Tin tức

Nên nêu đích danh các “nhà băng” đã giảm và chưa giảm

Nên nêu đích danh các “nhà băng” đã giảm và chưa giảm

Ngày cập nhật 30/07/2012 07:12

Theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ giữa tháng 7/2012, lãi suất cho vay tất cả các khoản nợ cũ sẽ được đưa về dưới 15%/năm. Điều này cũng được một số ngân hàng thương mại (NHTM) công bố.

Ngân hàng lớn đồng loạt điều chỉnh giảm

Sau một tuần áp dụng lãi suất vay đối với các khoản nợ cũ 15%/năm, một số NHTM đã có hướng dẫn, triển khai cụ thể, đặc biệt là các NHTM lớn nằm trong nhóm G14 (14 NHTM lớn chiếm 90% thị phần tín dụng, như: Ngoại thương (Vietcombank), Công thương (Vietinbank), Đầu tư & Phát triển (BIDV), Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank), Á Châu (ACB), Sài Gòn-Hà Nội (SHB)... Hội sở các “nhà băng” này đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi nhánh nhanh chóng giảm lãi suất cho khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp.

 

Đây là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần bắt đầu giảm lãi suất nợ cũ về 15%/năm

 

Trưởng phòng Quản lý nợ, Ngô Hải thuộc Vietcombank-Chi nhánh Huế khẳng định, ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Tổng giám đốc Vietcombank, toàn hệ thống tự động giảm lãi suất những khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm và thông báo cho từng khách hàng. Việc áp dụng này được tiến hành đối với tất cả khách hàng, không phân biệt tổ chức hay cá nhân, không phân loại khách hàng. Tương tự, các ngân hàng lớn trên địa bàn, như: BIDV, Agribank, Vietinbank... đồng loạt đưa lãi suất các khoản vay cũ về mức 15%/năm.

 

Theo đại diện, các ngân hàng lớn trên địa bàn, việc hạ lãi suất không gặp vướng mắc, chỉ mất một thời gian ra thông báo cho khách hàng biết. Do các điều khoản vay vốn trong hợp đồng không đổi, nên khách hàng cũng không phải tới ngân hàng ký lại hợp đồng. Như vậy, sau chỉ đạo của Thống đốc NHNN, các NHTM quốc doanh đã công bố hạ lãi suất cho vay nợ cũ về dưới 15%/năm.

 

Ngân hàng nhỏ chần chừ, miễn cưỡng

 

Ông Ngô Văn Vinh, Giám đốc NHNN, Chi nhánh Thừa Thiên Huế cho biết, cơ quan này đang tổ chức kiểm tra, ngân hàng nào vi phạm, làm không nghiêm việc giảm lãi suất cho vay các hợp đồng cũ cho khách hàng và sẽ có biện pháp xử lý. Và nếu khách hàng có vay vốn ngân hàng mà không được điều chỉnh lãi suất cho vay thì báo cáo về NHNN.

Thực tế, không phải tất cả nợ cũ đã được hạ lãi suất xuống dưới 15%/năm. Trường hợp Công ty TNHH V.A có địa chỉ tại thành phố Huế vay ở một NHTM cổ phần trên địa bàn 1,5 tỷ đồng với lãi suất 19%/năm, sau đó được điều chỉnh xuống chút ít. Giám đốc công ty này cho biết: Hy vọng sau 15/7, lãi suất khoản vay của công ty V.A có thể giảm về 15%/năm, nhưng ngân hàng có cái lý của họ. V.A vẫn phải chịu lãi suất 17%/năm, dù chưa bao giờ để nợ quá hạn, trả lãi đầy đủ cho ngân hàng từ khi vay đến giờ. Đó là một trong những trường hợp mà chúng tôi có dịp tiếp cận. Cũng theo phản ánh của một số khách hàng, hiện họ vẫn chưa nhận được thông báo giảm lãi suất xuống dưới 15%/năm từ ngân hàng.

 

Trao đổi trường hợp doanh nghiệp V.A nói trên với giám đốc một NHTM cổ phần trên địa bàn, vị này phân tích: Vì thời gian triển khai mới bắt đầu và mỗi chính sách đều có “độ trễ” nhất định nên khó tránh khỏi “trường hợp này, trường hợp kia” ngoài ý muốn. Có lẽ chưa có chế tài đủ mạnh từ NHNN, một số ngân hàng nhỏ còn chần chừ, miễn cưỡng chưa muốn giảm ngay vì ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng mình. Theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, một số ngân hàng tuy có giảm nhưng có sự chọn lọc và có điều kiện kèm theo như khách hàng có “sức khỏe” tốt thuộc nhóm 1, không có nợ quá hạn...

 

Quan điểm chỉ đạo của NHNN là phải hỗ trợ đối tượng khó khăn, dựa vào khả năng của từng tổ chức tín dụng. Việc ngân hàng chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt chưa thực sự thỏa đáng, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo. Nghĩa là, phải chia sẻ hỗ trợ với các đối tượng, doanh nghiệp khó khăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng. Nếu ngân hàng không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng lại hố trợ không đúng đối tượng, NHNN cũng sẽ có biện pháp xử lý.

 

Ngoài việc yêu cầu các NHTM phải báo cáo dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm để giám sát, NHNN sẽ thanh, kiểm tra; thiết nghĩ cơ quan này nên công khai, nêu rõ danh tính của ngân hàng đã giảm và chưa giảm. Không cần phải ép, chỉ cần nêu tên các ngân hàng này ra để dư luận biết, khách hàng biết ngân hàng đó có chia sẻ không, làm ăn có đàng hoàng không thì tự khắc ngân hàng sẽ phải sợ mất uy tín, thương hiệu, mất khách hàng mà thực hiện...

 

Bài, ảnh: Bạch Quang (TTH)


Tin tức liên quan