Tin tức & Hoạt động Hiệp Hội

Gỡ khó cho doanh nghiệp...

Gỡ khó cho doanh nghiệp...

Ngày cập nhật: 11/05/2012 07:06 AM

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) là nhiệm vụ hàng đầu cho cả nền kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Cùng với nhiều gói giải pháp vừa được Nhà nước đưa ra để "giải cứu" cho các DN, Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh cũng đang có những động thái tích cực để chung tay hỗ trợ các DN hội viên trên địa bàn.

 

Chưa có bao giờ khó như hiện nay

Câu nói tưởng như rất thơ này chính là nhận xét và cũng là tâm trạng chung của giới doanh nhân Thừa Thiên Huế và cả nước nói chung. Hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh xe máy, Công ty Q.H được biết đến như một thương hiệu uy tín và thành đạt ở Huế. Những tưởng chuyện mua bán xe máy chỉ có “hoà vốn trở lên”, vậy nhưng gặp tôi mới đây, chủ DN này cho biết chỉ riêng đầu năm đến nay đã chịu lỗ gần cả tỷ đồng. Tuy nhiên, đó là con số lỗ “khiêm tốn” nhất trong giới kinh doanh xe máy; bởi Q.H có tiềm lực lớn. Với những DN phải thuê mặt bằng, vay vốn với lãi suất cao... lại càng khó khăn gấp bội.

 

CTCP Trường Sơn cũng khó tiêu thụ sản phẩm đá xây dựng

 
Dẫu sao, các DN đã làm ăn lâu năm “có ăn có chịu” còn xoay xở được. Với những DN vừa ra đời chưa được “ăn” mà đã “ôm lỗ” càng thê thảm hơn. Không lỗ sao được khi giá sản phẩm do các hãng sản xuất quy định, các đại lý phải chuyển tiền trước mới được nhận xe, nếu lơ mơ là bị cắt “quyền đại lý”. Hàng nhận về không bán được ứ đọng ngày càng nhiều, DN phải chấp nhận bán lỗ để giải phóng kho, thu hồi vốn... Đợt lỗ này chưa bán hết lại phải bị “chồng” lên đợt lỗ mới. Chấp nhận bán lỗ, nhưng sức mua giảm, khách hàng ngày càng thưa thớt... khiến nhiều DN đứng ngồi không yên. Không ít DN thua lỗ đến mức phải đóng cửa hàng, hoặc “bỏ của chạy lấy người”!
 
Ông Nguyễn Mậu Chi, TGĐ Công ty TNHH Bia Huế, Chủ tịch HHDN tỉnh cho hay, tuy chưa có điều kiện thống kê để có con số cụ thể, nhưng tình hình khó khăn của cộng đồng các DN trên địa bàn tỉnh cũng không nằm ngoài bối cảnh chung của cả nước. Trong 5 năm trở lại đây, nền kinh tế trải qua những thăng trầm của lạm phát và giảm phát. Lãi suất cao, sức mua giảm, sản xuất lại đình đốn... nên khó khăn cứ dồn dập khiến các DN gần như kiệt sức.
 
Các DN thương mại thua lỗ, nhưng dẫu sao vẫn còn có đường xoay xở. Bế tắc nhất phải kể đến các DN ở các lĩnh vực bất động sản, thi công xây dựng cơ bản, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, sửa chữa cơ khí điện máy, sản xuất hàng tiêu dùng... Đây cũng là những lĩnh vực hoạt động không dễ hồi phục một sớm, một chiều. Khổ hơn cả và như đang ngồi trên lửa là các DN có dự án (DA) đầu tư. Được vay đầu tư lãi suất ưu đãi theo chủ trương kích cầu của Nhà nước, CTCP Trường Sơn đầu tư đưa dây chuyền khai thác chế biến đá xây dựng vào hoạt động chưa lâu thì gặp lúc hoạt động xây dựng cơ bản gần như ngừng trệ. Sản phẩm ứ đọng, trong khi đó nợ và lãi vay đến hạn trả nợ với mức cao khiến DN “chìm sâu” vào nợ nần. Cũng may là DN này đi bằng “hai chân”. Trong khi đá “đứng” thì tôm nuôi lại “trúng” nên DN vẫn có đường sống. DA mới đưa vào sử dụng không bán được sản phẩm cũng quay quắt vì nợ đã đành, những DA đang thi công dang dở lại càng bế tắc hơn khi khi nhìn đống nợ đang sinh sôi nảy nở mà công trình thì... “tiến thoái lưỡng nan”!
 
