Văn hoá xã hội

Du lịch và tính hợp tác

Du lịch và tính hợp tác

Ngày cập nhật: 09/02/2012 02:02 PM

Du lịch là một thế mạnh mang tính tổng hợp, liên ngành, liên lĩnh vực và có tính xã hội hóa. Trong đặc thù đó, Chương trình Năm Du lịch Quốc gia giai đoạn từ năm 2012-2017 được xác định là hoạt động trọng tâm của toàn ngành du lịch.

 

Tổng cục Du lịch đã có sáng kiến triển khai chương trình này trở thành hoạt động mang tính liên kết, hợp tác thu hút du khách trong và ngoài nước đến khám phá sản phẩm du lịch tổng hợp của từng vùng miền. Năm Du lịch Quốc gia giai đoạn 2003-2010, chương trình du lịch đặt trọng tâm quốc gia, khu vực. Đến năm 2011, chương trình hướng vào trọng tâm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng vùng và đặt ra vấn đề lựa chọn những địa phương có thế mạnh du lịch nhưng chưa khai thác tốt thế mạnh này. Chính mục tiêu đó đã làm cho nhiều địa phương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng tour, tuyến du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm tham gia Năm Du lịch Quốc gia với nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.

Qua những năm tổ chức, rút kinh nghiệm, ngành du lịch đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với chủ đề “Nâng cao hiệu quả tổ chức Năm Du lịch Quốc gia giai đoạn 2012-2017”. Tại hội thảo với chủ đề này ở Thừa Thiên Huế trước khi triển khai Năm Du lịch Quốc gia 2012, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, có 3 vấn đề cần xác định rõ. Thứ nhất là thông qua Năm Du lịch Quốc gia cần xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch trong và ngoài nước. Thứ hai là cần phân biệt đây là hoạt động nhằm đánh thức tiềm năng du lịch của từng địa phương, vùng miền trên phạm vi quốc gia. Thứ ba là hoạt động này nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước.

Như vậy vấn đề đặt ra, sản phẩm du lịch của Năm Du lịch Quốc gia phải là sản phẩm đặc thù, đặc sắc của các địa phương đăng cai tổ chức và vùng lân cận. Từ định hướng mang tính chiến lược ấy, các địa phương đã đề xuất, gợi mở nhiều chủ đề sản phẩm du lịch cụ thể, có chủ đề phong phú, hấp dẫn.
 
Năm Du lịch Quốc gia 2012 được tổ chức tại Thừa Thiên Huế nhằm khẳng định thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ nơi có nhiều di sản thế giới, các di tích quốc gia, các lễ hội đặc sắc, các sản phẩm về biển và đầm phá...
 

Du lịch di sản, một sản phẩm có thế mạnh ở Thừa Thiên Huế. Ảnh: Anh Túc

 
Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ Huế 2012 là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết du lịch giữa các địa phương. Với Thừa Thiên Huế, lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch luôn đề cao tính liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố lớn, không chỉ là liên kết, hợp tác với các đơn vị trong nước mà cả nước ngoài. Điều này cho thấy, Thừa Thiên Huế coi trọng tính liên kết nhằm ngày càng khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn thế mạnh du lịch tiềm tàng, giàu bản sắc mà Thừa Thiên Huế đang có. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế là địa phương có thế mạnh về sản phẩm du lịch di sản, sinh thái, văn hóa, lịch sử...
 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khi bàn về sự hợp tác, liên kết trong ngành du lịch đã cho rằng, phải xác định rõ các ưu thế và năng lực của từng địa phương để hợp tác và định hướng phát triển cho toàn vùng. Vấn đề có tính chiến lược được ông Nguyễn Văn Cao nêu ra là các tỉnh trong vùng liên kết có thể chia sẻ lợi ích với nhau từ sự hợp tác, liên kết. Cụ thể là các tỉnh có thể hợp tác để cùng phát triển cơ sở hạ tầng với sự trợ giúp của Chính phủ; cùng nhau hoạt động thực hiện quảng bá, xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch; cùng nhau xây dựng thương hiệu cho toàn vùng. Nếu làm tốt điều này, sẽ tạo sự đột phá lớn, tác động và khai thác tour, tuyến tốt hơn giữa các địa phương, nó không chỉ tác động mạnh đến ngành du lịch mà con tác động tích cực đến các ngành kinh tế khác.
 
 
Du khách khi chọn điểm đến họ luôn chú ý đến tiềm năng và sản phẩm du lịch hấp dẫn nơi đến, bảo đảm cho chuyến tham quan đạt được mục đích, nhu cầu của họ. Do vậy, từ những thế mạnh của từng địa phương nếu được kết nối, liên kết lại sẽ trở thành thế mạnh riêng và chung cùng phối hợp tạo khả năng mới, động lực mới thu hút du khách khiến địa phương nào cũng được hưởng lợi. Hiển nhiên, qua liên kết, hợp tác sẽ cho nhiều bài học, nhiều hướng đi, cách làm mới trong khai thác thế mạnh du lịch vốn là thế mạnh cần khai thác ngày càng tốt hơn, hấp dẫn hơn.
 
 
Để tăng tính hiệu quả trong Năm Du lịch Quốc gia, để phát huy thế mạnh của tính hợp tác, liên kết cần có một ban tổ chức ngang tầm, am hiểu về du lịch. Khâu có tính quyết định là đầu tư mạnh mẽ cho phát triển cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch; từng bước hoàn thiện và làm phong phú sản phẩm du lịch ngày thêm hấp dẫn. Mỗi địa phương nên chọn những sản phẩm du lịch trọng tâm, trọng điểm để đầu tư. Cộng hưởng các sản phẩm trọng điểm của các địa phương tạo động lực mới cho toàn vùng cùng phát triển đi lên trong xu hướng năng động, bền vững.
 
 
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để khẳng định vị thế của mình, mỗi địa phương cần xây dựng thương hiệu du lịch với những sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao, có tính đẳng cấp. Từ đó, các địa phương hợp tác, liên kết lại để phát huy đồng bộ các ưu thế riêng của từng địa phương, từng vùng lãnh thổ, tránh sự chồng chéo sản phẩm du lịch.
 
 
Thực hiện tốt sự liên kết, hợp tác trong ngành du lịch, các tỉnh miền Trung sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc trong thời gian tới và Năm Du lịch Quốc gia sẽ đạt được hiệu quả cao hơn, trở thành thương hiệu bền vững của ngành du lịch.

Chiến Hữu (TTH)

 


Tin tức liên quan