Chiều 26/10, tại Bộ Tài chính đã diễn ra lễ ký hết hai thỏa ước tài trợ Pháp và Việt Nam, với số tiền 25 triệu Euro, dành cho dành cho lĩnh vực đào tạo nghề. Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ phát triển cho 5 trường dạy nghề ở Việt Nam.
Trong số này dự kiến có 2 trường sẽ trở thành các trường chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế gồm trường CĐ kỹ thuật công nghệ Lilama 2 (ở Đồng Nai) với nghề Hàn và hai nghề Viễn thông. Trường sẽ được đầu tư xây dựng một tòa nhà tiết kiệm năng lượng. Kế tiếp là trường CĐ nghề cơ khí nông nghiệp (Vĩnh Phúc) với các nghề Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại và Hàn.
Ba trường dạy nghề khác (trường CĐ nghề cơ điện xây dựng Việt Xô tại Tam Điệp, trường cao đẳng kỹ thuật công nghệ Dung Quất và trường dạy nghề Nghi Sơn) sẽ tham gia dự án qua các khóa đào tạo giảng viên, soạn thảo các tài liệu giảng dạy và đầu tư cho các nghề Cắt gọt kim loại(trường cao đẳng Việt Xô) và Công nghệ ô tô (trường cao đẳng Việt Xô và Dung Quất). Như vậy, sẽ có 6 nghề đào tạo được phát triển và sẽ cho phép đào tạo hơn 3.000 người/năm.
Tổng chi phí của dự án là 29 triệu EUR trong đó cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ 25 triệu EUR và 4 triệu EUR do Chính phủ Việt Nam tài trợ. Khoản tài trợ của AFD bao gồm một khoản cho vay với số tiền 24,5 triệu EUR, chủ yếu dành cho thiết bị và hỗ trợ kỹ thuật ngắn hạn, cùng một khoản viện trợ không hoàn lại 0,5 triệu EUR cho phép huy động một tư vấn hỗ trợ kỹ thuật dài hạn.
Được biết, Việt Nam có mạng lưới khoảng 1.200 trường và trung tâm đào tạo nghề, đa số là trường công, thêm vào đó là những đơn vị đào tạo nghề thuộc các doanh nghiệp. Ý thức được những thách thức của sự phát triển nên Chính phủ đầu tư nhiều vào lĩnh vực này. Theo đó, đầu những năm 2000, Chính phủ đã tiến hành một cải cách sâu hệ thống liên quan đến các cơ sở hạ tầng đào tạo nhằm tăng đáng kể số lượng học viên (hơn 1,9 triệu học viên vào năm 2011 so với ít hơn 1 triệu học viên vào năm 2001). Chính phủ cũng đã tiến hành nhiều cải cách để cải thiện sự thích ứng giữa đào tạo và việc làm (tiếp cận theo năng lực, cải thiện hệ thống thông tin) đồng thời tạo thuận lợi cho sự xuất hiện của các đơn vị đào tạo tư nhân.
Mục tiêu của Việt Nam là đạt tỷ lệ 45% dân số trong độ tuổi lao động được đào tạo vào năm 2015 (khi đó Việt Nam sẽ có 60,8 triệu người trong độ tuổi lao động, trên tổng số dân 94 triệu người) và 55% vào năm 2020. Để đạt những mục tiêu trên, Việt Nam đã huy động sự hỗ trợ của AFD, một trong những nhà tài trợ lớn trong lĩnh vực này. Dự án đầu tiên của AFD (12,8 triệu EUR) hỗ trợ cho 4 trường đào tạo nghề tại TPHCM, Đồng Nai, Hải Phòng và Vĩnh Phúc, đã hoàn thành năm 2009.
S.H (Dân trí)