Về Phong Hải xem lễ hội Cầu Ngư
Ngày cập nhật: 14/09/2011 07:20 AM
Lễ hội Cầu Ngư là một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đậm đà màu sắc văn hóa dân gian đã được cư dân của các làng chài thuộc xã Phong Hải, huyện Phong Điền lưu giữ từ đời này sang đời khác. Lễ hội Cầu Ngư thể hiện khát vọng vươn ra khơi xa, vượt qua sóng to gió lớn, để cho tôm cá đầy thuyền, đời sống của ngư dân được no ấm...
Theo gia phả của các dòng họ lớn thuộc các làng quê xã Phong Hải: “Vùng đất ven biển này được hình thành cách đây khoảng 400 năm về trước. Từ khi khai hoang lập làng, nghề nghiệp chính của người dân Phong Hải là nghề đánh bắt thủy hải sản. Trải qua bao đời, biển vẫn là người bạn thiên nhiên lớn của những người dân vùng cát trắng này… Hàng năm, trong tất cả các nghi lễ của các làng thì nghi thức cúng tế thần Biển được người dân nơi đây coi trọng nhất”.
Lễ hội đua thuyền trên biển của bà con ngư dân Phong Hải
Mở đầu lễ hội Cầu Ngư là phần nghi lễ truyền thống cúng tế thần linh được tổ chức trang trọng, tôn nghiêm tại bờ biển do các vị bô lão có uy tín của làng tiến hành. Sau phần nghi lễ là màn múa náp truyền thống, múa lân sư rồng và đặc sắc nhất là phần làm trò trên cạn, thể hiện lại cảnh đánh bắt và mua bán cá tôm của một làng chài ven biển... Tiếp theo là đám rước thần với đầy đủ cờ lọng, nghi trượng, kiệu hoa và các biểu tượng hải sản cá, tôm, mực… diễu hành từ bờ biển quanh các thôn xóm đến đình làng Hải Nhuận. Tại đình làng Hải Nhuận, các vị bô lão tiếp tục phần nghi lễ cúng tế thần linh và tiên tổ để tỏ lòng biết ơn trời đất và cầu cho biển lặng sóng hiền, dân làng sức khỏe, con cháu thành tài… Cùng với phần lễ còn có phần hội với hội thi đan lưới, hội thi kéo co, bóng đá, bóng chuyền... Đặc biệt, là tiết mục thả hoa đăng trên biển và các tiết mục ca múa nhạc của các ca sỹ Đoàn Ca kịch Huế và các ca sĩ nghiệp dư là người dân địa phương.
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền ngư dân xã Phong Hải rất quan tâm đến việc lưu giữ, bảo tồn lễ hội Cầu Ngư. Tuy nhiên, phải đến dịp 2/9 vừa qua, lần đầu tiên Phong Hải tổ chức lễ hội Cầu Ngư với quy mô lớn đến như vậy. Đây cũng là mong ước của ngư dân Phong Hải với khát vọng vững vàng bám biển. Chưa bao giờ, lễ hội Cầu Ngư ở Phong Hải lại đón nhiều du khách đến như thế. Đến với lễ hội không chỉ là khách du lịch địa phương mà cả khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, lễ Cầu Ngư lần này thu hút nhiều người dân Phong Hải ở hải ngoại về để tham gia các nội dung trong lễ hội truyền thống này”, Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Nguyễn Viết Từ cho hay.
Anh Tâm, một Việt kiều đang định cư ở Canada có mặt tại lễ hội Cầu Ngư Phong Hải tâm sự: “Xa quê đã lâu, nhưng mỗi dịp đến lễ hội Cầu Ngư, người dân Phong Hải dù ở đâu cũng cố gắng để thu xếp công việc, đưa gia đình về quê dự lễ hội. Ai cũng biết rằng, mình từng là ngư dân bám biển và nay bà con quê hương mình cũng đang ngày đêm bám biển để mưu sinh, để giữ vững chủ quyền vùng biển của quê mình”.
“Ai về Phong Hải - Xin mời ghé lại - Vui đời dân chài”, câu hát chân tình mà mỗi người dân Phong Hải đều thuộc cũng là tấm lòng của vùng quê này dành cho nhau và dành cho những ai có dịp ghé lại vùng quê biển này. Hội đua thuyền trên biển, một sinh hoạt văn hóa thể thao không thể thiếu của lễ hội Cầu Ngư với những tay chèo trai tráng làng chài một lần nữa thể hiện khát vọng vươn ra khơi xa đánh bắt cá tôm làm giàu cho quê hương, thỏa mãn ước vọng chinh phục thiên nhiên của cư dân vùng biển.
Theo ông Nguyễn Viết Từ, Phong Hải hôm nay đã đổi thay rất nhiều từ bộ mặt thôn xóm đến đời sống vật chất tinh thần của mỗi một gia đình. Cùng với nghề đánh bắt thủy hải sản, những năm gần đây người dân Phong Hải đã mạnh dạn đầu tư vốn để nuôi tôm trên cát. Những vùng đất cát trắng hoang sơ ngày nào bây giờ đã được sức người biến thành những hồ nuôi tôm và đây cùng là nguồn thu nhập lớn nhất quyết định sự đổi thay và vươn lên của Phong Hải. Phong Hải giờ không chỉ biết đến là một xã vùng biển, vùng quê toàn cát trắng, mà nhiều người biết đến với những sản phẩm từ biển, từ sự cần cù, cần mẫn của người dân đi biển. Phong Hải đang tập trung đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, chuyển đổi nghề đánh bắt hải sản vươn khơi. Phong Hải đã xây dựng được làng nghề chế biến nước mắm với thương hiệu “Nước mắm Phong Hải”.
Bài, ảnh: Anh Phong (TTH)