XĂNG DẦU TĂNG GIÁ:
Doanh nghiệp vận tải chưa tăng cước
Ngày cập nhật: 26/04/2012 08:12 AM
Sau lần tăng giá xăng dầu vào đầu tháng 3, ngày 20/4 Bộ Tài chính tiếp tục có quyết định tăng giá xăng dầu lần 2-2012. Theo đó, giá xăng đã tăng thêm 900đ/lít, dầu diesel 500đ/lít và dầu hỏa 600đ/lít… Điều đáng mừng, mặc dù giá xăng dầu tăng song đến thời điểm này, các DN kinh doanh dịch vụ vận chuyển trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tăng giá.
Chúng tôi đến HTX Vận tải ô tô TP Huế sau 3 ngày giá xăng dầu được điều chỉnh theo hướng tăng, song tại đây các bảng giá vé xe khách và dịch vụ vận tải hàng hóa vẫn giữ nguyên như trước. Lý giải về vấn đề này, ông Trần Sĩ Cuộc, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Hiện, trên địa bàn tỉnh có 6 DN kinh doanh dịch vụ vận chuyển tuyến cố định, trong khi đó chưa có DN nào tăng giá vé nên HTX cũng không thể tăng giá. HTX hiện có 147 xe, trong đó 25 xe tải và 122 xe khách, đảm bảo đời sống cho 380 cán bộ và lái xe. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, HTX quyết định không tăng giá vé để giữ khách, nếu giá dầu tăng 500đ/lít, HTX phải tăng giá vé lên 10% so với giá cũ thì số lượng khách sẽ giảm, trong khi đó phí xuất bến sẽ tăng theo giá vé nên không tăng giá là giải pháp tối ưu để tồn tại và giữ khách.” Theo ông Cuộc, nếu tính theo giá dầu tăng 500đ/lít, hiện mỗi tháng HTX chấp nhận bù lỗ khoảng 30 triệu đồng chứ không tăng giá vé, nhằm chia sẻ khó khăn chung đối với khách hàng.
Các DN kinh doanh dịch vụ vận chuyển quyết định không tăng giá vé để giữ khách
Còn đối với các hãng taxi trên địa bàn TP Huế như Mai Linh, GiLi, Hương Giang, Thành Đô…, hiện các DN vẫn đang giữ nguyên bảng giá cước cũ sau khi giá xăng dầu tăng. Có mặt ở Huế từ giữa tháng 3-2012 với 30 đầu xe 4 chỗ và 7 chỗ, hãng taxi Vàng của Công ty CP Phú Hoàng Thịnh quyết định không tăng giá cước đối với lần tăng giá xăng dầu đợt này. Anh Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc công ty cho biết: “Theo quy định của Hiệp hội Taxi, nếu giá xăng tăng thêm 900đ/lít, DN được điều chỉnh giá cước tăng 15% so với giá cũ, tương đương với 200đ/km đồng hồ. Song, nếu chỉ điều chỉnh thêm 200đ/km đồng hồ nhưng phải thay đổi nhiều thủ tục như xin phép Sở Giao thông Vận tải để in lại đề can giá, thay đổi kim đồng hồ tính tiền, bảng giá… thì quá tốn kém.” Cũng theo DN này, trong bối cảnh thị trường taxi ở Huế vẫn đang…vắng khách, tăng giá cước sẽ ảnh hưởng đến uy tín của DN và mất khách nên DN quyết định sẽ không tăng giá. Nhằm giảm bớt khó khăn cho đội ngũ tài xế, hiện DN đang thực hiện giải pháp hỗ trợ phần chênh lệch xăng tăng cho tài xế. Theo đó, trung bình mỗi tháng DN phải bù lỗ trên 15 triệu đồng.
Như vậy, trong bối cảnh khó khăn chung đối với các dịch vụ kinh doanh xe khách, taxi hay vận tải hàng hóa, hiện các DN vẫn đang chấp nhận bù lỗ để giữ khách và cạnh tranh dịch vụ chứ không tăng giá cước. Đây thực sự là tín hiệu vui đối khách hành khách và người dân trên địa bàn tỉnh. Bởi, sau mỗi lần xăng dầu tăng giá thì dường như các mặt hàng trên thị trường đều tăng theo nên người tiêu dùng đã phải “còng lưng” để gánh quá nhiều thứ nên dịch vụ vận chuyển không tăng giá sẽ góp phần giảm bớt khó khăn và gánh nặng cho người dân, đặc biệt là những người không hưởng lương Nhà nước.
Bài, ảnh: Thanh Hương (TTH)