Quản trị doanh nghiệp

TT-Huế: Ngân hàng thừa vốn, nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận
TT-Huế: Ngân hàng thừa vốn, nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận
 
Cập nhật lúc 08:01 | 18/06/2012 (GMT+7)

Ngân hàng thừa vốn song các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, câu chuyện tưởng vô lý nhưng có thật ở Thừa Thiên - Huế.

Ngân hàng vẫn khó vay nhau dù lãi suất xuống dưới 10% từ nhiều ngày nay. Ảnh: Hoàng Hà.
Ngân hàng vẫn khó vay nhau dù lãi suất xuống dưới 10% từ nhiều ngày nay. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngân hàng thừa vốn song các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, câu chuyện tưởng vô lý nhưng có thật ở Thừa Thiên - Huế. Toàn tỉnh hiện có 4.864 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh, trong đó có 3.200 DN đang hoạt động, chiếm 65,8% và 1.664 DN đang nghỉ kinh doanh (chiếm 34,2%) vì nhiều lý do.

Riêng DN phải nghỉ kinh doanh do thiếu vốn chiếm 26,7%. Theo ông Ngô Văn Vinh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, đến cuối tháng 5/2012 tổng dư nợ của ngân hàng trên địa bàn đạt hơn 13.000 tỷ đồng trong tổng vốn huy động 16.000 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ các NH đang thừa vốn, chứ không có chuyện NH không muốn cho vay. Chủ trương của NHNN là tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trần lãi suất cho vay và lãi suất huy động, niêm yết công khai mức lãi suất cho vay, tạo điều kiện tối đa cho DN tiếp cận nguồn vốn vay...

Tuy nhiên, thực tế còn có nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn vay. Đại diện Công ty TNHH nhà nước một thành viên Xây dựng và cấp nước Thừa Thiên - Huế cho biết, trong tổng số gần 67 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư cho toàn dự án xây dựng hệ thống cấp nước thị trấn Phú Lộc và 5 xã phụ cận, ngoài vốn ngân sách cấp 4,5 tỷ đồng, vốn vay Tổ chức JICA (Nhật Bản) 28,9 tỷ đồng, còn số tiền vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam 23 tỷ đồng đến nay vẫn chưa được giải ngân, dù đơn vị đã hoàn tất các thủ tục cần thiết, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch cấp nước cho người dân. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án cấp nước cho Khu du lịch Laguna ( Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô) cũng gặp không ít trở ngại do đơn vị không tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Dù chỉ vay 9/36 tỷ đồng của toàn bộ dự án, đến nay dự án đã gần hoàn tất nhưng phía ngân hàng vẫn chưa có bất kỳ động thái nào về việc giải ngân vốn.

Tìm hiểu vấn đề này, được biết khó khăn nhất hiện nay là các DN thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB), sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), vì đây đều là các DN vay NH nhiều so với khả năng trả nợ của mình. Một số DN đã đến giai đoạn quá khó khăn, không thể tiếp tục hoạt động, nhưng cũng không thể "chết" một cách chính thức bằng con đường phá sản theo Luật Phá sản, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận và môi trường kinh doanh.

Đây đều là các lĩnh vực cần vốn lớn, nhưng việc vay vốn đang gặp nhiều khó khăn. Về phía chủ quan, theo ông Nguyễn Mậu Chi - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bia Huế, kiêm Chủ tịch Hiệp Hội DN Thừa Thiên - Huế, DN thuộc các lĩnh vực XDCB hoặc sản xuất VLXD, nếu mất khả năng trả nợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp và kéo theo khó khăn cho các NH, cho nên các NH cũng không "mặn mà" gì với việc cho vay đối với các DN trên. Trước mắt, để gỡ khó, các DN này cần phải bàn bạc thỏa thuận các giải pháp với phía NH khi tiếp cận vốn vay. Ông Trần Xuân Lãng, Giám đốc NH Eximbank Huế đề nghị các DN và các NH thương mại cùng ngồi lại với nhau để bàn thật kỹ các phương án tái cơ cấu của DN mình, trong đó có sự tham dự của cả NHNN và lãnh đạo tỉnh, thì mới tháo gỡ được khó khăn về vốn cho DN.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Cao cho biết: Biện pháp của Thừa Thiên - Huế hiện nay là NHNN tỉnh chỉ đạo các NH thương mại trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện lãi suất trần cho vay và lãi suất huy động, tạo điều kiện tối đa cho DN tiếp cận nguồn vốn vay, nâng hạn mức dư nợ; đồng thời thực hiện cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh. Các NH cũng niêm yết công khai lãi suất cho vay, các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn đối với 4 đối tượng hưởng mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam theo Thông tư 14 của NHNN. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu các cơ chế chính sách phù hợp và thông thoáng hơn nhằm hỗ trợ tối đa cho các DN, các nhà đầu tư; tăng cường quan hệ hợp tác, liên kết giữa chính quyền và DN, giữa DN với nhà khoa học, giữa DN với người lao động và giữa các DN với nhau để hình thành liên kết trong sản xuất, trong tìm kiếm thị trường, ngành hàng, sản phẩm, hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm và DN./.

Quốc Việt (Công Lý)


Tin tức liên quan