Nền kinh Tế Thừa Thiên Huế – Bừng lên nhiều “điểm sáng”
Nền kinh tế Thừa Thiên Huế từ đầu năm đến nay đạt mức tăng trưởng cao và đồng đều trên các mặt, hội đủ niềm tin cho một năm thành công.
Bừng lên nhiều “điểm sáng”
Thời gian qua, mặc dù còn gặp một số yếu tố bất lợi nhưng ngay từ đầu năm, các ngành, các địa phương đã nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao, tập trung thực hiện chương trình trọng điểm, hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với sự quyết tâm vượt khó của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế tỉnh nhà đã có những chuyển biến tích cực.
Dệt may Thừa Thiên Huế tăng trưởng khá. Ảnh: Bạch Quang
Điểm sáng quan trọng trong 9 tháng đầu năm là hoạt động du lịch có sự tăng trưởng khá. Tổng lượt khách du lịch đến Huế ước đạt 1.144,4 nghìn lượt, tăng 11,6% so cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 638,5 tỷ đồng, tăng 19,4%. Hoạt động thương mại sôi động, sức mua của thị trường tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 11.042,5 tỷ đồng, tăng 34,5%. Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao; giá trị sản xuất ước đạt 5140,56 tỷ đồng, tăng 25,1% so cùng kỳ; các sản phẩm chủ lực tăng khá, như xi măng (17,6%), bia Huda (19,5%) men Frit (43,4%), quần áo lót (2,6 lần), tinh bột sắn (23,3%), điện sản xuất (tăng 25,7%), sợi các loại (7,1%),… Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao; tổng trị giá xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 176,46 triệu USD, tăng 79,2% so cùng kỳ. Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao là hàng dệt may đạt 99,49 triệu USD, tăng 2,1 lần, dăm gỗ đạt 24,71 triệu USD, tăng 65,1%, sản phẩm bằng gỗ 25,78 triệu USD, tăng 53,5%, thủy sản 5,51 triệu USD, tăng 26,5%…
Hoạt động của các ngân hàng thương mại tương đối ổn định; chính sách hỗ trợ lãi suất đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế; tổng nguồn vốn huy động đạt 12.320 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ; tổng dư nợ cho vay ước đạt 10.880 tỷ đồng, tăng 20,4%.
Tổng thu ngân sách ước đạt 2.141,3 tỷ đồng, bằng 77,9% dự toán năm, tăng 19,1% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 7.085 tỷ đồng, bằng 78,7%KH, tăng 27,8% so cùng kỳ; có 27 dự án ODA triển khai trên địa bàn, khối lượng thực hiện đạt khoảng 280 tỷ đồng. Tỉnh cũng phê duyệt 20 dự án mới từ nguồn vốn NGO với tổng giá trị 2 triệu USD. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 79.159 ha, tăng 0,5% so với năm 2009. Sản lượng lương thực có hạt ước cả năm đạt 293,5 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng lúa ước đạt 287,5 nghìn tấn, tăng 1,7%; năng suất lúa đạt 53,6 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 7.750 tấn, tăng 1%; sản lượng khai thác ước đạt 23.989 tấn, tăng 6,5%…
Còn đó những thách thức
Mặc dù nền kinh tế tỉnh nhà có tăng trưởng cao, song vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như chất lượng lịch vụ, du lịch phát triển nhưng chưa ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, số ngày lưu trú của du khách chưa cao; các sản phảm chủ lực của ngành công nghiệp phát triển chưa đồng đều; nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rũi do nhiễu động của thời tiết; khối lượng thi công, tiến độ giải ngân một số công trình trọng điểm của tỉnh vẫn còn chậm. Ngoài ra, ảnh hưởng của việc tăng học phí, giá cả xăng dầu, nhóm mặt hàng giao thông, vật liệu xây dựng, giá vàng,… đưa chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2010 tăng mạnh 1,89%, vượt xa những tháng trước, tăng 6,51% so với tháng 12/2009, tăng 9,39% so với cùng kỳ.
Những tháng còn lại của năm 2010, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải chung sức vượt qua, đó là chất lượng tăng trưởng chưa vững chắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp; giá cả đang diễn biến phức tạp; tình trạng thiếu điện chưa được khắc phục; thiên tai còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường; dịch bệnh trên vật nuôi và cây trồng vẫn có nguy cơ lây lan ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Tập trung nhiệm vụ cho những tháng cuối năm
Để khắc phục những tồn tại và vượt qua những thách thức, bảo đảm thực hiện đạt và vượt kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2010 và tạo đà cho những năm tiếp theo với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 12% theo Nghị quyết HĐND tỉnh và Chỉ thị số 18 ngày 17/4/2010 của UBND tỉnh, tiếp tục thực hiện Kết luận số 48 – KL/TW ngày 25/05/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, những tháng cuối năm 2010, các cấp, các ngành cần rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chương trình, đề án, các nhiệm vụ được phân công, tập trung thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý là tiếp tục thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch, chương trình kích cầu du lịch năm 2010, chương trình phát triển du lịch và xây dựng thành phố Festival; chương trình Phát triển du lịch biển và đầm phá. Rà soát lại các quy hoạch trên địa bàn khu kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu năm 2010; xúc tiến đầu tư xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung KCN Phong Điền, quy hoạch chi tiết KCN La Sơn, Phú Đa…
Các địa phương, đơn vị chuẩn bị sẵn sàng phương tiện vật tư, phương án phòng chống lụt bão theo phương châm 5 tại chỗ, bảo đảm an toàn cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; đảm bảo nguồn giống cho vụ đông xuân 2010-2011. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, quan trắc môi trường trên đầm phá. Đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện từ nguồn vốn ngân sách tập trung, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay ưu đãi của Nhà nước, các dự án thuộc CTMTQG … Hoàn chỉnh hạ tầng các khu tái định cư dân vạn đò thành phố Huế, các khu định cư dân thủy điện. Tăng cường tìm nguồn đầu tư cho các chương trình, dự án; ưu tiên kêu gọi đầu tư cho các dự án trọng điểm. Điều chỉnh quy hoạch cấp nước đô thị và nông thôn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xúc tiến quy hoạch chung xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2050. Tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách, quản lý tài chính… Đặc biệt, các ngành chức năng cần đảm bảo tăng cường công tác bình ổn giá, kiểm soát giá cả, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng ổn định thị trường, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; đồng thời, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính,…
Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế năm 2010 sẽ có bước chuyển khả quan, đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 12%, tạo đà cho kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh hơn trong năm tới.
Dương Trần (TTH)