Bộ Tài chính trả lời việc điều hành giá xăng dầu
Ngày cập nhật: 26/03/2012 07:25 AM
Nhiều cử tri thắc mắc việc giá xăng, dầu thời gia qua nếu có giảm thì giảm rất ít và chậm, còn khi tăng thì tăng liên tục; Một số ý kiến khác cũng đề nghị xem xét tính khả thi, minh bạch của Quỹ Bình ổn giá xăng.
Bộ Tài chính vừa đã chính thức trả lời băn khoăn của các cử tri liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu và quỹ bình ổn trong thời gian qua.
Trước đó, nhiều cử tri thắc mắc việc giá xăng, dầu thời gia qua nếu có giảm thì giảm rất ít và chậm, còn khi tăng thì tăng liên tục; Một số ý kiến khác cũng đề nghị xem xét tính khả thi, minh bạch hoạt động của Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu đối với lợi ích của người tiêu dùng và đề nghị nâng cao việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này và có giải pháp tốt hơn nhằm tạo điều kiện cho nhân dân trong sản xuất, sinh hoạt.
Về điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu phải nhập khẩu (khoảng 70%), nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới, trước hết là giá xăng, dầu thành phẩm.
Giá xăng dầu hiện nay đang được điều hành theo quy định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, với nguyên tắc bao trùm là: "Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước".
Theo đó, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối được quy định giá bán xăng dầu trong biên độ giới hạn nhất định, theo quy trình và nguyên tắc quy định tại Nghị định.
Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc: quy định công thức tính giá cơ sở, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, khi giá cơ sở tăng cao vượt biên độ thuộc thẩm quyền quyết định giá của doanh nghiệp, Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính (việc điều hành thuế, Quỹ bình ổn giá xăng dầu) nhằm giữ ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Lấy ví dụ đợt tăng giá ngày 7/3 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu thế giới tăng cao, tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành, nếu không điều chỉnh giá bán xăng dầu, kinh doanh xăng dầu sẽ gặp nhiều khó khăn, đồng thời tạo chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia) khoảng từ 4.313 đồng/lít đến 8.387 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng và từng nước khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ở khu vực các tỉnh phía Nam diễn ra rất phức tạp. Bộ Tài chính khẳng định, mức tăng từ 600 – 2.100 đồng/lít,kg tùy từng chủng loại xăng dầu hôm 7/3 là đã được kiềm chế nhờ việc tiếp tục giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu về mức 0% và tiếp tục cho sử dụng Quỹ BOG xăng dầu 300 đồng/lít,kg.
Bộ Tài chính cho biết, tới đây Bộ sẽ tiếp tục kiên trì điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, giá xăng dầu hiện nay chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở. Vì vậy, trước mắt Nhà nước vẫn phải trực tiếp điều hành giá ở mức độ nhất định. Khi giá thế giới giảm, cần khôi phục lại giá cơ sở theo quy định thì sẽ giao doanh nghiệp tự quy định giá trong biên độ cho phép được quy định tại Nghị định 84/2009.
Bộ Tài chính khẳng định, việc hình thành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là cần thiết trong điều kiện hiện nay, góp phần bình ổn giá xăng dầu và mặt bằng giá nói chung.
Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận, do để quỹ phân tán tại các doanh nghiệp nên việc kiểm soát số dư của quỹ khá tốn kém về thời gian, chi phí. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi việc hình thành, sử dụng và quản lý quỹ theo hướng doanh nghiệp trích nộp về quỹ để quản lý chung tại Bộ Tài chính.
Đ.K (Theo VOV)