Quản trị doanh nghiệp

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn mới

LÃI SUẤT GIẢM:

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn mới

Ngày cập nhật: 25/04/2012 08:25 PM

Thay vì vui mừng trước động thái giảm lãi suất, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn tỏ ra hờ hững, thậm chí không tin rằng DN có tài chính lành mạnh và phương án sản xuất kinh doanh khả thi sẽ được tiếp cận nguồn vốn mới với lãi suất thấp như thông điệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

 

Lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng, NHNN hạ lãi suất huy động xuống còn 12%/năm hiện nay, với hy vọng lãi suất cho vay sẽ giảm xuống 14-16%/năm; theo đó, các DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới với lãi suất thấp này nhằm ổn định kinh doanh, phục hồi sản xuất.

 

Lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng

 

Theo ông Nguyễn Tạ Hiền, Giám đốc VietinBank-Chi nhánh Thừa Thiên Huế, mức lãi suất thấp nhất ở VietinBank hiện còn 14,5%/năm; song để vay được với lãi suất này thì còn phụ thuộc vào tình hình “sức khỏe” của mỗi DN. Khi chúng tôi hỏi: Đến thời điểm này, (sau hai tuần), trần lãi suất hạ còn 12%/năm, đã có DN nào vay được nguồn vốn mới với lãi suất thấp như VietinBank công bố, ông Hiền cho biết: Hiện ngân hàng đang đàm phán với DN và điều kiện vay vốn sẽ khắt khe hơn.

Sau khi có công bố hạ lãi suất của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn đồng loạt thông báo hạ lãi suất. Không chỉ hạ lãi suất huy động mà nhiều NHTM đã công bố hạ luôn cả lãi suất cho vay. Đi tiên phong có thể kể đến các ngân hàng: Đầu tư và phát triển (BIDV), Công thương (VietinBank), Ngoại thương (Vietcombank), Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Kỹ thương (Techcombank), Á Châu (ACB), An Bình (ABBank)... Theo đó, mức lãi suất cho vay trung bình giảm từ 1-2%/năm; mức lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường giảm sâu 2,5% so với trước, còn khoảng 15%/năm. Có nhà băng còn công bố giảm mạnh nhất, xuống 13-14%/năm, rơi vào các nhóm đối tượng ưu tiên đặc biệt như cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn, DN vừa và nhỏ, vay sản xuất, hỗ trợ xuất khẩu, vay khắc phục hậu quả bão lũ...

 

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề với các NHTM “nhờ” giới thiệu cho một vài DN trên địa bàn đã tiếp cận được nguồn vốn mới, với lãi suất cho vay thấp như công bố thì lãnh đạo các ngân hàng cứ nói chung chung, chứ dường như chưa có một DN cụ thể nào. Theo ông Trương Văn Thọ, Giám đốc BIDV-Chi nhánh Thừa Thiên Huế, thông thường sau khi điều chỉnh lãi suất huy động thì phải có một độ “trễ” nhất định mới giảm được lãi suất cho vay, bởi trước đây, các ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao, song chưa “tiêu hóa” hết. Định hướng của NHNN là mỗi quý có thể hạ 1 điểm phần trăm lãi suất, riêng trong tháng qua đã hạ được 2 điểm %; song giảm thế nào, mức độ ra sao thì còn phụ thuộc phần lớn vào tín hiệu thị trường.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại các DN như Công ty, như Men Frit, Dệt may, Xây lắp, Kinh doanh nhà, Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế... được biết, so với trước đây, các ngân hàng đã có điều chỉnh lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm đối với những khoản vay đáo hạn. Trưởng phòng Quan hệ khách hàng Vietcombank Huế-Vũ Văn Hòa thừa nhận, đối với các DN hoạt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Vietcombank đã điều chỉnh lãi suất cho vay từ 16,5-17%/năm xuống còn 15,5%/năm; còn lãi suất thấp hơn nữa thì ngân hàng chưa cho vay món nào vì DN phải hội đủ các điều kiện đặt ra của ngân hàng.

 

Theo ông Hồ Văn Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Vĩnh An-TP Huế, tuy DN đang gặp khó khăn về vốn nhưng chưa vội vay vì đang chờ xem phản ứng của thị trường như thế nào đối với những chính sách và thông điệp của Nhà nước đưa ra; hy vọng lãi suất sẽ còn tiếp tục hạ và sẽ có những gói kích cầu hỗ trợ cho DN như năm 2009. Một số DN cho rằng, giảm lãi suất để cứu DN nhưng trong thời điểm này ngân hàng là người được cứu đầu tiên. Để vay được vốn với lãi suất thấp sẽ càng khó, dù ở nhà băng này, nhà băng nọ vẫn đang rầm rộ quảng bá các gói tín dụng ưu đãi lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng và thử hỏi có bao nhiêu DN đã tiếp cận được?

 

Lãi suất là điểm tựa sống còn của doanh nghiệp

Kế toán một DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thẳng thắn: Hạ lãi suất là tốt rồi, nhưng tiếp cận được vốn vay ngân hàng được hay không lại là câu chuyện khác. Không phải vì lãi suất mà DN dễ vay vốn hơn đâu. Theo vị này, hiện nay, việc tiếp cận vốn của DN với ngân hàng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào uy tín, quan hệ thân quen giữa DN với ngân hàng đó, vào cả tài sản thế chấp mà DN có. Hạ lãi suất nhưng phải đòi hỏi thế chấp lớn, điều kiện ngặt nghèo thì chính sách này cũng chưa giúp được nhiều DN, nhất là khi DN đã trải qua một năm 2011 đầy khó khăn.

 

Về nguyên tắc, hạ lãi suất huy động thì lãi suất cho vay cũng giảm. Đây cũng là mục đích “tối thượng” của việc giảm lãi suất để cứu các DN. Nhưng nếu chỉ áp trần huy động mà không có trần cho vay, cộng với quy định lãi suất thỏa thuận, hoàn toàn có thể dự báo trước tình trạng “đầu vào” có giảm nhưng “đầu ra” tuy có giảm nhưng vẫn còn cao. Vốn lãi suất thấp sẽ đến được với DN nếu áp dụng trần cho vay và kiểm soát chặt chẽ chuyện vượt trần đầu ra. Việc áp trần huy động nhưng trần cho vay không giảm tương ứng và kịp thời là nguyên nhân chủ yếu khiến DN “chết lâm sàng” hàng loạt, nền kinh tế khó khăn. Khi rất nhiều DN đã phá sản, ngưng sản xuất, tình trạng đình đốn đang lan rộng và tăng trưởng kinh tế đã bị ảnh hưởng, các giải pháp cần một sự quyết liệt và thực chất chứ không thể nửa vời. Nên chăng, áp dụng thẳng trần cho vay và giám sát chặt chẽ việc thực hiện ở các ngân hàng để tiếp sức cho các DN khi họ đã quá đuối. Nếu cắt giảm quyền lợi của người gửi tiền qua việc hạ trần lãi suất huy động nhưng lại để ngỏ cánh cửa kiếm lợi nhuận cao cho hệ thống ngân hàng thì đây quả là giải pháp chưa công bằng...

 

Bài và ảnh: Bạch Quang (TTH)

 

 


Tin tức liên quan