Văn hoá xã hội

Mai vàng xứ Huế - Giấc mơ còn để ngỏ

Mai vàng xứ Huế - Giấc mơ còn để ngỏ

Ngày cập nhật: 19/01/2012 010:26 AM

Huế không phải là địa phương duy nhất trồng mai, chơi mai. Nhưng không phải vô cớ mà giữa một "tập đoàn" mai Bình Định, Phú Yên, các tỉnh miền Tây Nam bộ hay thậm chí cả mai rừng Bình Thuận tỏa sắc khoe hương thì mai vàng xứ Huế - Hoàng Mai, Mai Ngự - vẫn được dân sành điệu nhắc đến nhiều nhất.

 

Lan man mai Huế 

Đành rằng với mai kiểng, tiêu chí cứ phải “nhất đế, nhì thân, tam tầng, tứ giống”. Đế - gốc - càng lão thì càng giá trị, nhưng thân mà trụi lủi (không có nhánh) thì cũng vứt. Kế đến là tầng, cũng như rồng, như hổ, phải nhiều vây nhiều vuốt mới tỏ được cái uy, cái đẹp đặc trưng của mình. Ba yếu tố trên hội đủ vẫn chưa thể đánh giá được một gốc mai đạt chuẩn nếu như giống mai đó không phải là hoàng mai “F1”, nghĩa là phải mai vàng mà là mai vàng xứ Huế.
 
Mà cái giống hoàng mai cũng lạ, đã đỏng đảnh, khó trồng lại còn khó uốn cành do độ dẻo của cành kém hơn hồng diệp mai. Cũng vì lẽ đó, một khi tạo ra những thế mai được xem là “mô phạm” như long giáng, long vân, tứ diện, hổ phụ sinh hổ tử, long mẫu xuất long nhi... thì giá trị của hoàng mai càng cao ngất ngưỡng.
 
So với mai Bình Định, Phú Yên, các tỉnh miền Tây Nam bộ hay thậm chí mai rừng Bình Thuận thì mai Huế lạ lắm, khác lắm. Từ cây con cho đến khi ra hoa, người chơi phải chờ đến 7-8 năm (mai các tỉnh khác chỉ độ 4-5 năm). Thời gian chăm bón lâu hơn hẳn mai ở địa phương khác khiến phần thân, phần gốc sần sùi, nứt nẻ xanh rêu. Mai Huế không nhiều cánh, dày bông, trung bình mỗi hoa chỉ khoảng 5 cánh, nhưng màu vàng rực rỡ hơn, mùi thơm hơn. Mai Ngự lại càng khác. Ngoài những đặc điểm như hoàng mai thì mai Ngự lá dài hình răng cưa, mỗi năm ra hoa 2 lần vào mùa Xuân và mùa Thu. Hoa có sắc màu vàng đậm, hương thơm, nụ to. Nghe người già kể lại, giống mai này trước đây chỉ được trồng trong Đại Nội.
 

Gốc mai Ngự được giới chơi cây kiểng đánh giá to nhất miền Trung

 
Từ hạt đến khi mai lớn, ra hoa, người chơi phải mất 7-8 năm công phu. Nhưng đó là nói tổng thể, chung chung, chứ trong 7-8 năm đó, cứ mỗi năm, người chơi gần như phải làm việc suốt 12 tháng. Anh Lê Thông Tính, đội trưởng đội cây kiểng cho hay, cứ mỗi ngày tưới 2 lượt, 10 ngày phun thuốc trừ sâu, nấm 1 lần, 1 tháng lại 1 lần bón phân cho mai... Khó nhất trong các khâu vẫn là công đoạn để mai ra hoa đúng vào dịp Tết. Ép mai trồng trong chậu ra hoa theo ý muốn thì khả năng thành công đến 90% nhưng với mai trồng ngoài vườn thì không dám chắc. Dù đã thực hiện đúng theo kỹ thuật nhưng chuyện mai nở trật ngày là chuyện bình thường, bởi đôi khi còn phải phụ thuộc vào thời tiết.
 
