Tin tức

Hội Doanh Nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị 9 vấn đề trong buổi làm việc với đoàn Khảo sát Văn phòng Chính phủ

Hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị 9 vấn đề liên quan liên quan đến môi trường đầu tư. kinh doanh.

                Ngày 04/11/2010 Tại văn phòng UBND tỉnh Hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với Đoàn khảo sát cua Văn phòng Chính phủ liên quan đến tình hình triển khai thực hiện các quy định pháp luật tại địa phương liên quan đến môi trường đầu tư. kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh..

Ông Đinh Dũng Sỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế VP Chính phủ.

    1-Về triển khai văn bản pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh:

     + Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh luôn được tiếp nhận thông tin phổ biến từ UBND tỉnh và các ngành Sở, ngành liên quan như: Ngân hàng, Thuế, Hải quan, Tài chính, Tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, Công thương, Lao động...Hầu hết các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, SXKD của doanh nghiệp đều được tỉnh và các ngành triển khai với doanh nghiệp, thông qua:
    - Tổ chức Hội nghi quán triệt của tỉnh.
    - Hội nghị phổ biến văn bản pháp luật của các Sở, Ban, Ngành.
    - Qua các phương tiện thông tin trên báo chí, phát thanh truyền hình của tỉnh và TW.
    - Qua các lần gặp mặt, đối thoại của tỉnh với doanh nghiệp.
    - Qua việc triển khai sinh hoạt chuyên đề thông tin kinh tế do Hội doanh nghiệp phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp tổ chức.
    - Qua cổng thông tin điện tử của tỉnh và Website của Hội doanh nghiệp tỉnh, của các ngành...

Ông Nguyễn Mậu Chi Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh làm việc với Đoàn

     2- Về những hoạt động tạo điều kiện của tỉnh trong triển khai thực hiện “Chương trình trọng điểm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp”: Hội doanh nghiệp và công đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh hết sức trân trọng những chủ trương, chính sách của tỉnh nhằm không ngừng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là thông qua:
      + Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30. Tỉnh đã tổ chức làm rất mạnh việc cải cách các thủ tục hành chính, tập trung ở các lĩnh vực: về cải thiện môi trường đầu tư, về đất đai, về đăng ký kinh doanh, về thuế, hải quan, tín dụng...Qua thăm dò, đa số các ý kiến của doanh nghiệp đều thống nhất đánh giá cao về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh về sự quan tâm tạo điều kiện về nhiều mặt đối với hoạt động SXKD của doanh nghiệp các thành phần kinh tế trên địa bàn. Chẳng hạn như đã tạo điều kiện về cải cách các thủ tục hành chính theo đề án 30 của tỉnh (Hội doanh nghiệp tỉnh cũng đã cử 5 chuyên gia của Hội tham gia vào quá trình thực hiện nhiệm vụ hết sức thiết thực này của tỉnh và qua thông tin từ các chuyên gia, chúng tôi biết lãnh đạo tỉnh đã có quyết tâm rất lớn trong chỉ đạo thực hiện chủ trương này); Tỉnh và các ngành chức năng như Thuế, Hải quan, tài chính, kế hoạch đầu tư, các ngân hàng...
      + Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các Hội, Hiệp Hội doanh nghiệp (Hiện trên địa bàn tỉnh ngoài Hội Doanh nghiệp tỉnh, còn có Hội doanh nghiệp trẻ, Hiệp hội du lịch, Hiệp hội khai thá đá, Hiệp hội nuôi tôm, Liên minh các HTX...)
      + Chỉ đạo thành lập các cơ chế về thành lập Trung tâm thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, Thư viện doanh nhân.
      + Hỗ trợ Hội doanh nghiệp về kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp...
      + Đã quan tâm triển khai thực hiện chu đáo các chủ trương kích cầu của Nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các gói hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn, việc bảo lãnh tín dụng, miễn giảm thuế ...theo các Quyết định 131, 443, 497 của Chính phủ. Đến cuối năm, đã có gần 3000 khách hàng là doanh nghiệp, hộ SXKD cá thể và nông dân đã được vay số kinh phí hơn 2.570 tỷ đồng theo chủ trương giảm lãi suất 4%/năm để có điều kiện ổn định, phát triển SXKD. Tổng số lãi suất Nhà nước đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện chủ trương này năm 2009 là gần 48 tỷ đồng. Có thể nói dây là những sự hỗ trợ quá thiết thực từ nhà nước TW cũng như địa phương, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để đứng vững trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
      + Quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho Hội doanh nghiệp tỉnh thành lập các tổ chức của người sử dụng lao động như: Hội đồng người sử dụng lao động, tham gia Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh... để góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của giới sử dung lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế như tinh thần Chỉ thị 22/CT-BBT của Ban Bí thư TW Đảng, Quyết định 1129/QĐ-CP của Chính phủ và theo quy định của pháp luật lao động.

