Tin tức

Phát triển kinh tế phải nhằm nâng cao đời sống nhân dân

Phát triển kinh tế phải nhằm nâng cao đời sống nhân dân

ÔNG NGUYỄN CƯƠNG ( NGUYÊN UVTV THÀNH ỦY - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP HUẾ)

          Là một cán bộ, đảng viên hưu trí, sau khi nghiên cứu, tôi nhận thấy các văn kiện đề cập khá đầy đủ các mặt thành tựu và khiếm khuyết về tình hình KT-XH-ANQP-xây dựng Đảng, chính quyền… trong 5 năm qua và chiến lược phát triển KT-XH năm 2011-2020. Tuy nhiên, để tránh dàn đều và tập trung làm rõ khâu đột phá, phải hết sức lưu ý một vài vấn đề có tính chất góp phần quyết định thành công của chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh bền vững.

         Suy cho cùng, phát triển kinh tế phải nhằm nâng cao đời sống nhân dân; trong đó, chất lượng cuộc sống của người dân được thể hiện qua việc người dân được tiếp cận các dịch vụ XH cơ bản, an sinh XH ngày càng không ngừng được cải thiện (điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sạch…)

       Trước hết là chiến lược phát triển ngành điện. Trong thời gian qua, trước tình hình thiếu điện do nhiều nguyên nhân, dưới sự chỉ đạo ráo riết của Chính phủ, ngành điện có khá nhiều cố gắng để tăng nguồn cung và các biện pháp chống lãng phí trong sử dụng điện năng. Nhìn chung, chiến lược về điện còn bị động, luôn trong tình trạng thiếu điện trầm trọng dẫn đến cắt điện tràn làn gây thiệt hại cho các cơ sở sản xuất và bức xúc trong nhân dân. Phải chăng từ nhiều năm trước, chúng ta chưa có nhận thức đúng mức để đề ra các phương án, giải pháp thực hiện chiến lược phát triển nguồn điện? Đã có nhiều cách giải thích, nhưng chưa thuyết phục được công luận. Gần đây, lại có cảnh báo sẽ tiếp tục thiếu điện. Sắp đến, trước tình hình phát triển toàn diện của đất nước, hình thành thêm các khu công nghiệp, công nghệ cao, tiếp tục kêu gọi các nước đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn, tỷ lệ tốc độ đô thị hoá đạt trên 45%, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn… rõ ràng nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng lên rõ rệt, nếu không đáp ứng được thì nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Phải tập trung thực hiện được nhiệm vụ đã đề ra trong dự thảo báo cáo “Phát triển nhanh nguồn điện đảm bảo đủ điện cho công nghiệp, hiện đại hoá và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân”.
      Về hạ tầng giao thông (ưu tiên hoàn chỉnh giao thông đô thị, phát triển giao thông nông thôn), những năm qua, tình hình phát triển hạ tầng giao thông (nhất là giao thông đô thị) tuy đã được tập trung giải quyết và từng bước được cải thiện, kể cả giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, nhưng nhìn chung còn nhiều yếu kém, chưa đồng bộ, chất lượng của đường xuống cấp nhanh, hệ thống đường sứt cũ kỹ, lạc hậu, ùn tắc giao thông chưa được giải quyết cơ bản. Trong khi đó, mật độ dân cư ngày càng phát triển, nhu cầu đi lại ngày càng cao, phương tiện giao thông (xe máy, ô tô) không ngừng tăng, xe trọng tải lớn lưu thông nhiều. Thời gian tới, để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì bài toán giải quyết giao thông phải được tính toán chu đáo, phải sớm khắc phục được tình trạng nhiều bất cập hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư đang có nhiều thuận lợi, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân.

       Một trong ba đột phá trong chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020 đã được khẳng định là: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”. Vấn đề cơ bản là phải có giải pháp cụ thể, bước đi phù hợp, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và có chất lượng cao.

(nguonbaothuathienhue)


Tin tức liên quan