Quản trị doanh nghiệp

Nhận diện yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam

Nhận diện yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam

Ngày cập nhật: 22/03/2012 07:56

DN trong nước còn yếu về nhiều thứ, nhưng nổi lên hơn cả là năng lực quản lý, cạnh tranh, nhân lực, công nghệ và tinh thần đoàn kết.

 

Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 400.000 doanh nghiệp, nhưng đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa (95%), số doanh nghiệp cực nhỏ và khu vực phi chính thức rất lớn. Trong mấy năm qua, do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế, có tới hàng chục ngàn doanh nghiệp bị đóng cửa, phá sản do thua lỗ liên tục và không chịu nổi lãi suất cho vay quá cao của ngân hàng. Điều này đã đưa đến hệ lụy là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam yếu và luôn có chiều hướng suy giảm.

Mở công ty chỉ vì có sẵn tiền vốn

Nói về thực trạng đội ngũ doanh nhân trong nước, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhìn nhận: “Nước ta là một nước sản xuất nhỏ, truyền thống buôn bán không có, suốt thời kỳ bao cấp còn cấm buôn bán, kinh doanh. Thành phần tham gia thương trường cũng rất đa dạng, đặc thù (cán bộ, bộ đội phục viên, buôn thúng bán mẹt đi lên…)”.

Kết quả điều tra hơn 63.000 doanh nghiệp trên cả nước cho thấy: 43,3% lãnh đạo doanh nghiệp có trình độ học vấn dưới trung học phổ thông, số chủ doanh nghiệp có trình độ thạc sỹ trở lên chỉ chiếm 2,99%. Có thể nói, đa số các chủ doanh nghiệp và giám đốc doanh nghiệp tư nhân chưa được đào tạo một cách bài bản về kiến thức kinh doanh, kinh tế – xã hội, văn hóa, luật pháp… và kỹ năng quản trị kinh doanh, nhất là kỹ năng kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế. Điều đó được thể hiện rõ trong việc nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định về thuế, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, chất lượng hàng hóa, sở hữu công nghiệp…

Từ đó, khuynh hướng phổ biến là các doanh nghiệp hoạt động quản lý theo kinh nghiệm, thiếu tầm nhìn chiến lược... Một số chủ doanh nghiệp mở công ty chỉ vì có sẵn tiền vốn và thích kinh doanh, trong khi đó thiếu kiến thức và kỹ năng về kinh doanh, vì vậy đã dẫn đến rủi ro và thất bại.

GS.TS Đỗ Đức Bình - Trường ĐHKT Quốc dân khẳng định: Hiện tại, chúng ta đang thiếu hụt trầm trọng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, giám đốc điều hành doanh nghiệp có tính chuyên biệt. Một thực trạng phổ biến là quyền quản lý và sở hữu chưa được tách bạch rõ ràng trong các doanh nghiệp Việt Nam. Giám đốc điều hành doanh nghiệp đồng thời cũng là chủ doanh nghiệp nên khó phát huy được vai trò quản lý. Theo công ty tư vấn việc làm Viet Nam Works, thì nguồn nhân lực quản lý cấp cao tại Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40% nhu cầu.

Từ thực tế này, TS Bùi Thanh – Học viện chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Để nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp quốc gia cũng như cấp doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ thì một trong những khâu đột phá, then chốt là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực.

Ngoài ra, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam còn thấp, năm 2009 tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 36,4% lực lượng lao động (công nhân kỹ thuật có bằng cấp trở lên 22,37%). Như vậy, so với nhiều nước ở khu vực và trên thế giới chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn thấp. Trong đó, đặc biệt là ở doanh nghiệp các ngành công nghiệp chế biến, thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng, du lịch, nông nghiệp... tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo rất cao.

