Doanh nghiệp Việt tìm hướng đi cho năm 2012
Cập nhật ngày: 02/02/2012 02:15 PM
Bước sang năm 2012, mặc dù được đánh giá là khó khăn vẫn chưa thể chấm dứt, nhưng các doanh nghiệp VN đã có kế hoạch ứng phó với sự biến động của tình hình.
 |
Hình minh họa |
Suy thoái kinh tế năm 2011, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như giá nguyên liệu đầu vào tăng, tỉ giá biến động, tiêu thụ hàng hóa khó khăn dẫn đến phải cắt giảm đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp xác định, năm 2012 bên cạnh những thách thức khó khăn nhưng vẫn có nhiều cơ hội, vì thế nhiều giải pháp đã được doanh nghiệp đề ra như rà soát lại kế hoạch kinh doanh gắn liền với kế hoạch tài chính, tập trung vào những sản phẩm có khả năng tăng trưởng, tiêu thụ nhanh để thu hồi vốn sớm, triệt để thực hiện tiết kiệm, vận dụng nguồn nhân lực đúng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tính đến giải pháp là phát triển thị trường nội địa để tăng thị phần cũng như doanh thu.
Tiến sỹ Lê Thẩm Dương, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Xét tổng quan, tình hình năm 2012 sẽ khả quan hơn và đòi hỏi doanh nghiệp phải bài bản hơn trong chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Chắc chắn năm 2012 doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phát triển tốt hơn".
Ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc công ty cổ phần Cao su Hà Nội chia sẻ: "Trước bối cảnh như hiện nay, ngoài việc tìm kiếm thêm thị trương mới như châu Âu, châu Á cũng như châu Phi, các doanh nghiệp cũng đã chú trọng hơn tới các đơn hàng nội địa để đảm bảo sản xuất cũng như đời sống công nhân".
Những thuận lợi của doanh nghiệp còn là kinh nghiệm có được từ các giải pháp khắc phục khó khăn của năm trước 2011. Bên cạnh đó, năm 2012 chính phủ đã có những giải pháp tình thế để giảm bất ổn vĩ mô cũng như thực hiện yếu tố lâu dài như thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc một số ngành, một số lĩnh vực. Trước những thuận lợi đó, mỗi doanh nghiệp cũng đang tìm cách lập kế hoạch cho riêng mình.
Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia kinh tế nhìn nhận: "Doanh nghiệp Việt Nam trước hết là phải đánh giá lại mình. Chúng tôi đã hướng dẫn doanh nghiệp tự đánh giá lại mình, xem thời gian vừa qua bộc lộ những khó khăn gì, mặt gì mạnh, mặt gì yếu, những cái gì mình có thể phát huy, những cái gì có thể khắc phục để xây dựng chiến lược kinh doanh mới, lĩnh vực phục vụ mới".
Theo các chuyên gia, trước những biến động của thị trường, doanh nghiệp cần tránh đầu tư đa ngành, dàn trải, kém hiệu quả. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nghiên cứu việc cơ cấu lại tổ chức, tập trung vốn và tăng khả năng thâm nhập thị trường để có thể trụ vững và phát triển. Việc nghiên cứu thị trường, đảm bảo giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là một giải pháp mà các doanh nghiệp cần quan tâm.
Tác giả : Ngọc Phú (VTV)