'Lãi suất dưới 13% khó đến tay doanh nghiệp'
Cập nhật lúc: 01:40 05/07/2012 PM
Dù gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới 13% được các ngân hàng trên địa bàn TP HCM cho biết đã giải ngân hoàn toàn, nhưng nhiều doanh nghiệp than vẫn phải vay vốn 14-17%.
Trao đổi với VnExpress.net chiều nay, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, gói vốn 30.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi mà UBND thành phố kêu gọi các ngân hàng trên địa bàn chia sẻ để gỡ khó cho doanh nghiệp, đã được giải ngân hoàn toàn với lãi suất 12-13%.
Theo ông Minh, chính nhờ gói vốn này đã góp phần đẩy nhanh dư nợ tín dụng của khu vực TP HCM đến cuối tháng 6 tăng hơn 1,9%, thay vì âm trong 5 tháng trước đó.
Số liệu của cơ quan này công bố trước đó cho thấy, đến ngày 31/5 dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 762.200 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng 4 và giảm 0,24% so với cuối năm. Trong đó dư nợ bằng VND đạt 553,103 tỷ đồng, giảm 0,72% so với cuối năm, dư nợ ngoại tệ đạt 209,097 tỷ đồng, tăng 1,05%.
|
Lãi suất 13% khó đến tay doanh nghiệp. Ảnh: Lệ Chi |
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, phần vốn giải ngân trên chủ yếu được cung ứng từ 4 ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank. Đây đều là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, một số cho biết dù thuộc nhóm ưu tiên nhưng hiện vẫn chưa tiếp cận được vốn giá rẻ dưới 13%. Giám đốc một công ty sản xuất bánh kẹo tại TP HCM cho hay, tuần rồi, công ty ông vay vốn tại một ngân hàng lớn vẫn với mức lãi 15%. "Khi chúng tôi thắc mắc tại sao không được hưởng trần lãi vay, nhân viên nhà băng liền trả lời phải có lộ trình. Vì trước đây ngân hàng huy động lãi cao nên bây giờ không thể giảm nhanh được", ông nói.
Ông Dương Văn Khánh, Tổng thư kí Hiệp hội da giày TP HCM cũng cho biết, đến nay, các thành viên trong hội phần lớn đều chưa thể tiếp xúc được mức lãi vay 12-13%. "Các doanh nghiệp cho biết mức lãi suất ưu đãi nhất mà họ vay được là 14%, trong khi điều kiện vay cũng khá khó khăn. Hội đang lên tiếp danh sách nhưng đơn vị gặp khó khăn và cần vốn với lãi suất ưu đãi để nộp lên Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM nhờ phía ngân hàng hỗ trợ", ông Khánh nói.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cũng thừa nhận, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn một số lĩnh vực ưu tiên là 13%. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất 14-17% một năm.
Ông cho biết thêm, các doanh nghiệp than rằng, mỗi ngân hàng hiện nay đều có một hàng rào kỹ thuật riêng nên doanh nghiệp dù thuộc diện ưu tiên nhưng "không đủ điều kiện" cũng không thể nào tiếp cận được mức lãi suất thấp.
Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận thực tế một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng không dám vay thời điểm này vì không có thị trường, hàng tồn kho nhiều, phải thu hẹp sản xuất. Hiệp hội đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp được vay đảo nợ với mức lãi suất hiện hành (thay vì trước đây trên 20%), giúp doanh nghiệp giảm số lãi phải trả hàng tháng, tập trung sản xuất, kinh doanh tốt hơn, làm cho thị trường ấm lên.
Ngoài ra, vị đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho rằng, các ngân hàng thương mại cần có chính sách công khai về điều kiện cho vay và mức lãi suất, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp về việc thế chấp (có thể thế chấp bằng L/C, nguồn thu và hàng tồn kho) và các thủ tục vay vốn.
Thừa nhận thực trạng trên, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, lãi suất thực đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm, nhưng không giảm các tiêu chuẩn cho vay để tránh nợ xấu và chỉ cạnh tranh tìm khách hàng thực sự tốt để cho vay. Theo Tiến sĩ Lịch, các nhà băng nên mạnh dạn cho vay các doanh nghiệp có dự án khả thi, nhưng hết tài sản đảm bảo. Các ngân hàng cần khoanh vùng khách hàng để phát triển tín dụng. Có như vậy, các nhà băng mới giải quyết được đầu ra và doanh nghiệp mới trả được nợ cũ cho ngân hàng.
Ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần mỹ thuật Gia Long cũng bộc bạch, hiện nay, bên cạnh việc khó khăn về vốn thì vấn đề tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cũng là khâu sống còn, nhất là trong ngành trang trí mỹ nghệ. Do đó, để vượt qua khó khăn hiện nay, bản thân doanh nghiệp trong ngành này phải tìm mọi cách cải tiến mẫu mã sản phẩm để giải quyết đầu ra.
Bên cạnh đó, theo ông Tiến, về mặt chính sách, Nhà nước nên rốt ráo tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho ngành. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay theo ông là dùng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động xúc tiến thương mại (thông qua triển lãm, hội chợ...) trong nước và nước ngoài.
"Khi đó, nhiều doanh nghiệp sẽ có cơ hội quảng bá hàng hóa đến với người tiêu dùng, giúp hàng hóa được khơi thông và giảm bớt tồn kho. Còn như thực tế hiện nay, các doanh nghiệp phải tự bỏ tiền túi ra để tham gia, khá tốn kém nên họ ngại thực hiện", ông nói.
Chung quan điểm, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, thay vì bơm tiền ra, nên khơi thông dòng thứ hai là tiêu thụ sản xuất, hạ tồn kho, tạo sức mua mới. "Khi giảm tồn kho xuống thì các doanh nghiệp mới có điều kiện vay vốn lãi suất rẻ", ông Kiêm nói.
Một quan chức cấp cao của TP HCM cho biết, trong những tháng tới, thành phố sẽ hỗ trợ đẩy mạnh các biện pháp kích cầu, lãi vay để doanh nghiệp vừa có vốn sản xuất vừa có cơ hội đổi mới thiết bị, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và giúp doanh nghiệp giảm nhanh lượng hàng tồn kho. Theo đó, các biện pháp được đưa ra là mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường xuất khẩu truyền thống và chủ động phối hợp với các tỉnh thành khác để xúc tiến bán hàng.
Lệ Chi (VnExpress)