           3- Những ý kiến góp ý của doanh nghiệp trong triển khai thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh liên quan đến doanh nghiệp:

   Bên cạnh những ý kiến phản ảnh thuận lợi còn có một số khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp kiến nghị nhằm giúp cho hoạt động của các doanh nghiệp thuận lợi hơn, cụ thể là:

          3.1- Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 4000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nhưng đa phần là DN tư nhân vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Phần lớn các doanh nghiệp này không tiếp cận được những chủ trương chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Một phần do các doanh nghiệp này năng lực còn hạn chế lại thiếu tích cực, chủ động quan hệ để được sự hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ trong kinh doanh; nhưng phần khác là thiếu sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp các ngành liên quan.Vì vậy không lớn lên được do khó phát triển năng lực SXKD (Đa phần các doanh nghiệp này tự xoay xở về vốn, kể cả việc vay nóng vì các tổ chức tín dụng thiếu tin tưởng vào khả năng trả nợ vay. Ít được tuyên truyền phổ biến chủ trương chính sách, nhất là chính sách về kinh tế của Nhà nước. Không có tổ chức bảo lãnh về năng lực kinh doanh để được vay vốn ngân hàng, không được tư vấn về kinh nghiệm lập Dự án...). Tóm lại là chưa có vị trí để được tin cậy trong giao dịch thương mại, chưa được Nhà nước quan tâm một cách đầy đủ và có trách nhiệm nên tầm hoạt động vẫn nhỏ và siêu nhỏ, trong lúc đây là lực lượng doanh nghiệp số đông có đóng góp lớn về giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động, nộp thuế nhiều và có đóng góp nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh.
Nhân buổi làm việc hôm nay, là tổ chức đại diện cho lợi ích của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chúng tôi kiến nghị TW và tỉnh cần có các chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp nhỏ còn khó khăn. Đó cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu và tạo công ăn việc làm. Nghiên cứu để tham mưu với Nhà nước ban hành thêm một số chính sáh ưu đãi đặc biệt cho đối tượng doanh nghiệp này. Chẳng hạn như có chính sách ưu đãi về vay vốn SXKD như đã làm với đối tượng học sinh, sinh viên nghèo được vay tiền ăn học, như chương trình 120 cho hộ nghèo vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình...hoặc có chủ trương chỉ định một cơ quan Nhà nước ở cấp tỉnh giúp các doanh nghiệp nhỏ viết dự án SXKD mà họ đang có ý tưởng nhưng không có năng lực, nhân lực để hình thành ra được, hoặc có những chính sách khuyến công, khuyến thương, hỗ trợ năng lực SXKD với những thủ tục đơn giản nhất...

