LỄ HỘI THIÊN HẠ THÁI BÌNH:
Đồng vọng trên sông Hương
Ngày cập nhật: 13/04/2012 07:21 AM
Tối qua (12/4), lễ lễ hội ‘’thiên hạ thái bình’’ đã diễn ra tại sân khấu nổi trên sông Hương . Một lễ hội "sân khấu hóa" khởi từ những áng thơ mang âm hưởng độc lập hoà bình, chạm khắc trên các cung điện đền đài Huế với sự dàn dựng công phu, thể hiện khát vọng ngàn đời của dân tộc qua ngôn ngữ diễn xướng cung đình. Thiên Hạ Thái Bình đã đưa khán giả vào một thế giới lung linh tuyệt đẹp và đầy chất lãng mạn, trữ tình trên dòng Hương Giang trong đêm.
Sân khấu biểu diễn quá ấn tượng và đẹp mắt trong khung cảnh giữa trời nước bao la. Nếu như phần trung tâm của sân khấu là hình ảnh quả cầu Cửu Long thì hậu cảnh là chiếc cầu Trường Tiền duyên dáng, trở thành tâm điểm thu hút lượng người đến xem ở hai bờ Nam, Bắc. Không chỉ có phần diễn xuất ở sân khấu nổi trên sông Hương, phần diễn xuất hỗ trợ trên mặt sông gồm các ghe chở hoa đăng, thả hoa đăng, cảnh người dân quăng lưới đã tạo nên một bức tranh sinh động trên dòng sông Hương. Thiên hạ Thái Bình thể hiện từ ý tưởng muốn làm bừng sáng Nước ngàn năm văn hiến” (chương 1) đến “Muôn dân hưởng thái bình” (chương 2), và kết bằng “Thịnh vượng một trời Nam” (chương 3).
Câu chuyện được mở màn với giọng xướng bay bổng trầm hùng về một đất nước “Ngàn năm văn hiến”. Trên sân khấu nổi ở dòng Hương trữ tình, các đèn lồng được dâng từ thấp đến cao theo lời thơ, Vũ khúc Bát Dật trang nghiêm cách điệu cùng trời đất với sự hòa điệu của vũ khúc hoa đăng. Các lớp hoa đăng được thả xuống dòng sông như chở niềm mơ ước của muôn dân về một nền hào bình, thịnh vượng cùng thiên nhiên, cây cỏ. Chủ đề Thiên hạ thái bình nổi lên trên các bức liễn trong màn pháo hoa khai hội. Ở 3 tầng sân khấu, du khách được thưởng ngoạn hoạt cảnh trên sân khấu. Đó là chín cụ đồ xuất hiện giữa nền trời, tượng trưng cho tri thức tỏa sáng múa bút đề thơ mừng đất nước vào xuân thái bình. Một đám cưới dân gian hoạt náo sân khấu trong những sắc màu tươi tắn của của ngày xuân. Cảnh thái bình, sắc xuân, và điềm lành trong ý thơ được đồng hiện qua nghệ thuật diễn xướng bằng những diễn xuất giàu chất truyền thống.
Khán giá đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác khi chứng kiến hoạt cảnh “Muôn dân hưởng thái bình”. Truyền thuyết xưa cũ kể lại rằng: Mỗi khi chim Phụng hoàng đậu xuống cây ngô đồng thì mang lại thái bình thịnh trị cho đất nước. Đó là sự hòa hợp âm dương trong tạo hóa, đất trời. Trên sân khấu, lá ngô đồng lớn được kết thành từng cụm, lay nhẹ rồi bay ra từng chiếc uốn lượn trong gió như mời gọi đàn phụng về. Vũ điệu chim phụng hoàng chao liệng, khoe sắc, múa trong cảnh thái bình. Dẫn dắt câu chuyện thái bình bằng một âm sắc trữ tình. Trên nền của tốp múa cách điệu cho tơ bông và đồng lúa, những người thợ dệt bên khung dệt, các nông phụ thoăn thoắt gặt lúa chín, các nông phu quảy thóc trĩu gánh. Tất cả tạo nên một sức sống trong mưa thuận, gió hòa. Một tiểu cảnh sàng sảy thóc sau thu hoạch đồng hiện với cảnh giã gạo trong câu hò tái hiện cảnh yên bình, no ấm.
Một hoạt cảnh trong lễ hội
Càng về cuối chương trình, hình ảnh thành bình thịnh vượng được phô diễn đẹp mắt. “Thịnh vượng cả trời Nam” –là cảnh tiểu đồng nhí nhảnh cùng tấu khúc đồng dao mở đầu cho hoạt cảnh khai hoang, dựng nhà, trồng cây. Hoạt cảnh này được mô tả cách điệu, có sức gợi về một không khí trù phú, thịnh vượng. Trên nền nhạc chầu văn, các nghề truyền thống của Huế được cách điệu như chằm nón, làm hoa giấy Thanh Tiên…Sông Hương đã chảy qua thời gian để hình thành nên nhiều làng mạc trù phú, để lại cùng thời gian những làng nghề truyền thống còn lưu giữ đến ngày nay. Cảnh thái bình thịnh trị sẽ được khái quát qua sự xuất hiện của các nghề như thế. Khép lại chương trình, là một đại cảnh kết hợp bằng thủ pháp cờ quạt, chim phụng hoàng, lồng đèn, hoa lá…
Vũ khúc hoa đăng hòa điệu
Chứng kiến Lễ hội “Thiên Hạ Thái Bình” một cách chăm chú, ông Nguyễn Văn Tiến, một du khách đến từ Nghệ An tâm đắc : “Festival Huế 2010, tôi đã rất ấn tượng sau khi xem chương trình “Hành trình mở cõi” thì năm nay “Thiên hạ Thái Bình” đem đến cho tôi một niềm tự hào dân tộc. Chương trình được dàn dựng công phu với một câu chuyện kể về khát vọng thái bình của muôn họ được dẫn dắt bằng những lời bình thi vị.
Câu chuyện Thiên hạ thái bình ngân vọng trên nền pháo hoa nghệ thuật đã để lại những ấn tượng khó quên trong lòng du khách đến Huế và những ai có dịp thưởng lãm qua màn ảnh nhỏ.
Bài và ảnh: Huế Thu (TTH)