Tin tức

Khai mạc hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5, Khóa XIV
Khai mạc hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5, Khóa XIV

Cập nhật 02/11/2011 05:24 AM


Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu khai mạc hội nghị

Sáng ngày 31/10, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức khai mạc. Các đồng chí: Nguyễn Ngọc Thiện, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

 

Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày (31/10-01/11/2011). Tại hội nghị này, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tổng kết Nghị quyết 29 của Tỉnh ủy (Khóa XII) thực hiện Kết luận Hội nghị TW 10 (khoá IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tổng kết thực hiện Nghị quyết chương trình hành động số 24-NQ/TU về phương hướng phát triển khoa học - công nghệ đến năm 2005 và năm 2010. Đặc biệt Hội nghị sẽ dành nhiều thời gian sẽ tập trung thảo luận và thông qua Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Qua hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết về chương trình hành động số 29 của Tỉnh ủy Khóa XII, hoạt động văn hóa đã có chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Đã chú trọng tuyên truyền quảng bá văn hóa Huế, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các dịp lễ, hội của quê hương, đất nước; các thiết chế văn hóa từng bước được nâng cấp, xây mới. Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã đi vào chiều sâu. Công tác bảo tồn di tích cố đô Huế, di tích lịch sử cách mạng... được chú trọng. Đã từng bước gắn kết chặt chẽ giữa di sản với văn hóa và du lịch, văn hóa với di sản, qua đó thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh với dịp độ tăng doanh thu hàng năm từ 20-25%. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại những yếu kém khuyết điểm trong tổ chức thực hiện. Trước hết là nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành về vai trò của văn hóa và quan điểm của phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch chưa thật đầy đủ; việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đúng mức; công tác quản lý về văn hóa chưa chặt chẽ. Sự phát triển của ngành du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, tài nguyên du lịch chậm được đầu tư khai thác. Về lĩnh vực khoa học và công nghệ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Thời gian qua, Tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng kể, đã tổ chức thực hiện thành công nhiều chương trình nghiên cứu xã hội và nhân văn, chương trình điều tra cơ bản, chương trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ phát triển, chuyên ngành đa dạng, đủ năng lực để tiếp nhận, làm chủ phát triển công nghệ trên nhiều lĩnh vực. Những thành tựu và thế mạnh đó đã tạo nền tảng quan trọng để định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước trong thời gian đến. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật đó, vẫn còn một số tồn tại như thiết chế khoa học và công nghệ chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tuy đông về số lượng nhưng còn thiếu chuyên gia đầu ngành, nhất là trên các lĩnh vực quan trọng. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp và chậm được đổi mới. Sản phẩm khoa học và công nghệ chưa đủ năng lực cạnh tranh; kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất và đời sống chưa nhiều...

 

Tại Hội nghị

 

Từ nhận định về những thành tựu cũng như hạn chế trong phát triển văn hóa, du lịch và khoa học - công nghệ thời gian qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá đúng thực trạng và những bức xúc trong phát triển văn hóa, du lịch và khoa học - công nghệ, tìm ra những biện pháp mang tính đột phá, thực sự đi tắt, đón đầu, tận dụng mọi thời cơ, khai thác tối đa các thế mạnh để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước.

 

Thường trực Tỉnh ủy điều hành Hội nghị

 

Phiên khai mạc sáng nay (31/10), Tỉnh ủy đã nghe đồng chí Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước. Theo đó, mục tiêu tổng quát là nhằm phát huy truyền thống của vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và cách mạng, giàu bản sắc; khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa Huế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, xứng đáng là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đó, có 07 mục tiêu cụ thể được xác định là: (1) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa Huế. Nghiên cứu, từng bước hoàn thiện nét đặc trưng và bản sắc văn hóa Huế: văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể; văn hóa truyền thống; văn hóa lịch sử, cách mạng; cốt cách con người xứ Huế, xem đây là lợi thế lâu dài để phát triển Huế, làm cho Huế ngày càng đặc sắc, góp phần thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ phát triển. Đưa văn hóa Huế thấm sâu vào cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở", xây dựng nếp sống văn hóa đô thị, văn hóa công sở, văn hóa khu dân cư. ( 2 ) Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; gắn công tác bảo tồn di sản văn hóa với kinh tế du lịch. ( 3 )Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng các trường đào tạo nghệ thuật, nhà hát nghệ thuật, thư viện, bảo tàng, trung tâm trưng bày nghệ thuật. ( 4 ) Mở rộng và tăng cường hiệu quả hợp tác, giao lưu về văn hóa thông qua việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của các kỳ Festival, các lễ hội và các hoạt động đối ngoại để tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, nhất là nhã nhạc cung đình, quần thể di tích cố đô, vịnh đẹp Lăng Cô với bạn bè trong nước và quốc tế. Tiếp thu những tinh hoa văn hóa trong nước và quốc tế để làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. ( 5 ) Phát triển văn hóa, du lịch Thừa Thiên Huế trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ, miền Trung - Tây Nguyên và các trung tâm du lịch lớn trong nước, khu vực ASEAN, hành lang kinh tế Đông - Tây; khai thác lợi thế, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. ( 6 ) Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, các lễ hội dân gian gắn với xây dựng các thiết chế văn hóa ở nông thôn, góp phần đẩy nhanh nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. ( 7 ) Hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao, bảo đảm tính bền vững, gắn khai thác các sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ tài nguyên văn hóa, du lịch, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm về an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

www.thuathienhue.gov.vn

 


Tin tức liên quan