Văn hoá xã hội

TT Huế: Lần đầu tiên một dự án nghệ thuật cho nón lá Huế
TT Huế: Lần đầu tiên một dự án nghệ thuật cho nón lá Huế
 
Cập nhật lúc 07:40 | 24/11/2011 (GMT+7)

Đến với chợ Đông Ba trong những ngày qua, nhiều người dân và du khách không khỏi hào hứng và thú vị khi được nhìn thấy những sản phẩm và mẫu mã nón lá Huế mới lạ, bắt mắt được trưng bày triển lãm ở hai bên cầu thang lên xuống khu vực lầu Chuông như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Mỗi chiếc nón đều được ghi những dòng cảm xúc, suy nghỉ, ý tưởng và cả tên tuổi, số điện thoại của các chủ gian hàng nón ở chợ Đông Ba. Đây là ý tưởng và kết quả của dự án nghệ thuật cộng đồng có tên gọi: “Gia vị nghệ thuật” do nhóm giảng viên trẻ gồm: Lê Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Khánh Anh, Trần Tuấn, Lê Việt Trung, Trường Đại học nghệ thuật Huế thực hiện từ tháng 8-11/2011.

Trưng bày thiết kế “danh thiếp trên nón” của cộng đồng trong hội thảo nón lá Huế
Trưng bày thiết kế “danh thiếp trên nón” của cộng đồng trong hội thảo nón lá Huế

Chị Đoàn Thị Hà Loan, Trường Đại học Kinh tế Huế nhận xét: Lần đầu tiên một triển lãm nón Huế gây rất nhiều ấn tượng cho tôi cũng như du khách đến đây. Mỗi chiếc nón là một kiểu dáng đẹp, hình như tôi chưa bắt gặp bao giờ. Hy vọng mọi người ai đến đây cũng sẽ mua về làm quà để kỷ niệm.

Nếu như mục đích ở dự án xây dựng thương hiệu nón lá Huế nhằm phát huy giá trị sản phẩm bằng các hoạt động quảng bá, quản lý chỉ dẫn địa lý, xây dựng cơ sở khoa học để đăng ký xây dựng chỉ dẫn địa lý Huế; tiến hành thiết kế xây dựng hệ thống tem, nhãn hiệu cho sản phẩm nón Huế; đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo tính bền vững của chỉ dẫn sau khi được xác lập…thì ở dự án nghệ thuật cộng đồng này hướng đến việc sử dụng nghệ thuật để làm cho cộng đồng tiếp cận một cách đa dạng, phong phú và thi vị hơn về màu sắc, mẫu mã và nón lá Huế.

Mục tiêu chính mà dự án hướng đến đó là làm thế nào cải thiện được các hoạ tiết cho nón lá Huế, nghiên cứu bao bì trong quản lý và bảo vệ cho du khách khi mua làm quà, kết hợp với các nhà nghiên cứu về tìm ra các phương pháp chống ẩm móc cho nón lá. Xây dựng cho cộng đồng thấy được lòng tự hào và giá trị của  nghề làm nón truyền thống ở Huế. Xây dựng ý thức về việc sử dụng giá trị văn hoá nghệ thuật trong việc phát triển nét đẹp đặc sắc của mỗi gian hàng để thực hiện tốt việc quảng bá thương hiệu gian hàng nón ở chợ Đông Ba. 

Đến với việc kinh doanh về nghề nón lá Huế hơn 20 năm nay,  bà Lê Thị Mẫn,  một trong số 27 chủ hàng nón ở chợ Đông Ba chia sẻ: Nón bài thơ Huế được biết đến như một sản phẩm đặc trưng thể hiện rõ biểu tượng và nét đặc trưng văn hoá làng nghề truyền thống Huế, song qua dự án “Gia vị nghệ thuật” đã giúp cho chị em chúng tôi có cái nhìn mới lạ về nón lá Huế, nhất là các mẫu nón mới được các hoạ sĩ trẻ trường đại học nghệ thuật thiết kế. Dù du khách chỉ mới tham quan các kiểu dáng chứ chưa thấy mua nhiều nhưng chúng tôi cũng rất hài lòng.

Trong khuôn khổ của dự án, nhiều cuộc hội thảo đã thu nhận không ít ý kiến tâm huyết từ những người làm nón, kinh doanh hàng nón, nhà nghiên cứu, nhu cầu cộng đồng, thiết kế các bản hỏi kiểm định để tạo ra những chuyển biến về nhận thức, tổ chức các trò chơi trong hội thảo và triễn lãm các danh thiếp trên chiếc nón nhằm hướng đến sự gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hộ  kinh doanh mặt hàng nón lá Huế với nhau, cách trưng bày sản phẩm sao cho có tính khoa học,  thẩm mỹ và bắt mắt, ý tưởng, cung cách kinh doanh buôn bán..đối với khách hàng. Tạo được sự tương tác mạnh giữa những nghệ sĩ và người kinh doanh và làm nón lá.

Đây là một trong những hoạt động xây dựng hệ thống hỗ trợ mỹ thuật cộng đồng mang tính bền vững cao. Tuy nhiên, ý tưởng tiếp nối cho chuỗi dự án “Gia vị nghệ thuật” này được các nghệ sĩ trẻ này  tham vọng nhiều hơn như: tổ chức các cuộc triễn lãm có quy mô lớn hơn, sản xuất những mẫu mã nón cao cấp cấp theo kiểu khắc kinh lá bối, nón bài thơ, khuôn ép bao bì…Song,  theo hoạ sĩ trẻ Trần Tuấn thì hiện nay gặp không ít khó khăn về nguồn kinh phí cho những chuổi tiếp nối của hoạt động này.

Công Bằng (TRT)
.

 


Tin tức liên quan