Trang chủ

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời phỏng vấn của Cổng thông tin điện tử Chính phủ

 

1. Đánh giá, nhận định về những chuyển biến trong môi trường kinh doanh, hoạt động của các doanh nghiệp sau một năm kể từ hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất.
Sau Hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp ngày 29/4/2016 tại TP.Hồ Chí Minh, với việc ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế nói riêng đã thực sự được hưởng lợi từ nhưng sự hỗ trợ cụ thể của Nhà nước các cấp có liên quan. Môi trường kinh doanh và hoạt động của các doanh nghiệp sau một năm thực hiện NQ.35 đã thực sự có chuyển biến đáng kể.
Riêng ở Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến cụ thể và rất tích cực: UBND tỉnh và các ngành liên quan, nhất là Sở Kế hoạch&Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài nguyên&Môi trường, Cục Thuế, Cục Hải quan... đã có những biện pháp khá quyết liệt để tạo lập một môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hố trợ  doanh nghiệp trong tỉnh phát triển, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiệp hội chúng tôi ghi nhận những chuyển biến tích cực trong các hoạt động của tỉnh như: Tăng cường công tác đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Cải cách hành chính, tạo thuận lợi ho doanh nghiệp hoạt động; Tổ chức khá nhiều hoạt động phổ biến thông tin về đăng ký doanh nghiệp, chính sách pháp luật thuế, đất đai, môi trường, lao động, bảo hiểm xã hội ...; Bước đầu tỉnh đã tạo dựng được môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mớ sáng tạo, cải tiến công nghệ...;Tỉnh cũng đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp...Tuy vậy, cũng còn nhiều vấn đề, nhiều nội dung chỉ đạo trong NQ.35 tỉnh cần có thời gian để tiếp tục nổ lực thực hiện. Hy vọng sau cuộc gặp của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 17/5/217 sẽ có những chỉ thị mới của Chính phủ để giúp tạo lập môi trường kinh doanh của doanh nghiệp cả nước thuận lợi, hiệu quả hơn.
 
2. Hiệp hội có mong muốn, kiến nghị hay có giải pháp gì để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và để các doanh nghiệp hoạt động ngày càng tốt hơn?
 
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” sẽ diễn ra vào ngày 17/5/2017 là một sư kiện lớn của doanh nghiêp cả nước thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi tói đa cho doanh nghiệp Việt nam phát triển. Do Hội nghị sẽ dành thời gian để Chính phủ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35/CP và sau hội nghị, Thủ tướng sẽ có chỉ thị cụ thể để các cơ quan nhà nước thực hiện nên Hiệp hội DN tỉnh Thừa Thiên Huế xin tiếp tục có một số kiến nghị:
1/ Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục kiến nghị Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo, hỗ trợ thành lập các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp thành một hệ thống toàn quốc từ TW đến tỉnh: Nghị quyết 35/NQ.CP đã đề cập một cách khá toàn diện các chính sách, trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ DN. Tuy nhiên, nội dung về chỉ đạo thành lập và hoạt động của  các trung tâm hỗ trợ DN vẫn chưa được thực hiện trong thực tế.
Hiện việc xúc tiến đầu tư tại Thừa Thiên Huế cũng như nhiều địa phương khác khá tốt, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI đã phát triển khá tốt, có những đóng góp giúp kinh tế Việt Nam phát triển. Nhưng sự liên kết kinh tế giữa các DN FDI và DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa là rất yếu.
Mặt khác, các chính sách hỗ trợ cho DN của Nhà nước lại thiên về ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ít tạo điều kiện cho DN tư nhân, DN vừa và nhỏ Việt Nam phát triển.Trong giai đoạn 2016-2020, cộng đồng DN Việt rất cần sự hỗ trợ, do vậy, Chính phủ nên sớm thành lập Trung tâm hỗ trợ DN, để giúp cho các DN Việt Nam khởi nghiệp, tư vấn về pháp luật, thuế, hải quan, lập dự án đầu tư, đào tạo,...Trung tâm hỗ trợ DN nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và đại diện của Hiệp hội DN, và nên có từ Trung ương đến địa phương. Bởi các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ rất cần sự liên kết trong từng chuỗi giá trị để phát huy vai trò của mình.Việc thu hút các DN lớn từ nước ngoài vào đầu tư là rất cần thiết, nhưng khi ký kết hợp tác cần đưa điều kiện các DN địa phương có thể liên kết làm được gì, người lao động địa phương tham gia được gì... Do vậy, rất cần một Trung tâm có tính pháp lý cao theo quy định của Chính phủ để làm nhiệm vụ kết nối và khi mời các nhà đầu tư vào đầu tư tại địa phương.
2/Chính phủ hoàn chỉnh và sớm trình Quốc Hội thông qua Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, một văn bản luật thiết thực mà cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả nước đang rất trông chờ được sự hỗ trợ các điều kiện để phát triển. Tuy nhiên Hiệp Hội chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị là Dự thảo cuối cùng mà Chính phủ trình Quốc hội cần tiếp thu ý kiến của cộng đồng DNNVV trong nước để bổ sung những quy định thật cụ thể, có tính khả thi cao, tránh những quy định quan tâm chung chung cần có nhiều cơ quan khác hướng dẫn với nhiều thủ tục rườm rà, khó thực hiện.
3/ Cần điều chỉnh tỷ giá VNĐ so với USD (tương đương như các nước trong ASEAN trong năm 2015), lý do của việc điều chỉnh, theo Hiệp hội, trong những năm qua chúng ta đã “neo” đồng Việt Nam vào USD. Đây chính là nguyên nhân để hàng hóa Việt Nam trở nên quá đắt, mất khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu; hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường nội địa; nhập siêu tăng, nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Vấn đề điều chỉnh này, nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện làm được.
4/ Nghiên cứu giảm chi phí vốn vay cho DN bởi hiện nay chi phí vay vốn của DN Việt Nam gấp từ 3 đến 4 lần các DN nước ngoài (7-9%). Chi phí này có thể giảm bằng cách giảm sàn lãi suất huy động tiền gửi xuống còn 2-3% (sẽ khuyến khích người có tiền đầu tư vào sản xuất, tạo việc làm, giúp tăng trưởng kinh tế) và giảm trần lãi suất cho vay xuống 3,5-4%. Nếu chi phí vốn vay cho DN giảm được thì hệ thống ngân hàng sẽ tự động điều chỉnh sáp nhập, đổi mới để có thể đáp ứng yêu cầu giảm lãi suất tín dụng của thị trường.
5/ Cần xác định lại mức sống tối thiểu để định mức lương tối thiểu cho phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Mức sống tối thiểu hiện nay là thiếu cơ sở thực tiễn và chưa phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, tạo gánh nặng cho DN và tạo sức ì cho người lao động, bởi sẽ có bộ phận người lao động không cần quan tâm đến năng suất lao động mà chỉ đòi hỏi lợi ích do Nhà nước đặt ra dù chưa phù hợp.
 
                           ___________________________

Tin tức liên quan