Doanh nghiệp tiêu biểu năm

Ngành dệt may tiếp tục tăng tốc

Ngành dệt may tiếp tục tăng tốc

Ngày cập nhật: 21/09/2011 09:58 PM

Hạ tuần tháng 8 vừa qua, Công ty TNHH một thành viên Tokyo style Vietnam Hue tổ chức lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại KCN Phú Bài với tổng vốn đầu tư 21 triệu USD. Trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát, lãi vay tăng cao, nhiều doanh nghiệp phải “án binh bất động”... hoạt động đầu tư nói trên cho thấy sức hấp dẫn của ngành dệt may trên đất Thừa Thiên Huế.

 

Liên tục phát triển

Hơn ba năm trở lại đây, trước diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế thế giới, trong nước và của tỉnh nói riêng, hoạt động của ngành dệt may ở Thừa Thiên Huế liên tục phát triển, trở thành một ngành kinh tế đầy tiềm lực và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Từ một vài cơ sở quốc doanh ban đầu, đến nay trên địa bàn đã hình thành ngành công nghiệp dệt may khá qui mô.
 
Là doanh nghiệp (DN) dệt may hoạt động lâu năm trên đất cố đô, hơn 20 năm qua Công ty cổ phần (CTCP) Dệt may Huế - thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định được thương hiệu và uy tín của mình trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Năm 2011, Dệt may Huế đưa thêm nhà máy may hàng xuất khẩu ở cụm công nghiệp Hương Sơ với quy mô 16 chuyền may vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 3.500 lao động và phấn đấu đạt doanh thu trên 800 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, tuy giá cả đầu vào biến động mạnh, lãi vay tăng cao... nhiều DN gặp không ít khó khăn, vậy nhưng Dệt may Huế vẫn tập trung đẩy mạnh sản xuất với tốc độ tăng trưởng ở mức cao.
 

May xuất khẩu ở Phú Hoà An

Ra đời từ tháng 6-2009, CTCP Dệt may Phú Hoà An ổn định được sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm may mặc như áo polo, T shirt… Với 17 chuyền may và trên 900 lao động, trong 8 tháng đầu năm 2011, Phú Hoà An đã sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 2 triệu sản phẩm với doanh thu trên 42 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2010... Đây và một trong những doanh nghiệp trẻ, đầy tiềm năng của ngành dệt may tỉnh.
 
Ngoài các doanh nghiệp quốc doanh chuyển hình thức sở hữu đang làm ăn có hiệu quả, khẳng định vị thế của mình và không ngừng đầu tư phát triển, như Dệt may Huế, May Xuất khẩu Huế, cơ sở may xuất khẩu của CT CP Đầu tư Xuất nhập khẩu Thừa Thiên Huế, Da giày Huế…; gần đây trên địa bàn tỉnh đã có thêm nhiều công ty cổ phẩn, DNTN và DN có vốn đầu tư nước ngoài ra đời và có những đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực. Có thể kể tên một số doanh nghiệp mới, như: Sợi Phú Bài, Phú Việt, Thiên An Phát, Phú Thạnh, Phú Nam, Dệt kim và May mặc Huế-Việt Nam (100% vốn nước ngoài của Hungari), HBI (100% vốn nước ngoài của Mỹ), Scavi (100% vốn nước ngoài của Pháp)… Đây là các doanh nghiệp có tiềm lực, đầu tư đồng bộ và có tốc độ phát triển nhanh. Cùng với việc tăng cường đầu tư phát triển sản xuất, các doanh nghiệp ngành dệt may đã nỗ lực trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu và khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.
 
Những chuyển động mới 
 
Tiếp sau sự thành công của các nhà đầu tư quốc tế có uy tín đến từ Hungari (Dệt kim và May mặc Huế-Việt Nam), Mỹ (HBI), Pháp (Scavi)... năm 2011 này, ngành dệt may Thừa Thiên Huế có thêm nhà đầu tư mới đến từ Nhật Bản. Chỉ hơn 1 tháng sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư, ngày 24-8 vừa qua, Công ty TNHH một thành viên Tokyo style Vietnam Hue đã tổ chức lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng nhà máy may tại KCN Phú Bài (Hương Thuỷ). Động thái trên cho thấy quyết tâm của nhà đầu tư này.
 

Hoàn chỉnh sản phẩm xuất khẩu

Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 12 cơ sở dệt may công nghiệp thu hút trên 11.000 lao động. Sự xuất hiện của các DN thuộc nhiều thành phần kinh tế không chỉ tạo nên sự đa dạng của các loại sản phẩm dệt may; mà còn tăng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 8 tháng đầu năm nay, dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 176 triệu USD, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ và chiếm đến 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Tokyo style là một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản lần đầu tiên đến đầu tư tại Việt Nam. Nhà máy may xuất khẩu vừa được khởi công của Tokyo style Vietnam Hue được xây dựng trên diện tích 2,27 ha. Dự kiến, nhà máy trên sẽ hoàn thành đi vào sản xuất vào tháng 3-2012 với qui mô 500.000 sản phẩm/năm; trong đó, 70 đến 95% sản phẩm sẽ được xuất khẩu. Ngoài các sản phẩm may mặc cao cấp, Tokyo style Vietnam sẽ sản xuất thêm các loại giày dép, dụng cụ thể thao... Hy vọng, sự “nhập cuộc” của nhà đầu tư này sẽ tạo thêm sự sôi động mới cho ngành dệt may Thừa Thiên Huế.
 
Cũng trong tháng 8 vừa qua, Công ty TNHH Dệt kim và May mặc Huế-Việt Nam đã điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư. Đây là lần điều chỉnh thứ 5 của doanh nghiệp này. Theo đó, quy mô sản xuất các loại áo được nâng lên 1,5 triệu chiếc/năm, các loại sợi 7.000 tấn/năm; tổng vốn đầu tư 258,5 tỷ đồng (tương đương 15 triệu USD). Trước đó, do yêu cầu phát triển và mở rộng đầu tư, các doanh nghiệp Scavi và HBI cũng đã nhiều lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, nâng qui mô sản xuất và tổng mức vốn đầu tư lên gấp 1,5-2 lần so với ban đầu.
 
Tương tự các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, thời gian qua các doanh nghiệp dệt may trong nước có cơ sở sản xuất tại Thừa Thiên Huế cũng liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Tiếp sau Dệt May Huế, Phú Hoà An, Da giày Huế... cũng đang có kế hoạch đầu tư phát triển trong thời gian tới. Những chuyển động mới của ngành dệt may không chỉ góp phần tích cực vào việc tăng giá trị sản lượng sản xuất công nghiệp của tỉnh; mà còn tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động trẻ trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.
 
Bài và ảnh: Hoàng Thành (TTH)

 


Tin tức liên quan