Văn hoá xã hội

Nâng cao hiệu quả tổ chức Năm Du lịch Quốc gia giai đoạn 2012-2017
Nâng cao hiệu quả tổ chức Năm Du lịch Quốc gia giai đoạn 2012-2017
 
Cập nhật lúc 07:25 | 22/12/2011 (GMT+7)

 Sáng ngày 21/12, tại thành phố Huế, Tổng Cục du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh TT-Huế tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2012-2017” với sự tham dự của đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh đã và sẽ đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia; các chuyên gia du lịch và các doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc.

Tại Hội thảo các đại biểu đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Năm Du lịch Quốc gia, các sư kiện du lịch đồng thời trao đổi những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cùng các biện pháp tháo gỡ.

ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch Việt Nam . Ảnh: XN Netcodo
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch VN phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong giai đoạn 2003-2011, ý tưởng tổ chức sự kiện Năm Du lịch Quốc gia dưới hình thức một chương trình có quy mô lớn, tổ chức tại một địa phương là trung tâm du lịch và gắn với sự kiện quan trọng của đất nước đã được hình thành.

Nhìn chung, từ năm 2003-2010, chủ đề của các Năm Du lịch Quốc gia đều gắn liền với các sự kiện quan trọng của đất nước hoặc hưởng ứng chủ đề của các sự kiện quốc tế và khu vực như: "Năm Du lịch Hạ Long 2003 hưởng ứng Seagames 22" (tỉnh Quảng Ninh 2003) , "Năm Du lịch Điện Biên Phủ 2004" (tỉnh Điện Biên 2004), "Theo chân Bác" (tỉnh Nghệ An 2005), "Một điểm đến - Hai di sản" (tỉnh Quảng Nam 2006), "Về với thủ đô gió ngàn - chiến khu Việt Bắc" (tỉnh Thái Nguyên 2007), "Miệt vườn sông nước Cửu Long" (tỉnh Cần Thơ 2008), "Thăng Long - Hà Nội, hội tụ ngàn năm" (thủ đô Hà Nội 2010).

du khách nô nức trảy hội đền Huyền Trân Công chúa ở núi  Ngũ Phong, phường An Tây, TP Huế. Ảnh Netcodo
Du khách nô nức trảy hội đền Huyền Trân Công chúa ở núi Ngũ Phong, phường An Tây,
TP Huế

Riêng năm 2011 đã có sự thay đổi trong việc lựa chọn địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia từ các địa phương được xem là trọng điểm du lịch trước đây sang Phú Yên - một địa phương có du lịch chưa phát triển với mục tiêu hỗ trợ toàn diện để thúc đẩy du lịch phát triển lên một tầm cao mới, có vị thế xứng đáng với tiềm năng phong phú.

Việc tổ chức thành công các Năm Du lịch Quốc gia liên tiếp từ năm 2003 đến 2011 đã đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho các địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và tiềm năng du lịch của Việt Nam đồng thời tạo chuyển biến trong nhận thức về vai trò của kinh tế du lịch.

Trên cơ sở tiếp tục phát huy giá trị, lợi thế về du lịch, Chương trình Năm Du lịch Quốc gia giai đoạn 2012-2017 được xác định là hoạt động trọng tâm của ngành du lịch nhằm đưa ngành Du lịch Việt Nam đạt tăng trưởng mạnh về cả du lịch quốc tế và nội địa.

Để tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia trong những năm tiếp theo, phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch Việt Nam lưu ý các địa phương cần chủ động sớm xây dựng kế hoạch triển khai Năm Du lịch Quốc gia, có kế hoạch quảng bá trong và ngoài nước; xác định mục tiêu để hình thành chủ đề, nội dung cho từng Năm Du lịch Quốc gia; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; liên kết vùng trong khâu tổ chức cũng như huy động nguồn lực thông qua xã hội hoá.

Trong khuôn khổ hội thảo, trước đó, ngày 20/12, các đại biểu đã tham gia khảo sát một số sản phẩm du lịch được xây dựng phục vụ Năm Du lịch Quốc gia 2012 tại Huế như: làng cổ Phước Tích, khu du lịch suối khoáng nóng Thanh Tân, lăng vua Tự Đức, đền Huyền Trân Công Chúa,…

Xuân Ninh (Netcodo)


Tin tức liên quan