           3.2- Thứ hai là thời gian qua, một trong những chủ trương rất thiết thực của Nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ có điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển SXKD, đó là việc quy định Ngân hàng phát triển có trách nhiệm tham mưu để phát hành chứng thư bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp được vay vốn bằng hình thức tín chấp của ngân hàng phát triển. Nhưng nhìn chung thủ tục quy định quá rườm rà, nếu không muốn nói là quá khắt khe, nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận với sự hỗ trợ này. Theo tìm hiểu của Hội DN tỉnh thì năm 2009 trên địa bàn tỉnh chỉ có 14 doanh nghiệp được bảo lãnh là quá ít so với hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu. Đề nghị Nhà nước, tỉnh và Ngân hàng phát triển VN cần nghiên cứu để giảm bớt các thủ tục trong bảo lãnh, tín chấp.
3.3- Nhiều doanh nghiệp đề nghị tỉnh và các ngành quản lý chức năng cần kiểm tra chấn chỉnh việc thực hiện chủ trương “1 cửa” ở nhiều cơ quan công quyền từ xã đến tỉnh. Hiện nay còn có tình trạng phổ biến là “1 cửa nhưng nhiều khóa”. Các doanh nghiệp đi lại nhiều lần nhưng vẫn không giải quyết được việc vì cứ phải bổ sung thủ tục. Đề nghị các cơ quan này khi tiếp nhận hồ sơ, nếu thiếu thủ tục, chỉ nên hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung toàn bộ 1 lần thôi, tránh tình trạng khi đến hẹn vẫn chưa được giải quyết mà cần bổ sung thêm thủ tục là rất phiền hà và lãng phí thời gian đối với doanh nghiệp. 3.4- Một số doanh nghiệp vận tải công nghiệp phản ảnh sự bất lợi khi phải qua trạm thu phí đường bộ đặt ở giữa tỉnh (khu vực phía nam Phú Bài) và đề nghị tỉnh can thiệp với Cục quản lý đường bộ và Khu quản lý đường bộ 4 để chuyển trạm thu phí này ra đặt phía bắc của tỉnh thuộc huyện Phong Điền thì hợp lý hơn.

         3.4- Có Doanh nghiệp vận tải công nghiệp phản ảnh và cũng là nguyện vọng chung của nhân dân mong muốn tỉnh quan hệ với TW và các ngành liên quan để sớm khởi công các dự án thông hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia. Hiện nay, nghe nói đã có chủ trương của TW hoặc liên kết với các chủ đầu tư để thực hiện dự án này theo mô hình BOT, nhưng thấy chưa có động tỉnh gì, nên đề nghị tỉnh cần có sự khởi động dự án này sớm.

        3.5- Có doanh nghiệp đề nghị tỉnh, ngành tư pháp và thi hành án cần có sự chỉ đạo việc thi hành án nghiêm túc hơn để khỏi thiệt thòi cho doanh nghiệp bị hại. Hiện nay có tình trạng bản án đã được tòa tuyên, nhưng phần thi hành án về bồi thường thiệt hại không được thực hiện nghiêm, cứ dây dưa kéo dài.

         3.6- Một số doanh nghiệp có chức năng khai thác khoáng sản, khai thác mỏ đá xây dựng có ý kiến đề nghị tăng thời gian cho phép hoạt động của giấy phép thăm dò khai thác mỏ. Vì hiện nay thời gian cấp đất cấp mỏ là 50 năm, nhưng giấy phép thăm dò khai thác chỉ có thời hạn 3 năm, nên các doanh nghiệp không dám bỏ vốn đầu tư máy móc thiết bị, đề nghị nên tăng thời hạn cho phép lên khoảng 20 năm để phù hợp với trữ lượng khai thác.

        3.7- Một số doanh nghiệp phản ảnh về viêc, tuy đã có các quy định của Luật thi đua khen thưởng, nhưng việc có quá nhiều cơ quan tổ chức ra các giải thưởng vinh danh đối với doanh nghiệp làm hiệu quả thực thi Luật thi đua khen thưởng không cao, gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp.

        3.8- Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp du lịch đang gặp vướng mắc trong vấn đề hóa đơn. Theo quy định, trong các họat động kinh doanh đều phải có hóa đơn kể cả kinh doanh dịch vụ. Về nguyên tắc, thanh toán bất kỳ một khoản nào đều phải xuất hóa đơn nhưng thực tế khi các doanh nghiệp chi bồi dưỡng cho những họat động biểu diễn nghệ thuật (ca Huế, ca nhạc...) thì những người này không thể xuất hóa đơn vì thực tế họ không có. Điều này dẫn đến tình huống khi các doanh nghiệp làm việc với cơ quan thuế hoặc cơ quan kiểm toán họ đều yêu cầu các trường hợp trên phải có hóa đơn. Từ thực tế như vậy, đề nghị Tỉnh cần có chủ trương, chính sách hợp lý để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vướng mắc này.

       Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nêu tại Điều 3 Quy định này hoặc tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 8/12/2005 của Chính phủ. Nhưng trên thực tế chúng tôi nhiều DN phải nộp thuế cho những trang thiết bị nhập khẩu.

Với trách nhiệm được tỉnh giao, Hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế xin báo cáo một số ý kiến đã tổng hợp từ phản ảnh của các doanh nghiệp như đã nêu ở trên.

 


Tin tức liên quan