Tin tức

Doanh nghiệp chung sức vượt khó

Doanh nghiệp chung sức vượt khó

Ngày cập nhật 04/07/2012 08:48

Năm 2012, sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng, mức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa một số DN giảm sút, thị trường bị bó hẹp, lãi suất ngân hàng cao. Song, sang quý II, tình hình đã có dấu hiệu phục hồi.

 

Vượt khó

Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2012 đạt 109,46%. Các ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, gồm: bia tăng 31,7%, quặng kim loại tăng 40,2%, sợi 15,2% và sản xuất trang phục 14,9%. Các ngành công nghiệp có mức tăng trưởng giảm gồm khai thác đá giảm là 18,6%; sản xuất hóa dược 24,8%; sản xuất gạch ngói 1,6%; sản xuất xi măng giảm 16,7%; sản xuất bê tông giảm 8,2% và sản xuất xe ô tô giảm 63,3%.

Nhiều DN SXCN vượt khó và đạt mức tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2012

Năm 2012, giá trị SXCN phấn đấu đạt 9.100 tỷ đồng, tăng 14,09% so với năm 2011. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu phấn đấu đạt, như: xi măng 2,2 triệu tấn, bia 210 triệu lít, sợi các loại 34.000 tấn, men Frít 42.000 tấn. Dự ước, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội kế hoạch năm 2012 đạt 21.247 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2011.

Ngành sản xuất bia có sự chuyển biến mạnh, chất lượng và mẫu mã được cải tiến, đặc biệt là sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất sản phẩm từ bia chai sang bia lon đã đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng và có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 96,1 triệu lít, tăng 31,7% so cùng kỳ năm trước.

Ngành dệt may đang gặp khó khăn về lao động, vốn và đơn hàng; các DN sợi gặp thêm khó khăn về nhập khẩu bông rơi chải kỹ do thuế suất tăng từ 0% lên 10%, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, một số sản phẩm chính của ngành dệt may vẫn đạt tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó sản xuất sợi tăng 15,2%, sản xuất trang phục tăng 14,9%. Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, các DN ngành khai thác và chế biến khoáng sản vẫn chủ động sản xuất kinh doanh, đầu tư chế biến sâu các sản phẩm, điển hình là Công ty TNHH Khoáng sản Thừa Thiên Huế có doanh thu 391 tỷ đồng, nộp ngân sách 101.8 tỷ đồng, đạt 113 % kế hoạch cả năm.

Các DN đạt mức tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm là Công ty Khoáng sản tỉnh, Công ty CP Thủy điện Hương Điền, Công ty CP Dệt may Huế, Công ty CP Sợi Phú Nam, Công ty ShaiyooAA, Công ty CP Chế biến lâm sản Hương Giang…, các DN này đã góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng toàn ngành. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so cùng kỳ: Quặng Zincol, rutin, xỉ ti tan đạt 11.047 tấn, tăng 51,7%; mực đông lạnh 543 tấn, tăng 20,6%; kem cây 227,4 tấn, tăng 46,4%; bia lon Huda 20,8 triệu lít, tăng 2,6 lần; bia chai Huda 75,3 triệu lít, tăng 11,2%; sợi các loại 16.706 tấn, tăng 15,2%; điện sản xuất 176,2 triệu kwh, tăng 28,2%. Một số DN đạt mức tăng trưởng thấp, như Công ty TNHH Luks Trường Sơn giảm 29,4%, Công ty CP Sợi Phú Thạnh giảm 4,7%, Nhà máy Phân lân vi sinh Sông Hương giảm 10,3%, Cty CP Dược Trung ương Huế giảm 25,7%...

Tăng tốc để về đích

Ông Võ Phi Hùng, TUV, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Từ nay đến hết năm 2012, tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều bất ổn và là thời điểm có nhiều bất lợi về thời tiết, bão lụt… sẽ tác động đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các DN. Vì vậy, sở tiếp tục vận động các DN tận dụng tối đa mọi nguồn lực để tập trung cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra trong năm 2012”.

Sở Công thương tập trung triển khai công tác phòng, chống lụt, bão ở các DN, công ty thuộc các thành phần kinh tế và các địa bàn, đơn vị ngành công thương; đảm bảo công tác an toàn các hồ thủy điện để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa, bão. Qua đó, có kế hoạch bố trí sản xuất ổn định, liên tục và hạn chế ngừng sản xuất để hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất đề ra. Mặt khác, vận động các DN tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới và khai thác thị trường sẵn có để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tồn kho, tăng doanh số xuất khẩu và phát triển sản xuất với tốc độ cao trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như bia, vật liệu xây dựng, khoáng sản, dệt may, sợi,… 

Ngành cũng tiếp tục tập trung đẩy mạnh SXCN trên các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến khoáng sản, chế biến nông sản, chế biến thực phẩm và đồ uống, công nghiệp dệt may, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ xuất khẩu. Ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến, có năng lực cạnh tranh; khuyến khích và hỗ trợ phát triển công nghiệp sạch, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nông thôn, xúc tiến việc lập Quy hoạch phát triển ddiện lực các huyện, thị xã, TP Huế giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2020 trong định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương trong vài năm tới theo Kết luận số 48 của Bộ Chính trị.      

Bài, ảnh: Thanh Hương (TTH)

 


Tin tức liên quan