Chung tay gỡ khó
 
Để tự cứu mình, thời gian qua hầu như các DN đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, tiết giảm mọi chi phí, co hẹp qui mô hoạt động, thậm chí cắt giảm lao động... để chờ “qua đốt”. Thật đáng mừng là Chính phủ đã có giải pháp giải cứu DN. Tiếp sau việc hạ lãi suất huy động và cho vay, cho phép ngân hàng xem xét khoanh nợ, giãn nợ và “tiếp sức” cho những DN thật sự khó khăn có phương án khả thi để vượt qua khó khăn, mới đây Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ DN với các chính sách miễn, giảm, giãn thuế... Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, tổng hợp các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ lên đến khoảng 29.000 tỉ đồng. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau và phải chờ Quốc hội có nghị quyết để triển khai thực hiện, nhưng đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và hoạt động của các DN.
 
Với HHDN tỉnh, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ cho các DN hội viên trên địa bàn là mối quan tâm hàng đầu của tổ chức hội. Ông Nguyễn Mậu Chi cho hay, trước những khó khăn trên, HDN đã có một số giải pháp thiết thực. Cụ thể là HHDN tỉnh đã mời các chuyên gia có uy tín trên các lĩnh vực kinh tế đến Huế nói chuyện, trao đổi... về tình hình kinh tế trong nước và thế giới, những cơ hội và thách thức... Thông qua đó, các DN có đầy đủ thông tin và nắm chắc tình hình để có cách ứng phó kịp thời và linh hoạt vào trường hợp cụ thể của DN mình. Trong bối cảnh sức mua giảm, nhiều DN có sản phẩm bị tồn kho lớn... HHDN tỉnh đã kêu gọi, vận động các DN liên kết, hỗ trợ nhau một cách thiết thực bằng cách tiêu thụ sản phẩm của nhau để giải quyết khó khăn về đầu ra và giảm chi phí... để cùng nhau vượt khó.
 
Trước bế tắc về vốn của nhiều DN và khó khăn chung của các ngân hàng thương mại (NHTM), cuối tháng 4 và đầu tháng 5 này, trong vai trò cầu nối, HHDN tỉnh đã có một việc làm hay; đó là chủ động làm việc với một số lãnh đạo chi nhánh NHTM trên địa bàn để tìm hướng đi chung về bài toán nợ và vốn cho cả DN và NHTM. Thực tế cho thấy, không chỉ DN mà các NHTM cũng đang gặp không ít khó khăn. Và một khi các DN rơi vào bế tắc không có cơ hội trả nợ hoặc vay mới để đầu tư thì các NHTM cùng khốn đốn theo. Do vậy, sáng kiến của HHDN tỉnh được các bên hưởng ứng. Theo dự kiến, ngày 22-5 tới, HHDN tỉnh sẽ tổ chức hội nghị giữa các chi nhánh NHTM và các DN trên địa bàn tỉnh, với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng để cùng tháo gỡ.
 
Cũng theo ông Nguyễn Mậu Chi, tại hội nghị này các DN và NHTM đều “đặt lên bàn” những khó khăn vướng mắc của mình để cùng tính. Trên cơ sở thực trạng của DN trên các lĩnh vực hoạt động và cơ chế chính sách của Nhà nước, các NHTM cùng các DN cùng trao đổi, bàn bạc để tìm ra các giải pháp chung. Từ nền tảng đó, sau hội nghị này, từng DN và NHTM có liên quan sẽ ngồi lại với nhau để tính toán, cân nhắc, đưa ra lời giải cụ thể và hướng đi thích hợp, có lợi nhất cho cả đôi bên. Cũng thông qua hội nghị này, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng cũng sẽ có cơ sở để chung tay cùng DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh vượt qua thách thức và tiếp tục phát triển. Hy vọng hướng đi thích hợp và kịp thời này sẽ tận dụng tối đa và hữu hiệu nhất các “gói giải cứu DN” của Chính phủ để đưa các DN vượt qua thách thức hiện nay.

Bài và ảnh: Hoàng Thành (TTH)

 

 


Tin tức liên quan