Tin tức

Thừa Thiên Huế với chiến lược phát triển xuất khẩu
Thừa Thiên Huế với chiến lược phát triển xuất khẩu
 
Cập nhật lúc 07:32 | 16/08/2012 (GMT+7)

Trong những năm qua, lĩnh vực xuất khẩu của TT Huế có sự tăng trưởng khá ấn tượng mặc dù ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới nhất là ở khu vực tài chính ngân hàng, khủng hoảng nợ công khu vực châu Âu, áp lực lạm phát cao…gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng lên hàng năm. Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 248 triệu USD, tăng 70% so với năm 2009 và tăng 24% so với kế hoạch. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đạt 372 triệu USD, tăng 44% so với năm 2010 và tăng 33% so với kế hoạch; năm 2012 phấn đấu đạt 400 triệu USD.

Trong những tháng đầu năm 2012 , tình hình sản xuất công nghịêp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng cao, mức sản xuất và tiêu thụ hàng hoá của một số doanh nghịêp giảm sút, thị trường thu hẹp, sức tiêu dùng giảm…làm hạn chế khả năng tái sản xuất đầu tư của một số doanh nghịêp. Tuy vậy bằng các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, sự nỗ lực của tỉnh cùng các doanh nghịêp tháo gỡ khó khăn, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như thuỷ sản, dệt may, sản phẩm gỗ, khoáng sản…có kim ngạch xuất khẩu tăng cao, trong đó có nhiều mặt hàng tăng cả về khối lượng, giá cả so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong những tháng đầu năm 2012 này, có một số doanh nghịêp mới tham gia vào hoạt động xuất khẩu như công ty cổ phần Duy Đại với sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu; Cty TNHH Trường An với sản phẩm xuất khẩu clinke; Cty cổ phần Sợi Phú Việt, cty cổ phần sợi Phú Mai với sản phẩm dệt may; Cty cổ phần Phước Hịêp Thành và Cty cổ phân Liên Minh với sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ… góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu bảy tháng đầu năm 2012 của tỉnh đạt 257 triệu USD, tăng trên 28% so cùng kỳ năm 2011, đạt 64% kế hoạch năm 2012. Lĩnh vực dệt may vẫn tiếp tục dẫn đầu về đóng góp kim ngạch xuất khẩu địa phương ước đạt 188 triệu USD và chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tại Cty cổ phần Dệt may Huế, trong 7 tháng đầu năm 2012 ước đạt kim ngạch xuất khẩu 19,1 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2011 và đạt khoảng trên 70% kế hoạch năm 2012.

Vào quí 3, mỗi tháng công ty tăng khoảng hơn 100 đơn so với trước đây, do vậy công ty đẩy mạnh tăng tốc để đảm bảo thực hịên đúng thời hạn các đơn hàng theo hợp đồng với đối tác. Ông Nguyễn Thanh Tý - Trưởng phòng Kế hoạch xuất nhập khẩu Cty cổ phần Dệt may Huế cho biết trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang khó khăn để đạt được kết quả này là cả một quá trình dài tạo dựng thương hiệu, uy tín trên thị trường quốc tế;  đồng thời công ty cũng có giá rất cạnh tranh, cùng chia sẻ khó khăn với đối với đối tác, khách hàng do vậy họ rất tin tưởng để đặt hàng, không những thế còn tăng thêm đơn hàng trong năm nay. Còn lĩnh vực vật liệu khoáng sản có kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhất 2,5 lần, tiếp đến là thuỷ sản tăng gần 78%, sản phẩm gỗ tăng trên 17%.

Tuy vậy , một số doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó khăn về thị trường, nhân lực, công nghệ, tài chính và chịu tác động ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế nên hoạt động xuất khẩu giảm sút. Ông Ngô Quang Vĩnh - GĐ Cty TNHH sản xuất và thương mại nhang Thái Hưng cho biết trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sản phẩm nhang sang thị trường Đài Loan và thị trường Trung Đông của công ty chững lại và có giảm nhẹ, khoảng 5%. Mặt khác do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, lãi suất vay ngân hàng tăng, các chi phí khác đều tăng nhưng giá đầu ra vẫn giữ nguyên nên lãi rất thấp. Các doanh nghiệp đang nỗ lực giữ vững thị trường truyền thống, tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường mới. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là  Mỹ, EU, Nhật Bản,Trung Quốc, các nước ASEAN và một số thị trường khác như Canada, Ai Cập, Australia, các nước Ả rập… Cơ cấu thị trường trong giai đoạn vừa qua là phù hợp với thực tiễn năng lực tổ chức xuất khẩu của các doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm của địa phương. Xuất khẩu tăng là do sự đóng góp lớn của những mặt hàng dệt may, gỗ, thủy sản…Vấn đề tồn tại lớn nhất của xuất khẩu đã bộc lộ trong nhiều năm qua là việc vẫn phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng khoáng sản, nông, lâm, thuỷ sản… Hơn nữa, các mặt hàng công nghiệp chế biến vẫn mang tính chất gia công. Như vậy, xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có mà chưa xây dựng được các ngành công nghiệp có mối liên kết chặt chẽ với nhau để hình thành chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu lớn.

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu của địa phương, tỉnh, ngành Công Thương, các doanh nghiệp đã tìm giải pháp và có chiến lược phát triển để chỉ tiêu về xuất khẩu tiếp tục có sự tăng trưởng góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Ông Nguyễn Thanh Tý - Trưởng phòng Kế hoạch xuất nhập khẩu Cty cổ phần Dệt may Huế cho biết để tiếp tục phát triển mở rộng, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đảm bảo đúng thời gian giao hàng theo hợp đồng và những đơn hàng ngày càng tăng, mặc dù đang khó khăn nhưng công ty vẫn phải đầu tư mở rộng thêm nhà máy may mới với kinh phí khoảng 35 tỷ đồng từ vốn vay ngân hàng và nguồn vốn của đơn vị. Dự kiến nhà máy sẽ đưa vào hoạt động trong quí 4 năm 2012 này với khoảng 700 công nhân may.

Trong năm 2012 này,  TTHuế phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 400 triệu USD, phấn đấu đến năm 2015 đạt kim ngạch xuất khẩu 650 – 700 triệu USD và đến năm 2020 đạt khoảng 1 tỉ USD. Ông Lê Phước Hòa - PGĐ Sở Công Thương TT Huế cho biết những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới đó là tăng cường công tác thông tin dự báo diễn biến thị trường trong và ngoài nước để doanh ngiệp kịp thời ứng phó, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. Đồng thời, sẽ tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng thô; mở rộng hợp tác với các địa phương trong vùng miền để xây dựng nguồn nguyên liệu, cung cấp dịch vụ và mở rộng thị trường; chú trọng xuất khẩu tại chỗ thông qua các hoạt động du lịch. Trong đó, sẽ chuyển dịch mạnh cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỉ trọng sản phẩm đã qua chế biến lên trên 80% trong cơ cấu xuất khẩu hoàng hóa; đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả xuất khẩu làm động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Nhật Mai (TRT)


Tin tức liên quan