Chơi mai đã kỳ công, chuyện giữ mai cũng công phu không kém. Trời hanh nắng ráo không nói làm gì, nhưng đến khi mưa lũ tới, anh em phải thay nhau chằng, chống, giữ cho mai khỏi long gốc. Nhiều khi đêm hôm bão lốc tơi bời, nhà cửa vứt hết cho vợ con, bản thân phải chạy ra vườn mai ngó qua một chút mới yên tâm, anh Nguyễn Văn Bình, công tác ở bộ phận đội cây kiểng cho biết.
 
Vào vai người tập tễnh chơi mai, tự nhiên vỡ vạc được một điều. Để đánh giá đúng giá trị một gốc mai thì chẳng khác nào đi mua một... cái nhà rường. Ngoài việc phải hội đủ “đế, thân, tầng, giống” thì việc đã gắn bó và từng chứng kiến thăng trầm chìm nổi của một dòng họ đến ba, bốn đời mới là điều quyết định cho giá trị của một cây mai. Vậy mới nói, mai vàng xứ Huế là vật gia bảo truyền đời nhiều khi cũng chẳng sai với một số người.
 

Nếu con đường "hoàng mai" hoàn thành và đồng loạt khoe sắc, Huế sẽ đẹp biết chừng nào

 
Trồng mai, chơi mai nhìn qua chỉ là cái thú. Nhưng ẩn sâu trong đó là sự chiêm nghiệm, là suy tư và cả khát khao... tất cả dường như được người trồng gửi gắm vào đó một cách lặng lẽ, thầm kín như chính bản tính của người Huế vậy.
 
Và câu chuyện còn để ngỏ
 
Có thời điểm, “thị phần” mai Huế bị mai Bình Định, mai Miền Tây Nam bộ chiếm lĩnh. Ra chợ hoa ngày Tết, những gốc mai uốn éo đủ hình đủ thế to bằng cổ tay, cổ chân nhiều như lá mùa thu. Tần ngần đứng xem nhưng không dám hỏi, bởi theo giá thị trường, những gốc mai ấy rớ vào chắc chắn “phỏng tay”. Vậy mà đứng lắng nghe, những gốc mai khủng ấy được chủ nhân phát giá chỉ vài ba triệu, rẻ bất ngờ! Chưa hết ngạc nhiên, một người ra dáng dân sành sỏi lắc đầu với bạn, chơi chi mấy cái mai hồng diệp, thích thì tìm mai Huế mà chơi.
 
Một dẫn chứng nhỏ để nói, ngày xuân Tết đến, kiếm một nhành mai, gốc mai không là chuyện khó. Không tin cứ ra chợ hoa Tết, mai ngoại tỉnh vàng khè cả một khoảng không. Nhưng với mai Huế, cố công tìm thì cũng có nhưng số lượng dường như không đáng kể. Một phần mai Huế đã theo chân các dân buôn vào Nam ra Bắc, một phần những người chơi mai đích thực đều ôm khư khư, chỉ để trưng bày, quá lắm thì cho thuê chứ ít ai đem bán.
 
 
 
Nói đến những người chơi mai đích thực mới nhớ, cách đây hơn một năm, có người mê hoàng mai lắm. Mê đến mức đi ngủ vẫn mơ thấy suốt một dãy tường thành Huế, mai vàng đồng loạt tỏa sắc, khoe hương mỗi khi Tết đến xuân về. Cứ nghĩ đó chỉ là giấc mơ, là ước ao của một người yêu mai Huế kể ra trong lúc trà dư tửu hậu. Nhưng người viết đã lầm. Bởi từ giấc mơ, ông Phan Đình Ngôn – GĐ Trung tâm Công viên cây xanh thành phố Huế – nảy ra ý tưởng khá táo bạo: trồng một vườn toàn mai Huế từ cửa Quảng Đức kéo dài đến chân cầu Bạch Hổ. Và đến thời điểm hiện tại, ý tưởng của ông chỉ mới thực hiện được khoảng 1/4.
 
