Quản trị doanh nghiệp

Thời hạn sử dụng đất kéo dài đến năm 2033

Thời hạn sử dụng đất kéo dài đến năm 2033

Ngày cập nhật: 09/03/2012 07:56 AM

Chiều 7/3, Bộ TN-MT đã tổ chức họp báo để làm rõ hàng loạt vấn đề liên quan tới chính sách đất đai đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

 

Tiếp tục giao đất 20 năm

Theo thông tin tại cuộc họp, để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trước thời điểm kết thúc thời hạn giao đất nông nghiệp (10-2013), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) Đào Trung Chính cho biết phải thực hiện ngay một số giải pháp. Các gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản... thường trú tại địa phương đang sử dụng đất nông nghiệp do nhà nước giao trước đây, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng chỉ cần đến cơ quan có chức năng yêu cầu điều chỉnh thời hạn sử dụng đất thêm 20 năm nữa, tức đến năm 2033. Người dân không phải làm thủ tục để được tiếp tục sử dụng đất mà sẽ được điều chỉnh thời hạn sử dụng đất trên giấy chứng nhận (GCN) đã cấp trước đây. Trường hợp có nhu cầu thế chấp, chuyển nhượng... thì tới văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để làm thủ tục điều chỉnh thời hạn trên GCN. “Hiện nay, chúng ta chưa sửa đổi Luật Đất đai 2003 nên trước mắt phải thực hiện đúng theo luật này, tức là giao tiếp đến năm 2033. Sau này, nếu có thay đổi, chẳng hạn như luật mới cho phép giao 50 năm thì sẽ xử lý sau...” - ông Chính giải thích

Với những hộ không thuộc diện thường trú tại địa phương và đất sử dụng có nguồn gốc là đất trống, đồi núi trọc, bãi bồi ven sông, biển... đã được các địa phương cho đấu thầu, giao, cho thuê có thời hạn (đến nay đã hết hạn), nếu có nhu cầu sử dụng tiếp sẽ được gia hạn sử dụng. Khác với hộ thường trú, đối tượng này sẽ phải làm một số thủ tục để được gia hạn.

Về những trường hợp đã nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp nay có được tiếp tục sử dụng hay Nhà nước sẽ thu hồi để giao cho đối tượng khác, ông Đào Trung Chính nhấn mạnh: “Với đất trồng lúa, chỉ có hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng và được gia hạn sử dụng. Trường hợp đã nhận chuyển nhượng nhưng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, Nhà nước sẽ thu hồi. Với những trường hợp thực hiện dồn điền đổi thửa, GCN mới sẽ ghi thời hạn sử dụng đến năm 2033”. Ông Đào Trung Chính nói: “Bộ TN-MT sẽ có thông tư hướng dẫn việc này trước ngày 15-10-2013 (thời điểm hết hạn giao đất 20 năm theo Luật Đất đai 1993 - PV).

Nhiều quan điểm về sở hữu đất đai

Trả lời các câu hỏi về hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, chẳng hạn như chế độ sở hữu, thời hạn và hạn mức giao đất..., ông Đào Trung Chính nói, đây là những vấn đề rất lớn và cần có ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Vẫn theo ông Đào Trung Chính, trong quá trình tổng kết Luật Đất đai 2003, có nhiều ý kiến trái chiều về những vấn đề này. Có ý kiến cho rằng cần tiếp tục duy trì sở hữu toàn dân về đất đai. Có ý kiến lại nói nên chuyển thành sở hữu nhà nước. Nhiều ý kiến đề nghị nên đa dạng hóa hình thức sở hữu đất đai, trong đó, có cả sở hữu tư nhân. Mỗi đề xuất đưa ra đều có lập luận riêng. “Tương tự, với việc có chia lại đất nông nghiệp hay không, có người nói không thể chia vì anh đã có đất, bị thu hồi, đã được Nhà nước bồi thường, nay được giao nữa thì bất hợp lý. Lại có người yêu cầu phải chia lại vì con tôi sinh sau 15-10-1993, từ đó tới giờ không được giao đất...

Về thời gian giao đất và hạn điền, có ý kiến nói nên giữ nguyên, có người đề nghị rằng 20 năm ít quá, không đủ khuyến khích sản xuất, cần phải kéo dài thêm...” - đại diện Tổng cục Quản lý đất đai cho biết. Vì lẽ đó, Bộ TN-MT có trách nhiệm tổng hợp tất cả các ý kiến này để báo cáo Chính phủ trước khi Chính phủ xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc thị xã Sơn Tây (Hà Nội) làm mất 400 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải là trường hợp duy nhất hay việc này đã diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký thống kê (Tổng cục Quản lý đất đai), cho biết đến nay chỉ có duy nhất thị xã Sơn Tây, Hà Nội có báo cáo về việc mất phôi sổ đỏ.

Qua sự việc này, Tổng cục đã chỉ đạo Cục Đăng ký Thống kê vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân “mất tích” phôi sổ đỏ ở thị xã Sơn Tây, từ đó xác định rõ những bất hợp lý trong quy trình quản lý phôi tại các địa phương. Còn ông Bùi Sỹ Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ TN-MT) cho biết, Bộ TN-MT đang soạn thảo văn bản để trình Thủ tướng xử lý vụ việc thu hồi cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng) nói riêng và các hộ khác nói chung tại địa bàn huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng.

Theo ông Dũng, hướng xử lý sẽ căn cứ vào quyết định giao đất, thu hồi và cưỡng chế đất của tất cả các trường hợp tương tự trên địa bàn. Thực tế, các quyết định này có trước và sau Luật Đất đai năm 1993 vì thế có quyết định đúng, có quyết định sai và có cả trường hợp chỉ đúng một phần. Từ đó, căn cứ từng trường hợp cụ thể để giải quyết.

Cũng vấn đề này, ông Đào Trung Chính cho biết thêm, Bộ TN-MT đã có văn bản gửi 63 tỉnh thành yêu cầu báo cáo về tình hình quản lý sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương. Bộ sẽ cử các đoàn công tác về địa phương nắm tình hình, từ đó đề ra giải pháp giải quyết trọn gói gắn với việc gia hạn sử dụng đất nông nghiệp của người dân.

Anh Thư (theo SGGP)

 


Tin tức liên quan