“Danh tiếng thương hiệu lừng lẫy hàng chục năm trời đế tạo dựng có thể bị hủy hoại chỉ trong chốc lát chỉ vì những sự cố như xì căng đan lừa đảo vài khâu trong quy trình công nghệ, hoặc hiểm họa môi trường”.
Về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Nhà nước cần đề ra những quy tắc chặt chẽ, chứ không phải là những phương sách tự nguyện, sẽ là cách thức tốt nhất để đảm bảo các Công ty có trách nhiệm với xã hội.
Những vấn đề như nhiễm môi trường, đối xử không phù hợp với công nhân và việc sản xuất hàng hóa kém chất lượng gây ảnh hưởng và nguy hại đến người tiêu dùng vẫn thường được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp được nhìn nhận như thế nào trước thực trạng trên? Người Đô Thị phỏng vấn Giáo sư, TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng ĐH An Giang. Ông sẽ chủ trì một Hội thảo quốc tế tại Việt Nam với chủ đề "Doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội" vào hai ngày 27 và 28/9/2007.
Thưa Giáo sư, cụm từ "trách nhiệm xã hội" của các doanh nghiệp, sẽ được ông minh định như thế nào?
Hội đồng Thương mại Thế giới với chủ trương phát triển bền vững đã đưa ra định nghĩa như sau: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một sự cam kết trong việc ứng xử một cách hợp đạo lý và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ, cũng như của cộng đồng địa phương và của toàn xã hội nói chung.
Nhà nước có vai trò gì trong việc điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo an toàn cho môi trường cũng như cho xã hội, trước cơn sóng vươn tới lợi nhuận cực đại của các doanh nghiệp?
Tại một số quốc gia, việc điều chỉnh của Chính phủ dành cho các vấn đề môi trường và xã hội đã tăng lên. Đồng thời, một số điều khoản và luật pháp cũng được ghi nhận lại theo một mức độ siêu quốc gia (chẳng hạn như EU đã làm điều đó).
Giới đầu tư và các Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư đã bắt đầu tính đến chính sách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước khi quyết định việc đầu tư, và có thể coi đó là một sự đầu tư có trách nhiệm với xã hội.
Liệu rằng "trách nhiệm xã hội" và "việc làm từ thiện" của các doanh nghiệp có cùng một ý nghĩa, thưa Giáo sư?
Có sự phân biệt rõ giữa trách nhiệm xã hội" của doanh nghiệp với các hình thức "quyên góp từ thiện". Một số doanh nghiệp vẫn thường sử dụng tiền vào những Dự án cộng đồng, tài trợ học bồng và thành lập các quỹ hỗ trợ. Ngoài ra, họ còn vận động công nhân viên của mình tự nguyện tham gia vào các công tác xã hội, nhằm tạo nên một cảm giác thiện chí với quần chúng, và điều này chắc chắn sẽ góp phần đánh bóng tên tuổi của Công ty, củng cố hình ảnh của thương hiệu. Song, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn vượt xa hơn các hình thức hoạt động từ thiện, vì nó còn đòi hỏi các Công ty phải có một nghĩa vụ nghĩ đến sự ảnh hưởng của họ đối với tất cả những đối tượng đang sở hữu cổ phiếu của mình cũng như môi trường thiên nhiên trước khi đề ra một quyết định.
Đặt vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tức là phần nào sẽ ảnh hưởng tới doanh thu của họ, GS có nghĩ như vậy?
Đúng là các doanh nghiệp sẽ khó có thể nhanh chóng kiếm được doanh thu lớn một khi áp dụng chính sách trách nhiệm xã hội một cách nghiêm túc, tức là doanh nghiệp phải "có lương tâm", tốn phí nhiều hơn để áp dụng quy trình công nghệ sản xuất vừa an toàn cho công nhân, vừa an toàn cho người tiêu dùng, vừa không ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu nhìn xa, chính việc làm này sẽ đánh bóng tên tuổi của doanh nghiệp, gây được thiện cảm trong lòng dân chúng, họ sẽ bán hàng nhiều hơn gấp nhiều lần. Lợi thế vô hình này rất lớn.
Còn lợi thế hữu hình?
Các lợi thế thương mại của kế hoạch trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có những yếu tố sau đây: Thứ nhất, về nhân sự đó là sự hỗ trợ cho công tác tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là trong thị trường lao động trẻ bao gồm các sinh viên tốt nghiệp từ các Trường Đại học vốn có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, còn tạo nên một bầu không khí tốt đẹp giữa các nhân viên, đặc biệt là khi họ cùng tham gia vào các hoạt động hiến tặng ngày lương, trích quỹ hoặc các công tác tình nguyện viên.
