Quản trị doanh nghiệp

Tiếp sức cho ngành dệt may

Tiếp sức cho ngành dệt may

Ngày cập nhật 01/06/2012 07:44

Năm 2012, thông qua các đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng trăm lao động của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may có cơ hội được đào tạo nghề bài bản, tăng năng suất lao động.

Thực trạng chung

Những năm gần đây, lĩnh vực dệt may của tỉnh ngày càng tăng tốc và phát triển bền vững với hàng loạt các dự án, nhà máy may công nghiệp ra đời tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Ngoài nâng cao kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh, các DN dệt may đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 14 ngàn lao động, trong đó trên 70% là lao động nông thôn. Song, do thiếu kinh phí đào tạo, nên đa số các lao động trong ngành dệt may có nghề nhưng chưa được đào tạo chính quy nên năng suất lao động chưa cao.

 

Đầu năm 2012 Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại (KC & XTTM) tỉnh tiến hành thẩm định và đồng ý hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề may công nghiệp cho các DN hoạt động trên lĩnh vực dệt may. Thông qua chương trình KC quốc gia năm 2012. Trung tâm hỗ trợ 600 triệu đồng để mở 16 lớp đào tạo nghề may cho 400 lao động của hai DN là Công ty CP Đầu tư Dệt may Thiên An Phát tại phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy) và Công ty CP Dệt may Phú Hòa An tại KCN Phú Bài. Với sự phối hợp của Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế, các học viên sẽ được đào tạo về lý thuyết an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, đồng thời trực tiếp thực hành tại các chuyền may để nắm bắt các kỹ thuật cắt may công nghiệp cũng như nâng cao trình độ quản trị cho đội ngũ quản lý. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình KC, đầu tháng 5-2012, thông qua đề án khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống và các sản phẩm xuất khẩu (Kế hoạch 51) của UBND tỉnh, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho thêm 500 lao động phổ thông của 2 DN này. Ưu điểm của các lớp đào tạo nghề này là các học viên sau 3 tháng tích cực tham gia đào tạo sẽ được DN nhận vào làm việc với mức thu nhập ổn định và được hưởng các chế độ chính sách khác.

Tiếp sức cho DN

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm KC & XTTM tỉnh tổ chức khai giảng 32 lớp đào tạo nghề cho 823 lao động với tổng kinh phí hỗ trợ 942 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn KC quốc gia hỗ trợ đào tạo cho 650 lao động với kinh phí 662 triệu đồng, nguồn vốn KC địa phương hỗ trợ 280 triệu đồng cho 173 lao động, bao gồm các nghề may công nghiệp, dệt thổ cẩm, đan các sản phẩm nội thất từ mây, sơn mài, làm chổi đót và đan mây tre.

Qua 5 năm hình thành và phát triển, đến nay Công ty CP Đầu tư Dệt may Thiên An Phát giải quyết việc làm cho 1.700 lao động. Với 32 chuyền may công nghiệp hoạt động tại phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy) và Cụm công nghiệp Hương Sơ (TP Huế), DN chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc để xuất sang thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2012 đạt 4 triệu USD. Song, do chưa có kinh phí đào tạo nghề nên trên 70% lao động ở đây chưa qua đào tạo. Trước thực trạng đó, đầu năm 2012, Trung tâm KC & XTTM tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề cho 200 lao động, góp phần giúp DN có đội ngũ lao động có tay nghề cao, trình độ quản trị khá. Chị Lê Thị Nhàn, trú tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy cho biết: “Tôi vào làm đây gần 3 năm, song chưa có cơ hội tham gia các khóa đào tạo nghề chính quy nên năng suất lao động chưa cao. Được sự hỗ trợ của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đợt này tôi được đào tạo nghề may công nghiệp 3 tháng nên rất vui. Hy vọng sau khóa đào tạo, tay nghề sẽ được nâng lên, năng suất tăng và thu nhập nâng cao”.

Ông Hồ Ngọc Lan, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Dệt may Thiên An Phát cho biết: “Công ty hiện có một lượng lao động khá đông, trong đó đa số là lao động nông thôn có nghề nhưng chưa qua đào tạo nên năng suất lao động chưa cao, trình độ kỹ thuật thấp gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. Thông qua chương trình khuyến công và đề án đào tạo nghề của tỉnh, hàng trăm lao động của đơn vị có cơ hội đào tạo nghề bài bản. Sau khóa đào tạo, chắc chắn tay nghề của các học viên sẽ được nâng lên, góp phần nâng cao năng suất và gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cho DN.”  

Như vậy, được tiếp sức từ các đề án đào tạo nghề từ Trung ương đến địa phương, nhiều DN hoạt động trên lĩnh vực sản xuất hàng dệt may có cơ hội được tham gia đào tạo nghề để nâng cao tay nghề và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế nên khá nhiều DN có nhu cầu đào tạo những vẫn chưa có sự hỗ trợ nên đội ngũ lao động có nghề những chưa qua đào tạo vẫn còn nhiều. Hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều DN được hỗ trợ công tác đào tạo nghề để ngành dệt may của tỉnh ngày càng phát triển và nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh.

Bài, ảnh: Thanh Hương (TTH)

Thông qua nguồn vốn khuyến công, hàng trăm công nhân may có cơ hội đào tạo nghề để nâng cao tay nghề và năng suất lao động


Tin tức liên quan