Quản trị doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước bắt đầu công khai thông tin nhạy cảm
Ngân hàng Nhà nước bắt đầu công khai thông tin nhạy cảm
 
Cập nhật lúc 03:23 | 03/04/2012 (GMT+7)

Kể từ 2/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải công khai các thông tin về tiền tệ và hoạt động ngân hàng có tính nhạy cảm như thành lập, mua, bán, chia, tách, sáp nhập, phá sản, tỷ lệ an toàn vốn, nợ xấu…

Ngày 11/11/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 35/2011/TT-NHNN (Thông tư 35) quy định việc công bố và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư 35 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2012.

Theo đó, hơn 40 đầu mục thông tin và dữ liệu của NHNN sẽ phải công bố rộng rãi một cách nhanh nhất tới công chúng. Nhiều thông tin được coi là nhạy cảm cũng sẽ được công khai rộng rãi.

Cụ thể: các văn bản QPPL về tiền tệ, ngân hàng do NHNN ban hàng sẽ được công bố trong vòng 2 ngày làm việc kể từ khi ban hàng văn bản; Các chủ trương, quyết định điều hành của NHNN về tiền tệ và ngân hàng như các mức lãi suất, điều hành triển khai về tiền tệ… sẽ công bố trong vòng 1 ngày kể từ khi ban hành văn bản.

Những thông tin như thành lập, mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, phá sản, giải thể, thu hồi giấy phép tổ chức tín dụng (TCTD), xử lý vi phạm.. cũng sẽ công khai trong vòng 1 ngày kể từ khi ban hành văn bản.

Ngoài ra, 5/12 chỉ số cốt lõi trong bộ chỉ số lành mạnh tài chính của mỗi quốc gia theo tiêu chuẩn của IMF cũng sẽ được NHNN công bố, gồm: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, dư nợ của từng lĩnh vực trong tổng dư nợ, chỉ số ROA (lợi nhuận trên tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn đầu tư) của hệ thống ngân hàng.

Tốc độ tăng trưởng và số dư tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng; tốc độ tăng trưởng và dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế; tỷ lệ nợ xấu sẽ được Vụ Dự báo thống kê tiền tệ thông tin trong vòng 45 ngày kể từ ngày kết thúc tháng báo cáo.

Các chỉ tiêu này sẽ được công bố một cách đầy đủ và định kỳ tháng, quý, sáu tháng, năm/lần tùy theo từng chỉ số. Đây là những thông tin mà các nhà phân tích, các quỹ và các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm.

Văn bản đặc biệt này của NHNN được coi là bước tiến quan trọng và cần thiết nhằm tăng tính minh bạch, củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng,  đảm bảo quyền lợi của mọi khách hàng.

Đinh Bách (VnMedia)


Tin tức liên quan