm sự phát triển chung của cả nền kinh tế.

TS Cung cho rằng, đối với một nền kinh tế thị trường, “Nhà nước” và “Thị trường” đều có vai trò rất quan trọng, thiếu đi một vế thì không phải là nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều quan trọng là Nhà nước làm gì? Nhà nước phải hỗ trợ thị trường, bảo đảm cho thị trường có môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng, minh bạch. Do đó, để tiến tới một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, Nhà nước phải cải cách thể chế mạnh mẽ, thay đổi từ chức năng, vai trò, cách thức, công cụ quản lý, cơ cấu tổ chức, cho đến thay đổi cả năng lực của bộ máy nhà nước, thay vì năng lực đến đâu thì quản lý đến đấy.

 

Đồng quan điểm trên, PGS TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những lực cản, do vấn đề lợi ích cục bộ. Điều kiện cốt lõi là Nhà nước phải thúc đẩy được thị trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, giảm thiểu cơ chế xin cho.

Từ khảo sát CAMS 2014 đã chỉ ra, tư duy về một tinh thần công khai minh bạch và phục vụ của các cơ quan công quyền nhìn chung vẫn cần phải cải thiện và đổi mới hơn nữa. Quan điểm về một nền kinh tế thị trường rõ ràng và một nền hành chính công minh bạch phải bắt đầu từ chính những người trong cuộc. Người dân và DN không thể kỳ vọng một sự chuyển biến mạnh mẽ ở một nền kinh tế “lưỡng thể” với sự can thiệp quá sâu của nhà nước. Còn cơ quan công quyền thì phải lấy thước đo về sự công khai minh bạch từ những người thụ hưởng chính sách.

Bá Tú


Tin tức liên quan