Tính từ ngày 20 đến 26/3, Ngân hàng (NH) Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh TPHCM (VCB TPHCM) tăng giá mua - bán ngoại tệ 60-70 đồng/USD, lên mức 20.870 đồng/USD (mua vào), 20.920 đồng/USD (bán ra). Giá mua - bán ngoại tệ tại NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thấp hơn VCB TPHCM 10 đồng/USD nhưng tính ra cũng đã tăng 50-60 đồng/USD. Các NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Á Châu (ACB)… tăng giá mua - bán USD ở mức tương tự. Trên thị trường tự do, các tiệm vàng cũng nâng giá thu mua ngoại tệ lên 20.900 đồng/USD, bán ra 20.940 đồng/USD.
Giá USD đang tăng trở lại. Ảnh: Hồng Thúy
Giá USD biến động
Theo NH Nhà nước, giá mua - bán USD có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, tỉ giá bình quân liên NH tiếp tục ổn định ở mức 20.828 đồng/USD kể từ đầu năm 2012, chênh lệch giữa giá thu mua USD của NH Nhà nước với giá mua vào USD của các NH thương mại không đáng kể…
Thế nhưng, trên thực tế, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra tại các NH thương mại là khá lớn, lên tới 50-60 đồng/USD, các NH còn được phép tăng thêm hơn 100 đồng/USD mới đụng mức trần 21.036 đồng/USD. Do đó, một số chuyên gia kinh tế dự báo giá mua - bán ngoại tệ của NH sẽ tiếp tục biến động khi hoạt động xuất nhập khẩu thường sôi động từ quý II hằng năm.
Lãnh đạo nhiều NH giải thích tỉ giá biến động là phản ứng nhất thời của thị trường trước thông tin từ ngày 2-5, tổng trạng thái ngoại tệ cuối ngày của các NH thương mại sẽ được điều chỉnh về mức không quá ± 20%/vốn tự có (hiện nay là ± 30%/vốn tự có). Mặt khác, Thông tư số 03/2012/TT-NHNN cũng quy định: Từ ngày 2-5, các NH thương mại chỉ được phép cho vay bằng ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ (ngoại trừ doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xăng dầu).
Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính cho rằng thời điểm này, nhu cầu về ngoại tệ không cao nên không có lý do gì làm tăng tỉ giá. Có thể do giá vàng thế giới của nhiều ngày trước giảm mạnh nên 7 NH được phép mở tài khoản vàng quốc tế gia tăng giao dịch khiến nhu cầu về ngoại tệ của các NH này tăng mạnh, làm tỉ giá tăng lên.
Hạn chế đầu cơ, kinh doanh ngoại tệ
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2011, nhiều thời điểm thị trường ngoại tệ rất căng thẳng, nguyên nhân có phần phát xuất từ việc các NH được phép duy trì trạng thái ngoại tệ với tỉ lệ lớn, dẫn đến tình trạng NH găm giữ USD. Trong khi đó, các DN nhập khẩu được phép vay ngoại tệ tại một NH có thể chứng minh nguồn tiền trả nợ bằng hợp đồng mua ngoại tệ tại NH khác khiến nhu cầu mua ngoại tệ thường tăng đột biến vào những thời điểm DN đến hạn trả nợ. Còn DN xuất khẩu vay USD lại bán số USD đó cho NH để mua nguyên liệu trong nước, tạo nên nguồn cung ảo thường làm thị trường ngoại tệ méo mó, gây bất lợi cho tỉ giá, ảnh hưởng không tốt đến kinh tế vĩ mô.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng: Việc NH Nhà nước thu hẹp trạng thái ngoại tệ là nhằm hạn chế các NH thương mại đầu cơ, kinh doanh USD, giúp cho thị trường ngoại tệ ổn định hơn. Theo ông Nghĩa, việc thu hẹp trạng thái ngoại tệ, kèm theo quy định NH chỉ được cho vay bằng USD đối với DN có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu, dịch vụ sẽ ngăn chặn được tình trạng đô la hóa, làm tăng giá trị VNĐ. Việc kiểm soát tín dụng nội tệ bằng hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng phải sát cánh với kiểm soát tín dụng ngoại tệ để giúp các giải pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện dễ dàng.
Thu hẹp trạng thái ngoại tệ, hạn chế cho vay USD sẽ làm cho các NH có nhiều USD nhanh chóng bán cho NH Nhà nước, làm tăng dự trữ ngoại hối. Đây chính là một trong những giải pháp chống đô la hóa, ổn định tỉ giá.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Mở TPHCM
|