Tin tức

Cơ hội Festival

Cơ hội Festival

Ngày cập nhật: 16/04/2012 08:06 AM

Đồng hành cùng Festival và tận dụng cơ hội để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm... đã và đang trở thành mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Tại Festival Huế 2012 này đã có thêm nhiều hoạt động hưởng ứng, những chiến dịch quảng bá có đầu tư và... khá ấn tượng.

 

Từ lễ hội bia, lễ hội rượu...

 

Với Công ty TNHH Bia Huế, Festival Huế là một trong những “cơ hội vàng” để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của mình với du khách trong nước và quốc tế. Cùng với việc tài trợ cho Festival... gần đây, Bia Huế còn tổ chức hẳn cả một chương trình hưởng ứng bằng lễ hội bia tưng bừng, náo nhiệt. Sau Lễ hội Bia Carlsberg ở kỳ Festival trước, tại Festival này sự xuất hiện của MC Thanh Bạch, nhiều “sao” ca nhạc, các tiết mục “văn nghệ sôi động”, “thời trang mát mẻ”... và cả truyền hình trực tiếp trên sóng TRT, cho thấy Lễ hội Bia Huế năm nay được Bia Huế đầu tư quy mô và tốn kém hơn. Nhiều người cho rằng, Bia Huế thật khôn ngoan khi chọn thời điểm tổ chức khai mạc Lễ hội Bia Huế của mình trước đêm khai mạc Festival để thu hút quan khách tham dự và sự quan tâm của đông đảo công chúng.

 

Thật ra, Bia Huế đã thấy được giá trị của Festival khi chọn tên gọi này làm nhãn hàng cho một sản phẩm bia và bia Festival đã sớm chinh phục đông đảo người tiêu dùng, trở thành sản phẩm chủ lực, đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Tiếp sau Festival chai, bia lon Festival - một sản phẩm cao cấp mới của Bia Huế đang được nhiều người ưa chuộng.

 

 

Nghi thức khai rượu tại Lễ hội Rượu Sake

Mới tổ chức lần đầu tiên, nhưng Lễ hội Rượu Sake của Công ty TNHH Thực phẩm Huế cũng tạo ấn tượng tốt với đông đảo công chúng thông qua các nghi lễ truyền thống đậm chất văn hoá của xứ sở Hoa anh đào và các chương trình văn nghệ “có sao”. Đồng hành với Festival, tạo ấn tượng bằng các hoạt động văn hoá nghệ thuật, Công ty TNHH Thực phẩm Huế đã khéo léo tìm được cách để quảng bá, giới thiệu với đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế 30 sản phẩm rượu các loại của mình - những sản phẩm vốn không được quảng cáo theo qui định của pháp luật. 

Ở một góc độ khác, Big C Việt Nam đồng hành với Festival năm nay bằng một cuộc thi khá “hoành tráng”: Miss áo dài Big C Việt Nam. So với lần tổ chức đầu tiên tại Festival Huế 2010, cuộc thi lần này qui mô hơn, chất lượng hơn, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp hơn và chắc chắn hiệu quả quảng bá cũng sẽ cao hơn. Cùng với Lễ hội Bia Huế, Lễ hội Rượu Sake, cuộc thi Miss áo dài Big C Việt Nam là 3 hoạt động đồng hành của doanh nghiệp với Festival năm nay được đánh giá cao và thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

 

Đến hội chợ và những cách... gợi nhớ

 

Với gần 500 gian hàng của hơn 400 DN trong và ngoài nước tham gia, trong đó có 5 DN nước ngoài, Hội chợ Thương mại Quốc tế Festival Huế 2012 được xem là cơ hội để giao lưu và hợp tác kinh tế của các doanh nghiệp. Dạo một vòng qua các gian hàng của hội chợ, chúng tôi thấy “sự hiện diện” của các sản phẩm gốm Bát Tràng Hà Nội, sứ Hải Dương, gạo nếp nương Điện Biên, hàng thổ cẩm Lào Cai, rượu Kim Long Quảng Trị, sản phẩm đất nung và đèn lồng Quảng Nam, tỏi Lý Sơn Quảng Ngãi, cà phê và nông sản Đắc Lắc, cây trái Tiền Giang và các nông thổ sản, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng của các địa phương trong cả nước.

 

Với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đây là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài sản phẩm của nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp truyền thống trên địa bàn tỉnh, hội chợ lần này còn có sự góp mặt của nước mắm Thành Vân (Phú Vang), rượu Thuỷ Dương (Hương Thuỷ), rượu Phong Chương, tương măng Phong Mỹ, nước mắm, ruốc Phong Hải, gốm Phước Tích, điêu khắc Mỹ Xuyên (Phong Điền), hàng mây tre đan Bao La, Thuỷ Lập (Quảng Điền), mộc mỹ nghệ Liên Thành (Phú Vang), Khắc Hùng (Phú Lộc)... Đây cũng là những sản phẩm được người tiêu dùng biết đến qua các hội chợ trong và ngoài tỉnh; trong đó không ít doanh nghiệp đã ăn nên làm ra sau các hoạt dộng quảng bá như thế này.

 

Ngoài việc tài trợ, tổ chức các lễ hội hưởng ứng Festival, tham gia hội chợ thương mại... một số doanh nghiệp đã biết cách quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình bằng những cách “gợi nhớ” khá ấn tượng. Hình ảnh những cô gái xinh đẹp và duyên dáng trong trang phục áo dài với băng vải mang chéo qua người có dòng chữ Bà Nà hill đứng phát tờ rơi quảng bá cho khu du lịch Bà Nà đến mọi người ở khu vực Đại nội Huế trong những ngày Festival là một cách quảng bá công phu và trực tiếp.

 

Trong lễ hội áo dài trước bia Quốc Học, Techcombank cũng đã làm nhiều người bất ngờ, cảm động và mát mẻ bằng quà tặng “đơn sơ mà đầy ý nghĩa” và không quá tốn kém là những chiếc quạt giấy, khi mở ra trên mặt quạt có in dòng chữ Techcombank. Đúng là một cách quảng bá đầy chăm chút và có ý tưởng.

 

Qua 7 kỳ tổ chức, thương hiệu Festival Huế đã được khẳng định. Đây không chỉ là một hoạt động văn hoá qui mô mang tầm quốc tế, mà còn là động lực để phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đã thành công với Festival. Nhập cuộc để đồng hành và tạo ra cơ hội cho sự phát triển của chính mình là vấn đề mà các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần quan tâm.

Hoàng Thành

 


Tin tức liên quan