Lãi suất: Thấp chưa hẳn đã “rẻ”!
Cuối tuần qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố chính sách lãi suất mới. Những điều chỉnh này một phần nằm trong việc thực hiện đồng thuận hạ lãi suất huy động VND của các hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).
Điểm thu hút sự chú ý của thị trường là Vietcombank thực hiện cả việc điều chỉnh lãi suất cho vay. Trong đó, mức lãi suất thấp nhất chỉ còn 11,5%/năm, đối với khoản vay bằng VND.
Đó là một mức rất thấp so với lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay. Mức chênh lệch ngân hàng thu được so với lãi suất huy động là rất hẹp. Nhưng 11,5%/năm trong một số trường hợp chưa hẳn đã thấp, hay lợi ích của ngân hàng không chỉ gói gọn trong một tỷ lệ lãi biên khiêm tốn.
Theo tìm hiểu, mức lãi suất cho vay 11,5%/năm đó được Vietcombank áp dụng cho các đối tượng là doanh nghiệp xuất khẩu với cam kết bán lại ngoại tệ trong tương lai. Ở đây đã có yếu tố đặc thù và có lợi ích ràng buộc; thấp hay không theo đó còn tùy thuộc vào các điều khoản cam kết cụ thể trong hợp đồng vay vốn và thực tế biến động tỷ giá.
Còn trong thời gian qua, những mức lãi suất cho vay thấp hơn bình thường dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đi kèm với cam kết bán lại ngoại tệ, chưa hẳn tất cả đều rẻ.
Năm 2009 có thể nói là năm bùng nổ của chính sách cho vay này. Nhiều nhà băng rầm rộ giới thiệu mức cho vay chỉ khoảng 3% - 5%/năm. Dù trong đó đa số đã trừ đi phần bù lãi suất 4% của chính sách kích cầu, nhưng rõ ràng là rất thấp so với mặt bằng chung.
Nhưng từ đầu năm đến nay, thị trường vắng bóng những thông tin giới thiệu như vậy một cách lạ thường. Hẳn là có nguyên do.
Sản phẩm cho vay này thường được thiết kế khá đơn giản. Lãi suất vay vốn thấp hơn hẳn lãi vay thông thường, thậm chí trước đây có trường hợp chỉ bằng phân nửa. Nhưng đổi lại, doanh nghiệp phải ký hợp đồng forward bán số USD tương ứng số VND ngân hàng đã cho vay bằng tỷ giá giao ngay công bố tại thời điểm vay vốn.
Trong câu chuyện với phóng viên trước đây, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên, nói rằng khi vay sản phẩm này rõ ràng doanh nghiệp được hưởng ngay lãi suất thấp, lợi ích là trước mắt; nhưng đến kỳ bán ngoại tệ, nhìn lại lãi suất chưa hẳn đã “rẻ”.
Giả sử, một khoản vay lãi suất chỉ 5%/năm. Để được hưởng ưu đãi này, doanh nghiệp cam kết bán lại ngoại tệ (USD) từ nguồn thu trong tương lai theo tỷ giá tại thời điểm vay vốn. Biến động của tỷ giá sau đó thuộc về ngân hàng. Thế nên trong câu chuyện của ông Quyết, khi nguồn thu USD về, thực tế thị trường là 19.000 VND, nhưng doanh nghiệp phải bán cho ngân hàng theo giá 18.500 VND, không có gì lạ khi đã cam kết trước đó.
Năm 2008, rồi đến năm 2009, tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao. Hay chỉ cuối năm 2009 đến đầu 2010, qua 2 lần điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, chỉ trong khoảng bốn tháng, mức tăng cũng đã là 8,44%. Hơn ai hết, chủ những khoản vay thuộc sản phẩm trên nằm trong kỳ biến động bốn tháng đó nắm rõ giá trị của chênh lệch này.
Từ thực tế trên, cân nhắc thiệt hơn, nhiều doanh nghiệp đã xét lại bài toán vay vốn “rẻ”. Sự xét lại này được đặt trong bối cảnh tỷ giá “chỉ có tăng mà không thấy giảm”. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn cũng thừa nhận rằng, trước sự gia tăng của tỷ giá và kỳ vọng tiếp tục tăng, nhiều khách hàng đã cân nhắc; sản phẩm cho vay này theo đó không còn “thịnh” như trong năm 2008 và 2009.
Về phía ngân hàng, như đề cập, lợi ích không chỉ gói gọn trong tỷ lệ lãi biên khiêm tốn, mà mang lại những giá trị khác.
Trước hết là chênh lệch tỷ giá tăng trong kỳ vay; không loại trừ cả “giá trị gia tăng” nếu có chuyện thu thêm phí khi bán lại chính nguồn ngoại tệ đó cho những doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, cũng có tình huống ngân hàng phải “bấm bụng” cho vay lãi suất rẻ trong kỳ tỷ giá ổn định, như suốt sáu tháng từ cuối tháng 2 cho đến trung tuần tháng 8/2010.
Nhưng còn có giá trị khác. Nguồn cam kết bán lại từ doanh nghiệp vay vốn giúp ngân hàng chủ động hơn trạng thái ngoại tệ cho tương lai, góp phần chủ động cho kế hoạch kinh doanh…
Ở cả hai phía, thiệt - hơn ở đây là sự cân nhắc và đánh đổi. Và đây chỉ là một trong những sản phẩm cho vay. Không phủ nhận rằng doanh nghiệp xuất khẩu vẫn là đối tượng được ưu đãi thuần túy trong chính sách tín dụng của các ngân hàng.
Vũ An (Theo VnEconomy)