Tin tức

Chân Mây - Lăng Cô, cơ hội và thách thức
Chân Mây - Lăng Cô, cơ hội và thách thức
 
Cập nhật lúc 07:51 | 15/11/2012 (GMT+7)

Sau 7 năm đi vào hoạt động, diện mạo Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã có những thay đổi đáng kể, ngày càng khẳng định được vị thế, hình ảnh, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, Khu kinh tế được xếp vị thứ 6 trong 15 Khu kinh tế ven biển của cả nước. Mặc dù vậy, xét về tổng quan, sự vận hành của khu Kinh tế này vẫn chỉ mới dừng ở giai đoạn khởi động, chưa tạo được một sinh khí sôi động như kỳ vọng; và để Chân Mây – Lăng Cô thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của cả tỉnh thì vẫn còn nhiều thách thức nữa phải vượt qua.

Toàn cảnh Laguna Huế
Toàn cảnh Laguna Huế

Đối với người dân bản địa, thật khó có thể tưởng tượng một nơi nghèo khó, hẻo lánh, sống gần như biệt lập với thế giới xung quanh như thôn Cù Dù lại có thể khoác lên mình một tấm áo sang trọng như ngày hôm nay. Dự án Laguna Huế do tập đoàn Banyan Tree (Singapo) đầu tư với giá trị gần 1 tỷ đô la và đã hoàn thành giai đoạn 1. Những căn phòng, biệt thự sang trọng, tiêu chuẩn 5 sao nép mình bên bờ vịnh Chân Mây biển xanh cát trắng đã chào đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên đến nghĩ dưỡng. Khi hoàn thành các giai đoạn tiếp theo, Khu du lịch sinh thái phức hợp Laguna Huế sẽ có 7 khu khách sạn cao cấp với 2.000 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1.000 căn nhà, khu trung tâm hội nghị, mua sắm quốc tế, sân golf cùng nhiều hạng mục khác để phát triển du lịch, trên tổng diện tích khoảng 280ha. Từ một vùng nghèo khó, thôn Cù Dù trở thành là điểm đến mang tầm cở quốc tế. Không chỉ vậy, những hiệu ứng mà dự án Laguna Huế sẽ đem lại những thời cơ mới cho sự phát triển của cả vùng Chân Mây - Lăng Cô.

Để có được một dự án được đánh giá là mẫu mực như hôm nay, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư thì việc tìm được một nhà đầu tư có đầy đủ năng lực vẫn chưa phải là yếu tố quyết định. Điều quan trọng nhất đó chính là vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch một cách nhất quán, không đánh đổi chạy theo phát triển bằng mọi giá. TT Huế đã làm được điều này khi nói “không” với các nhà đầu tư dự án Nhiệt điện và đóng tàu tại Chân Mây thời điểm 5 năm về trước. Và rỏ ràng, nếu vì lợi ích ngắn hạn, thiếu tính bền vững thì hôm nay, TT Huế cũng sẽ không có một  thương hiệu mang tên “Laguna”.

Kỳ họp Tỉnh ủy lần thứ 9 vừa qua đã một lần nữa xác định quan điểm phát triển bền vững và vì những mục tiêu lâu dài. Theo đánh giá chung, sau 7 năm thành lập, công tác quy hoạch chính là một trong những kết quả nổi bật. Nhiều quy hoach quan trọng đã được lập và phê duyệt, như quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế, quy hoạch các phân khu chức năng và nhiều quy hoạch chi tiết khác. Thông tin cũng đã được công bố kịp thời, phân định rỏ các khu vực, tạo điều kiện để người dân chủ động, yên tâm, sản xuất. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng cũng đã từng bước được hoàn thiện. Hiện nay, hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện, các hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, môi trường đáp ứng được nhu cầu của người dân và nhà đầu tư.

Tuy vậy, cũng như nhiều khu kinh tế ven biển khác của cả nước, Chân Mây-Lăng Cô đang phải đối mặt với những thách thức thật sự, đặc biệt là trong việc huy động vốn. Nhiều dự án đình trệ, nhiều diện tích đất quy hoạch vẫn chưa thể lấp đầy đã khiến Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô kém sức sống. Theo ban quản lý Chân Mây – Lăng Cô thì đã có trên 30 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn gần 35,5 nghìn tỷ đồng và hơn 2,2 tỷ USD; tuy nhiên số vốn thực hiện chỉ mới dừng ở mức độ khiêm tốn với khoảng 1/7 so với vốn đăng ký tiền Việt và 1/10 so với vốn đăng ký bằng USD.

Ông Hồ Sĩ Nguyên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cho biết đối với các nhà đầu tư gặp khó khăn, Ban Quản lý đã có nhiều chính sách nhằm tháo gỡ; tuy nhiên, đối với các dự án không thể tiếp tục, Ban quản lý kiên quyết thu hồi. Sau 4 dự án đã thu hồ, sắp đến, Ban cũng sẽ tiếp tục thu hồi thêm 5 dự án nữa. Trong 5 dự án thuộc diện thu hồi thì có đến 4 dự án 100% vốn đầu tư trong nước và đều là các dự án du lịch nghĩ dưỡng. Điều này cũng cho thấy phần nào năng lực đầu tư của các doanh nghiệp trong nước tại thời điểm này. Cùng với việc thu hồi các dự án, Ban quản lý Khu kinh tế cũng đã tiến hành rà soát, thực hiện ký quỹ đầu tư, cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư cũng đã được chú trọng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, đã có 7 nhà đầu tư nước ngoài và 5 nhà đầu tư trong nước đến tìm hiểu về cơ hội đầu tư ở các lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu đô thị, khu công nghiệp, khu phi thuế quan và du lịch. Đây là những tín hiệu cũng như động lực cho sự phát triển và sự lan tỏa của Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô trong thời gian tới.    

Với một mô hình phát triển tầm cở như Chân Mây-Lăng Cô thì để thành công, ngoài những nỗ lực của địa phương và giới đầu tư, thì cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của Chính phủ, các Bộ, ngành TW, nhất là trong việc mạnh dạn thực thi nhiều giải pháp đột phá hơn nữa từ cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư cho phát triển. Có như vậy, Chân Mây – Lăng Cô mới có đủ điều kiện để trở thành vùng kinh tế động lực, là hạt nhân tăng trưởng của TT Huế và của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian đến.

Biên Cương  (TRT)


Tin tức liên quan