Thứ hai, mỗi người trong doanh nghiệp, từ Giám đốc cho đến người công nhân nhỏ nhất, đều có trách nhiệm giữ đúng quy trình công nghệ để công đoạn của mình sau cùng sẽ đóng góp vào sự an toàn cho xã hội. Việc làm này sẽ giúp chế ngự rủi ro, tâm điểm trong những chiến lược của doanh nghiệp. Danh tiếng thương hiệu lừng lẫy phải tốn hàng chục năm trời để tạo dựng có thể bị hủy hoại chỉ trong chốc lát chỉ vì những sự cố như xì căng đan lừa đảo vài khâu trong quy trình công nghệ, hoặc hiểm họa môi trường. Và những sự kiện ấy có kéo theo sự chú ý không hay từ các nhà làm luật, tòa án, chính phủ và báo giới.
Tức là chính khi thực thi "trách nhiệm xã hội", doanh nghiệp đã lập ra cái để bảo vệ mình khi có "sóng to bão dữ”?
Khi doanh nghiệp ý thức được trách nhiệm xã hội tức là họ cũng đã tự bảo vệ mình rồi. Mặt khác, phải thấy rằng họ đã tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu. Chen chân giữa một thị trường đông đúc, một số Công ty đã ra sức với tới một địa thế thương mại độc tôn, cho phép họ trở nên khác biệt trong tâm trí của người mua hàng.
Dĩ nhiên, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có thể đóng vai trò người kiến tạo lòng trung thành nơi khách hàng bằng những giá trị đạo đức rất "phong cách". Rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới, như The Cooperative Group và The Body Shop đã làm được điều này. Các tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại cũng có thể được lợi từ việc tạo dựng thanh danh với tư cách là một Công ty làm ăn liêm chính với nhiều việc làm tích cực.
Nhưng, chúng tôi được biết, ngay trong các nhà nghiên cứu kinh tế, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm "trách nhiệm xã bội của doanh nghiệp". Họ cho rằng nó mang tính yếm thế và quay lưng với kinh tế thị trường.
Với ý kiến cho rằng "quay lưng với kinh tế thị trường", đây là những người ủng hộ Milton Friedman, người từng tranh luận rằng mục tiêu cốt lõi của một công ty chính là tăng tối đa lợi nhuận cho các cổ đông, trong khi luôn tuân thủ theo những luật pháp được quy định tại nước sở tại. Còn nhóm tin vào sự yếm thế tin rằng các doanh nghiệp theo đuổi các dự án xã hội chính là mưu cầu vụ lợi. Nói một cách khác, họ đã nhận thấy được một lợi ích sinh lãi trong việc đề cao danh tiếng với cộng đồng và Chính phủ. Họ cũng vạch ra vô số những lý do giải thích vì sao những doanh nghiệp mang suy nghĩ tư lợi vốn chỉ theo đuổi việc tối đa hóa lợi nhuận, nhìn chung, lại không thể có được sự quan tâm của xã hội.
Thí dụ như Tập đoàn Mcdonald's đã bị những nhà vận động "trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp" chỉ trích về quy trình làm ăn kém đạo đức của mình. Đây cũng là những gì dựa theo phán quyết của thẩm phán Roger. Bên trong vụ kiện mang tên Mclibel, trong đó phơi bày việc đối xử thậm tệ với nhân viên, cách thức quảng cáo tạo ý nghĩ sai lệch và cách hành xử thô bạo không cần thiết với súc vật.
Còn Giáo sư, ông sẽ ủng hộ quan điểm nào? Hướng tới "trách nhiệm xã hội" của doanh nghiệp, có vẻ là quan điểm của ông?
Rõ rồi. Nghiên cứu cho thấy: Những doanh nghiệp thật sự không chú tâm đến phúc lợi cho công nhân hay môi trường sẽ di chuyển việc sản xuất đến những cơ sở lao động bóc lột tại những quốc gia ít có những quy định nghiêm ngặt của Chính phủ về các phương diện này. Những doanh nghiệp không chi trả đúng mức phí cho mức độ lác động của họ, chẳng hạn như chi phí cho việc tẩy sạch chất ô nhiễm môi trường, vô hình trung sẽ làm tổn hại cho phúc lợi xã hội và sinh thái.