Văn hoá xã hội

Những cổ vật của Huế được đề nghị công nhận là “Bảo vật quốc gia”
Những cổ vật của Huế được đề nghị công nhận là “Bảo vật quốc gia”
 
Cập nhật lúc 15:27 | 30/1/2012 (GMT+7)

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đến thời điểm này đã có 3 trong số 5 bộ hồ sơ mà trung tâm đã lập để các cấp có thẩm quyền xem xét và đề nghị công nhận là “Bảo vật quốc gia”.

Một đỉnh trong Cửu đỉnh đặt tại sân Thế Miếu (Đại Nội Huế). (Ảnh: Báo TT-Huế)
Một đỉnh trong Cửu đỉnh đặt tại sân Thế Miếu (Đại Nội).

Gồm: Cửu đỉnh, Cửu vị thần công và Đại hồng chung của chùa Thiên Mụ. Đợt này, đã có 21 đơn vị bảo tàng trên khắp mọi miền đất nước gửi 185 bộ hồ sơ hiện vật gửi về đăng ký công nhận. Việc các hồ sơ đã được Hội đồng Giám định cổ vật (Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch) xem xét và thông qua để tiếp tục hoàn tất những thủ tục sau cùng hết sức có ý nghĩa. Được công nhận “Bảo vật quốc gia” là sự khẳng định giá trị to lớn của những cổ vật tinh hoa của Cố đô Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung. Qua đó, tiếp tục huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, gìn giữ cho muôn đời sau, cũng như thu hút du khách khắp mọi miền một cách thoả đáng.

Cửu đỉnh

Cửu đỉnh (9 đỉnh) hiện đặt tại sân Thế Miếu trong Đại Nội. Chín đỉnh này được đúc từ cuối năm 1835 đến đầu năm 1837 thì hoàn thành, dưới triều vua Minh Mạng. Mỗi chiếc nặng 2 tấn, cao xấp xỉ 2,5m và có đến 153 hình ảnh chạm nổi trên đó. Cửu đỉnh được mệnh danh là bộ Đại Nam nhất thống chí bằng đồng của Việt Nam.

Với nhà Nguyễn, Cửu đỉnh biểu thị cho ước mơ về sự trường tồn mãi mãi của vương triều và sự giàu đẹp của đất nước. Điều đó được thể hiện rất rõ trong việc đặt tên gọi cũng như tầm vóc và các hoạ tiết chạm nổi trên mỗi đỉnh. Tên của mỗi đỉnh cũng chính là tên thuỵ của mỗi vị vua sau khi mất được đưa vào thờ tại Thế Miếu. Giá trị của Cửu đỉnh trước hết nằm ở tầm vóc to lớn và trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công Phường Đúc. Các cặp quai trên miệng đỉnh không hoàn toàn giống nhau, cặp đúc vuông, cặp đúc tròn, cặp xoắn theo kiểu dây thừng. Chân đỉnh cũng khác nhau, có bộ uốn theo kiểu chân quỳ, có bộ đúc thẳng... Về mỹ thuật, mỗi đỉnh có 17 bức hình chạm nổi chủ đề về trời biển, núi sông, chim, cá, hoa, quả và binh khí. Tất cả 153 mảng hình trên Cửu đỉnh là 153 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng nước ta hồi đầu thế kỷ XIX.

Cửu đỉnh thực sự là di sản văn hoá quý hiếm, có giá trị nhiều mặt của văn hoá Huế nói riêng, cả nước nói chung.

Cửu vị thần công

Cửu vị thần công nay được đặt ở cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn), cửa Quảng Đức (cửa Sập) Kinh thành Huế. Cửu vị thần công được đúc tại Huế từ tháng 2 năm 1803 đến tháng 1 năm 1804, do lính thợ ở bộ Công và binh sĩ ở bộ Binh thực hiện. Vật liệu là tất cả các khí mảnh bằng đồng tịch thu được của triều Tây Sơn đem nấu chảy, đúc thành súng để làm “kỷ niệm muôn đời”. Cửu vị thần công được đặt tên theo “Tứ thời”: Xuân, Hạ, Thu, Đông; “Ngũ hành”: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Năm 1816, chín khẩu súng còn được triều Gia Long đặt tên mới nữa là: Thần Oai Vô Địch Thượng Tướng Công Cửu Vị.

Theo luật Di sản văn hoá và Nghị định hướng dẫn thi hành, thì để được công nhận là bảo vật quốc gia, cổ vật phải đạt được các tiêu chí: Hiện vật nguyên gốc, độc bản; hình thức độc đáo; có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học. Những tiêu chí này thể hiện ở chỗ: Là vật chứng của một sự kiện lớn hoặc gắn bó với cuộc sống, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân kiệt xuất; Là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng – nhân văn, giá trị thẩm mỹ và hình thức thể hiện tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; Là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định...

Trong Cửu vị thần công, khẩu nặng nhất nặng là 18.400 cân, khẩu nhẹ nhất là 17.200 cân. Trọng lượng đồng của chín khẩu là 140.300 cân. Mỗi khẩu được kê trên một giá súng bằng gỗ chạm trổ rất công phu. Hai bên giá là 4 bánh xe bằng gỗ viền sắt dùng để di chuyển. Ngoài giá trị lịch sử, Cửu vị thần công còn mang giá trị nghệ thuật cao. Kỹ thuật đúc đồng, nghệ thuật trang trí và chạm khắc trên đồng cũng như trên giá súng đều rất điêu luyện, tinh xảo. Đây là những khẩu thần công lớn nhất Việt Nam và là một trong những bộ tác phẩm mỹ thuật bằng đồng có giá trị nhất của dân tộc.

Đại hồng chung – chùa Thiên Mụ

Đại hồng chung được đúc từ thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (năm 1710) để cúng cho ngôi Quốc tự, nặng hơn 2.000kg, hiện đặt tại chùa Thiên Mụ. Chuông này cũng đã xưa đến gần 300 năm. Chuông rất lớn và đẹp, chiều cao 2,5m, đường kính miệng 1,40m, nặng 1.986 kg. Trên chuông có khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu “chú nguyện mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an”. Chuông này hiện nay chỉ được đặt như một pháp khí của chùa mà không đánh.

Hoa văn trình bày trên chuông rất phong phú, trình độ mỹ thuật cao. Những nhóm chấm trình bày mỹ thuật, cành lá uốn tiếp theo nhau như những đợt sóng lượn. Các mô-típ long phụng rất linh động, có bốn con rồng quẫy mình, bốn con phượng bay đuôi rất dài. Tiếng của đại hồng chung này đã ngân vang trên đô thành Phú Xuân từ năm 1710 tây lịch cho đến năm 1815 tây lịch thì được chuông Gia Long thay thế. Chuông đã trở thành bảo vật của Phật giáo Thuận Hoá.

Đồng Văn  (Báo TT-Huế)


Tin tức liên quan