Quản trị doanh nghiệp

Siết quản lý kinh doanh vàng: Thị trường vàng không có nhiều “sóng” như trước

Siết quản lý kinh doanh vàng: Thị trường vàng không có nhiều “sóng” như trước

Ngày cập nhật: 03/05/2012 07:07 AM

Tuy ngày 25/5/2012, Nghị định 24 (NĐ24) của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chính thức có hiệu lực, nhưng vài tuần qua, chính sách này bắt đầu có những tác động tích cực đối với thị trường vàng. Giá vàng dần ổn định, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới được rút ngắn.

 

Yên ắng

Mấy tuần qua, khi NĐ24 được ban hành, thị trường vàng gần như không sôi động. Giới phân tích dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục “lặn sóng” cho đến ngày 25/5/2012, khi NĐ24 chính thức có hiệu lực. Tuy giá vàng trong nước cao hơn cuối tuần trước trên 100.000 đồng/lượng nhưng vàng ở thị trường Huế vẫn ở mức trên dưới 43 triệu đồng/lượng, thấp nhất từ đầu năm đến nay. Mức giá này dù thấp hơn 6 triệu đồng/lượng so với thời điểm đạt đỉnh gần cuối tháng 8/2011 nhưng vẫn chưa hấp dẫn người mua. Tại các cửa hàng vàng Duy Mong, Phước Lộc, Rồng Vàng..., giao dịch vàng trong vài tuần qua khá trầm lắng. Thị trường vàng không có nhiều “sóng” như trước. Hiện tượng đầu cơ giá lên, giá xuống dường như cũng không còn. Theo các chủ tiệm vàng nói trên, trước đây, mỗi lần giá thế giới “chạy” chừng “chục đô”, giá trong nước cũng “chạy” theo vài trăm ngàn đồng/lượng. Nhưng trong tuần qua có ngày, giá thế giới chạy đến “hai chục đô” mà giá vàng trong nước gần như “án binh bất động”.
 
Không chỉ có các cửa hàng “phi SJC” mà ngay cả chi nhánh của Công ty SJC tại Thừa Thiên Huế cũng ít sôi động, cả lực mua vào và bán ra đều chậm. Có thể nói, đây mới chỉ là dấu hiệu ban đầu khi NĐ24 được ban hành, còn hiệu quả đạt được đến đâu thì phải chờ một thời gian nữa mới có thể biết chính xác. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong một hội thảo tại Huế mới đây, việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, giá vàng trong nước sẽ được quy về một mối. Quan trọng hơn, mục tiêu mà Chính phủ nhắm đến là đưa giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế giới quy đổi, minh bạch hóa và ổn định thị trường vàng, qua đó ổn định kinh tế vĩ mô.
 

Theo Nghị định 24 của Chính phủ , tại Thừa Thiên Huế chỉ có Công ty SJC đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng

 
Có thể chuyển sang mua bán vàng trang sức
 
Bên cạnh tình hình ổn định của thị trường vàng, vẫn còn những băn khoăn của giới kinh doanh kim loại quý này khi những quy định của NĐ24 chính thức có hiệu lực. Theo bà Nguyễn Thị Nễ, Q. Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Đà Nẵng tại Thừa Thiên Huế, với quy định này, phần lớn các ngân hàng thương mại (NHTM) có đủ điều kiện hoạt động kinh doanh vàng miếng. Điều này giúp cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dễ dàng hơn trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, với NHTM chưa tham gia vào thị trường vàng chưa chắc đã “mặn mà” với loại hình kinh doanh này bởi hoạt động kinh doanh vàng cần có chuyên môn, hệ thống riêng và đặc biệt phải có nghiệp vụ để quản lý rủi ro.
 

Hiện NHNN đang lấy ý kiến cá nhân, tổ chức về Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của NĐ24. Theo dự thảo này, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đang kinh doanh mua, bán vàng miếng được tiếp tục kinh doanh mua, bán vàng miếng và phải hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng với NHNN. Việc gia hạn thời hạn chuyển tiếp do Thống đốc NHNN quyết định. Dự kiến, có thể nhóm 5+1 sẽ được mua bán vàng miếng là 5 NHTM: Á Châu (ACB), Xuất nhập khẩu (Eximbank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Đông Á (DongAbank), Kỹ thương (Techcombank) và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Không riêng Huế, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng trên toàn quốc đang loay hoay tìm hướng kinh doanh khác vì không đáp ứng đủ điều kiện như có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên, có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng, có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Theo bà Hoàng Xuân Thảo, Chủ Doanh nghiệp kinh doanh vàng Thuận Thành-Duy Mong, vàng Duy Mong trước nay vẫn được coi là thương hiệu uy tín và cũng được nhiều người tiêu dùng ở Huế lựa chọn nhưng hiện tại, chiếu theo những quy định của NĐ24, doanh nghiệp này khó đáp ứng đủ điều kiện. Bên cạnh đó, cũng sẽ có nhiều tiệm vàng không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng vì không đủ vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong hai năm liên tiếp gần nhất.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có khoảng trên dưới 100 hộ kinh doanh vàng nhỏ lẻ. Nếu chiếu theo NĐ24, số hộ được tiếp tục kinh doanh sẽ “đếm trên đầu ngón tay”. Thực tế trên cho thấy, phần lớn các tiệm vàng ở Huế hiện nay sẽ không còn được kinh doanh vàng miếng nữa mà phải chuyển sang kinh doanh nữ trang nếu không muốn “đóng cửa”. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh vàng, lợi nhuận của các tiệm vàng là từ kinh doanh vàng miếng; còn mặt hàng nữ trang chỉ là thứ yếu, do làm nữ trang chi phí nhân công cao, chi phí đầu tư máy móc thiết bị lại lớn, trong khi nhu cầu mua không nhiều như vàng miếng.
 
Bạch Quang (TTH)

 


Tin tức liên quan