Tin tức

Chất lượng nguồn nhân lực

Chất lượng nguồn nhân lực



            Đó là một trong những vấn đề được ông Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh tại Hội nghị cán bộ chủ chốt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV vừa tổ chức vào ngày 22/10 vừa qua.

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế hướng dẫn học viên thực hành trên mô hình. Ảnh: JICA

             Xét trong tính toàn diện, chất lượng lao động hẳn nhiên là nhân tố quyết định trong việc chi phối sự tăng trưởng của sự phát triển.

             Cho đến nay, đây vẫn còn là vấn đề cần tiếp tục phải có sự tháo gỡ, xây dựng và hoạch định, nhất là khi chất lượng lao động trên địa bàn không những chưa đạt yêu cầu mà còn thiếu tính bền vững.

            Một con số cho thấy, tỉnh ta có 232.000 hộ sống ở khu vực nông thôn, chiếm 62% tổng số lao động xã hội nhưng chỉ mới có hơn 13% lao động trong khu vực nông nghiệp – nông thôn đã qua đào tạo nghề; 6% - 8% được đào tạo kỹ thuật về nông, lâm, ngư nghiệp. Con số này mặt khác cũng cho thấy công tác đào tạo nghề còn bất cập, nếu không nói là bất ổn. Dễ nhận thấy nhất là việc chưa chuẩn bị được một đội ngũ lao động có chất lượng, có thể tiếp cận với trình độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, dù chỉ ở mức độ phổ thông. Ví dụ cụ thể: Phú Lộc cần giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động trong năm 2009 nhưng chỉ giải quyết được một số ít lao động bị thu hồi đất và cũng trong năm 2009, huyện dự kiến xuất khẩu 300 lao động nhưng chỉ tuyển được 4 người (nguồn Bộ LĐTB&XH).

              Thiếu đào tạo, các lớp dạy nghề vừa ngắn hạn, vừa mang tính thời điểm nên nguồn lao động có kỹ năng để bổ sung cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và tiểu khu công nghiệp như Phú Bài, Phong Điền, Hương Sơ, Tứ Hạ, Dạ Lê, Phú Thứ... vẫn chưa đáp ứng được. Một con số khác từ thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: toàn tỉnh hiện đã thu hút được 54 dự án, thu hút 7.900 lao động, so với cùng kỳ năm 2009 tăng 1.333 người (nguồn Thừa Thiên Huế online ngày 11/7/2010). Nhu cầu hiện tại của các khu công nghiệp vẫn rất lớn, lên đến con số vài nghìn người nhưng việc cung ứng lao động cho doanh nghiệp có nhu cầu chỉ ở con số 20% - 30%.

Lao động thủ công ở Nhà máy gạch Tuy nen 1/5

              Thiếu nên dẫn đến tình trạng “sốt” và tranh giành lao động, gây nên sự bất ổn trong quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất không chỉ trong nội bộ một vài doanh nghiệp. Đó cũng là lý do dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh như tạm thời nâng mức lương (hoặc thêm một vài chế độ ưu đãi) trong thời gian ngắn, gây nên sự xáo trộn khi lao động nhảy việc, đứng núi này trông núi nọ... Hệ lụy của vấn đề này không chỉ do chế độ tiền lương, thưởng hay các chế độ đãi ngộ khác về tinh thần, chăm sóc sức khỏe mà còn do các doanh nghiệp chưa giải quyết rốt ráo vấn đề chuẩn bị nhân lực và nguồn lao động tại chỗ, bao gồm việc đào tạo, giải quyết ổn định việc làm và đánh giá chất lượng nguồn lao động bằng cơ chế tiền lương. Vì thế, đây vẫn còn là vấn đề đã được nhìn thấy nhưng vẫn còn bỏ ngỏ.

            Thiếu nhân lực có chất lượng không chỉ thể hiện ở khối lao động phổ thông, ở các khu công nghiệp mà ngay cả ở các lĩnh vực, các vị trí cần người có trình độ, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn hay các chuyên gia lành nghề. Có thể đơn cử như tỉnh đang tiến hành xây dựng Bệnh viện đa khoa tại Phong An (Phong Điền) cũng như có kế hoạch hình thành các trung tâm y tế tại Chân Mây – Lăng Cô (Phú Lộc), Bình Điền (Hương Trà) nhưng việc xây dựng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ, y bác sĩ khi các tuyến y tế này đưa vào vận hành là không hề đơn giản nếu không có sự chuẩn bị ngay từ đầu và ngay từ bây giờ. Đây cũng là vấn đề trong lĩnh vực công nghệ thông tin khi UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương hình thành khu công nghệ cao Hồ Truồi, hướng đến việc xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ của miền Trung - Tây Nguyên, đưa CNTT trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Trao đổi với chúng tôi bên lề hội nghị cán bộ chủ chốt, PGS – TS Phạm Như Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, không nhiều như trước, nhưng tình trạng bác sĩ chuyển địa phương công tác vẫn còn và điều này là khó tránh khỏi trước những áp lực và hấp lực của cơ chế thị trường.

             Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Bình cũng chia sẻ là nhiều năm làm công tác tổ chức nhưng có những ngành, những vị trí tìm không ra người. Điều này có vẻ như là nghịch lý nhưng lại không hề mâu thuẫn khi trong thực tế, có rất nhiều người có bằng đại học nhưng vẫn không tìm được việc làm. Vấn đề mà Phó Bí thư Thường trực Trần Thanh Bình nhấn mạnh là ở chỗ lâu nay, việc chọn nghề ở những người trẻ còn cảm tính; việc đào tạo còn chạy theo thị hiếu, chưa được cân nhắc và lựa chọn kỹ. Vì thế, đào tạo cũng cần đặt lại và đặt mạnh vấn đề khảo sát nhu cầu thực tế, có quy hoạch và phải gắn với nhu cầu của (các) địa phương. Đó mới là một sự chuẩn bị dài hơi và bền vững khi hướng đến một nguồn nhân lực có chất lượng không chỉ cho Thừa Thiên Huế mà cho cả xu thế phát triển nói chung...



Bài, ảnh: Hạnh Nhi

 


Tin tức liên quan