Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế: đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động
Thừa Thiên Huế: đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động
 

Cập nhật 21/09/2011 07:26 AM

 
Một khóa đào tạo nghề ở A Lưới

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững, nâng cao đời sống cho nhân dân và giải quyết tốt các vấn đề của xã hội. Với tầm quan trọng vậy, bằng nhiều giải pháp tích cực, nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

 

Tạo việc làm cho hàng ngàn lao động

 

Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc đạt hiệu quả đề ra, hàng năm, căn cứ vào những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính chủ động của người lao động trong quá trình tìm việc làm và chuyển đổi nghề; xây dựng chương trình và nội dung đào tạo nghề thiết thực cho từng nhóm đối tượng; tăng cường liên kết trong việc chuyển giao - tiếp nhận tri thức, kỹ thuật, sử dụng lao động qua đào tạo, tiêu thụ sản phẩm của lao động trong và sau khi đào tạo nghề; ưu tiên những nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo vay để giải quyết việc làm; khuyến khích và tạo nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất nhằm tạo thêm việc làm mới cho người lao động... Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm đẩy mạnh việc quy hoạch hệ thống dạy nghề theo hướng vừa phát triển quy mô, vừa nâng cao chất lượng đào tạo những ngành nghề mũi nhọn tại địa phương. Đến nay, có 44 cơ sở dạy nghề của địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; trong đó có 3 trường cao đẳng nghề, 7 trường trung cấp nghề, 3 trung tâm dạy nghề, 1 trường đại học có dạy nghề (Trường đại học nghệ thuật Huế), 3 trường cao đẳng và 2 trường trung học chuyên nghiệp có dạy nghề, 15 trung tâm có dạy nghề và 10 cơ sở dạy nghề thuộc doanh nghiệp, tổ chức xã hội và tôn giáo.

 

Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực chăm lo công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, nên từ năm 2006 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải quyết được việc làm cho hơn 90.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 40%. Kết quả này góp phần rất lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề. Đặc biệt, thực hiện tốt các mục tiêu về xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Tăng giải pháp

 

Phát huy những kết quả đạt được trong những năm vừa qua, để đưa công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngày càng thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới, nhất là giai đoạn hiện nay khi mà các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống,… trên địa bàn toàn tỉnh đang ngày càng mở rộng và phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung nhiều giải pháp cụ thể, như: tiếp tục nâng cao tỷ lệ  lao động qua đào tạo nghề lên 50 - 60% (hiện nay là 40%), trong đó chú trọng về chất lượng đào tạo; đầu tư một cách đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề. Liên kết giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng, đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp...

 

Tại một trường trung cấp nghề

 

Đối với lao động nông thôn, tập trung thực hiện việc tổ chức dạy nghề tại chỗ, dạy nghề lưu động, lấy nông dân dạy nông dân, học trực tiếp tại đồng ruộng, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp… Qua đó, giúp người học nghề tiếp cận nhanh các ngành nghề được học, thực hành ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm cho chính mình, cũng như nhiều lao động khác.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Vấn đề quan trọng nhất của công tác đào tạo nghề trong giai đoạn hiện nay chính là phải đào tạo được đội ngũ lao động có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, cũng như phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động đến các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc,…; căn cứ vào Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 26/11/2010 của UBND tỉnh về phát triển dạy nghề năm 2011, chúng tôi đã tập trung rà soát hệ thống trường nghề để có phương án quy hoạch, sắp xếp lại thật sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu đề ra; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị đào tạo nghề đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đặc biệt là tuyển sinh các hệ cao đẳng, trung cấp nghề; tăng cường giám sát, dự giờ các khóa dạy nghề… Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện văn bản để sớm trình UBND tỉnh ký ban hành là chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2011 – 2016. Đây chính là khung pháp lý hiệu lực để giúp cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong thời gian tới được thực hiện một cách đồng bộ và đạt hiệu quả cao nhất.”.

www.thuathienhue.gov.vn


Tin tức liên quan