Không còn lợi thế nhân công giá rẻ

Việt Nam hiện đang cạnh tranh với thế giới bằng nguồn lao động dồi dào, giá rẻ. Tuy nhiên, trên thực tế lợi thế cạnh tranh này đang dần bị mất đi, chúng ta liên tục bị tụt hạng trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu, và thiếu lao động được đào tạo (xét cả về chất lượng và cơ cấu) là một trong những điểm yếu nhất của nền kinh tế Việt Nam. Bức tranh toàn cảnh về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam xét trên khía cạnh nguồn nhân lực cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Theo TS Bùi Thanh, xét về chi phí lao động trên giá trị mới của Việt Nam rất cao, bằng 47,38%, tương đương với Nhật Bản và Mỹ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực dệt thoi, một công nhân Việt Nam đứng 10 máy, hiệu suất là 80%, trong khi một công nhân Đài Loan đứng 30 - 40 máy, hiệu suất 90%. Năng suất lao động trong ngành dệt của Việt Nam chỉ bằng 90% của Trung Quốc, 85% của Thái Lan. Còn theo Nhóm nghiên cứu PCI năm 2010, 40% doanh nghiệp FDI cho biết phải đầu tư để đào tạo tại chỗ cho người lao động trước khi bắt tay vào làm việc tại công ty, điều này đã tiêu tốn 8% tổng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên, sau khi được đào tạo chỉ có 65% người lao động tiếp tục ở lại làm việc. Điều đó cho thấy, lao động Việt Nam không rẻ như kỳ vọng ban đầu của các nhà đầu tư. Đây cũng là lý do chỉ có 18% doanh nghiệp FDI cảm nhận tích cực về chất lượng giáo dục lao động phổ thông tại Việt Nam.

Theo TSKH Nguyễn Mại, Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng hiện vẫn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, dồi dào để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thâm dụng lao động như may mặc, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử... Nhưng thời gian tới, đây sẽ không còn là lợi thế so sánh nữa khi mà Việt Nam chuyển dịch lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, khi mà lao động giá rẻ đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn (về tăng trưởng, về ổn định xã hội…).

Về vấn đề áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, GS. TS Nguyễn Đức Bình (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: "Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Vì vậy, trong những năm tới, nếu hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước yếu, buông lỏng cộng với doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, thì xu thế nhập khẩu và sử dụng công nghệ lạc hậu vẫn gia tăng, hệ lụy tiếp tục làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp“.

Thực tế, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản, tuy nhiên, khoảng gần 50% doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu; số nhà xưởng của các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng đáng kể là tạm bợ, chắp vá; sản phẩm làm ra đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế chưa nhiều.

Câu chuyện về tinh thần đoàn kết của DN Việt Nam cũng đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Tuy nhiên, nói mãi rồi cũng vẫn không có gì thay đổi. Mới đây nhất, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự chia sẻ: Trên thị trường cà phê thế giới có 8 DN thu gom cà phê, trong khi đó, trong nước có 159 DN kinh doanh cà phê và chỉ bán cho 8 DN này. Thế nhưng, các DN trong nước không thống nhất được với nhau về quyền lợi nên vẫn mạnh ai nấy làm. Chính vì vậy, ông Lương Văn Tự muốn nhấn mạnh với các DN rằng: “Nắm vững luật pháp, buôn có bạn, bán có phường….”.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn yếu, chưa thể cùng nhau “nghiêng ngửa” với các đối tác nước ngoài ngay trên thị trường nội địa, chứ chưa nói trên thị trường quốc tế. Sự yếu kém về năng lực cạnh tranh thể hiện ở khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng với mức giá hợp lý, cũng như những yếu tố khác, như quảng cáo, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tổ chức, quản lý mạng lưới phân phối ... còn nhiều hạn chế so với các doanh nghiệp nước ngoài. Trên thực tế, sau những cơn sóng gió của khủng khoảng kinh tế, chỉ có một số ít doanh nghiệp tư nhân còn có thể đứng vững trên thị trường và làm ăn có lãi, còn phần nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm cự.

Vũ Hạnh (Theo VOV)

 


Tin tức liên quan