Văn hoá xã hội

Nhớ Huế
Nhớ Huế
 
Cập nhật lúc 08:21 | 30/11/2011 (GMT+7)
 

Paul Morand từng viết rằng khi đi du lịch trở về, chắc chắn một điều là trái đất phải nhỏ lại. Nhưng với tôi, một người phương Nam một lần đến Huế trở về, Huế lại trở nên mênh mông hơn rất nhiều. Mênh mông cảnh. Mênh mông tình. Mênh mông thương nhớ.

Hồ bán nguyệt ở tổ đình Từ Hiếu
Hồ bán nguyệt ở tổ đình Từ Hiếu

Nhớ Huế là nhớ Từ Hiếu một ngày mưa. Mưa rỉ rả thấm vào tận hồn, từng mạch ngầm cảm xúc. Mưa trói chân tôi và cũng buộc hồn tôi lại với những gì bình lặng nhất. Tôi đã chọn cho mình một góc ngồi khuất gió sau cánh cửa chánh điện và ngồi yên như thế hàng giờ liền. Ngồi yên mà hạnh phúc. Hạnh phúc vì có thì giờ nghe mình thở, nghe chuông lắng vào mưa, nghe hương trầm quyện vào không gian thanh khiết. Và hạnh phúc vì cảm nhận được sự dễ thương của những người anh em đang có mặt bên cạnh mình - những du khách từ phương xa lại, cũng ngồi với mưa Huế, với mái chùa VN trong sự yên lặng nhiệm mầu như vậy.

"Nhớ Huế chiều Đại Nội. Cây ngô đồng nghiêng bóng trầm tư, rêu phong vấn vương tàn tích cũ, hoa nở tím một ngõ đi về, những đóa hoa như đã đứng yên như thế bên đời từ muôn vạn kiếp. Thế Miếu lá vàng rơi. Thái Bình Lâu tưởng như còn vương hương sách cũ. Hiển Lâm Các oai linh soi mình bên nước đồng hàng Cửu đỉnh...

Cất bước thật nhẹ, lần giở lịch sử bằng tấm lòng cung kính, nghe bâng khuâng quá khứ những triều đại vàng son, thấy mình gần gũi hơn các vị tiền nhân, thấy nhớ thương quê hương ngay ở lòng đất bàn chân mình chạm đến.

Nhớ Huế - một ngày ruổi rong khắp các lăng tẩm nhà Nguyễn. Voi, ngựa, quần thần vẫn đứng đó ở mỗi sân chầu, thương cho lòng vấn vương vương triều của các Tiên đế, cho khát vọng quyền uy giờ còn lại cô đơn qua các trụ biểu sừng sững. Mỗi lăng tẩm như một khu công viên được ôm ấp giữa núi đồi thơ mộng, như chứng nhân im lặng mà hùng tráng của lịch sử.

Nghiêng mình chiêm bái các vị vua nhà Nguyễn, bỗng chạnh lòng muốn thắp một nén hương tưởng nhớ vua Quang Trung - vị vua sau chúa Nguyễn Hoàng cũng đã chọn Huế làm đất kinh kỳ. Và cũng thật bất ngờ, ngày tôi rời Huế cũng là ngày TP. Huế bắt đầu cho giải tỏa khu vực núi Bân - nơi vị anh hùng áo vải đã lên ngôi hoàng đế năm 1788 trước khi tiến quân ra Bắc đánh tan 30 vạn quân Thanh. Ấm lòng biết bao khi một khu tưởng niệm và tượng đài Ngài sẽ được dựng nên ở nơi này.

Nhớ Huế - một sáng sương nhẹ đỉnh núi Ngự Bình. Anh bạn đồng nghiệp chở tôi đi thăm Hổ quyền ở ngoại ô Huế. Cũng vì thăm Hổ quyền mà tôi có dịp đi trên con đường duy nhất ở Huế mang tên nàng công chúa Huyền Trân. Mảnh đất này năm xưa có thấm đẫm chăng những giọt lệ trong cuộc tình Ô Lý của người con gái Việt? Nàng công chúa đã có công mở cõi giờ đây chỉ "có mặt" ở mảnh đất này bằng một con đường heo hút mang tên nàng với đầy cỏ dại hai bên, ôm quanh nhiều nấm mộ vô danh. Trong tôi bỗng dâng lên lòng biết ơn và thương nhớ Huyền Trân kỳ lạ, như rằng khoảng cách giữa nàng và tôi không hề qua bao thế kỷ.

Nhớ Huế. Nhớ nụ cuời tươi màu trầu của mệ bán khoai bên dốc Bến Ngự. Nhớ buổi chiều bánh khoái ngay góc cửa Đông Ba. Nhớ bánh canh Hàn Thuyên bên ngọn đèn dầu, buồn thương một đêm mưa. Nhớ một lần "đối ẩm" cùng chú xe ôm hiền lành để nghe được bao điều về cuộc mưu sinh. Nhớ một giọng Huế trìu mến, nhớ sự đài các mà sâu lắng, ân cần của một người Huế mới quen làm lòng ấm áp lạ.

Huế. Còn là những hình ảnh thân thương nhất của hồn quê Việt. Nhớ những cụ gìa tóc trắng phau cúi mình giặt áo bên dòng Ô Lâu chảy ngang làng cổ Phước Tích, nhớ những bàn tay nhăn vết thời gian thong thả ngồi xếp lá trầu xanh trong buổi chiều tà bên hiên nhà cổ (chờ sớm mai đem đổi vài lon gạo).  Nhớ con đường nhỏ xuyên thôn Nguyệt Biều với những hàng rào chè Tàu thẳng tắp. Nhớ một bông hoa súng tím nép mình trong góc hồ nhỏ vườn chùa Thiên Mụ. Nhớ nét cười Huế e ấp của 3 em gái nhỏ chơi đùa ở sân chùa Diệu Đế. Nhớ chùa Báo Quốc cao tưởng chạm mây hiền, "cửa tùng đôi cánh gài" trong ánh chiều tĩnh mịch.

Rời Huế rồi. Da diết trong lòng dáng một dòng sông - dòng sông mang hương cỏ cây từ mọi nẻo qua về chảy vào lòng Huế. Cũng tĩnh tại như không gian Huế, con người Huế, sông Hương mang Huế lặng trôi vào lòng bao du khách không nỡ không dừng chân, lắng lòng lại trước cái nôi một gia tài văn hóa và tâm linh quý báu này.

Theo Báo Tuổi trẻ

Tin tức liên quan