1/4 giấc mơ của ông Ngôn là khoảng 90 gốc mai có đường kính 10-40 cm với tuổi đời từ 50-80 năm. Trong từng đó gốc mai thì có 6 gốc mai Ngự và đáng chú ý là 1 gốc mai Ngự có tuổi đời 30 năm, đường kính 18cm, cao 1,5m, được giới chơi cây kiểng đánh giá to nhất miền Trung. Với chức năng là Trung tâm Công viên cây xanh, mới nghe qua cứ tưởng 90 gốc mai rất dễ kiếm. Nhưng không phải. Để có được 1/4 ước mơ đó, ông Ngôn phải cùng nhân viên lăn lộn khắp nơi, từ Phong Điền đến Quảng Điền, từ Phú Lộc về Phú Vang. Cứ “đánh hơi” nơi nào có mai vàng, ông Ngôn liền cử người đến đặt vấn đề. Thuận mua vừa bán là lý lẻ của thị trường. Nhưng nhiều lúc mọi việc không suôn sẻ như vậy. Có khi đang bứng cây, gia chủ tự nhiên mắt đỏ hoe, vội vội vàng vàng chạy đến bàn thờ thắp nén nhang rồi sụt sùi khóc. Rồi có người ở Bạch Đằng rao bán mai, nhiều dân buôn đến trả nhưng không bán, nhất quyết chỉ bán cho Trung tâm Công viên cây xanh. Lý do là nghe Công ty mua về trồng ở cửa Quảng Đức nên mới bán. Trồng ở đó, nhiều khi nhớ tạt ngang vẫn “được gặp nhau” chứ bán cho dân buôn thì...Và như vậy, cây mai Huế lại càng được tập thể Trung tâm Công viên cây xanh nâng niu hơn, quý trọng hơn.
 
Chuyện ông Ngôn dự định trồng một đường toàn mai vàng xứ Huế dường như ai cũng biết. Mà dường như, ai nghe qua cũng ủng hộ. Cứ thử tưởng tượng xem, suốt một chiều dài kinh thành, bên kia là sông Hương thơ mộng, bên này vàng rực hoàng mai, hương thơm dịu nhẹ tản mác trên đường khi Tết đến xuân về thì ai chẳng thích, ai chẳng mê. Chưa kể, du khách đến Huế, khi ra về còn kháo nhau, ngoài đường phượng bay đã đi vào lịch sử âm nhạc thì nay, Huế còn có thêm con đường “hoàng mai”. Tự hào lắm chứ!
 
Lại bàn xa hơn một chút, đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng ở một góc độ nào đó, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đường Trịnh Công Sơn vẫn chưa thể chứng tỏ được là con đường đặc trưng của Huế trong mắt du khách và cả dân bản địa. Nhưng nếu con đường “hoàng mai” của ông Ngôn thành hiện thực, biết đâu trong bản đồ du lịch Huế sẽ có thêm một điểm đến rất mới, rất Huế.
 
Nhưng đúng là giữa dự định, ước mơ và hiện thực là một khoảng cách khá xa. Muốn trồng được con đường toàn mai như vậy thì việc đầu tiên phải có người bán mai. Có được người bán thì tiếp theo phải có tiền để mua. Khổ nỗi, kinh phí hạn hẹp khiến ông Ngôn nhiều khi phải ngậm đắng nhìn mai Huế vào tay dân buôn để rồi xuôi ngược Bắc, Nam. Năm này qua tháng nọ, mai Huế đang từ từ “chảy máu” và con đường “hoàng mai” có nguy cơ dang dỡ. Vậy sao không nghĩ cách khác, ví như nhân giống mai Huế từ hạt? Tất nhiên là được nhưng có phải ai cũng đủ kiên nhẫn để chứng kiến con đường “hoàng mai” sau vài ba... chục năm!
 

Võ Nhân (TTH)

 


Tin tức liên quan