Những doanh nhân vun đắp nghĩa tình Việt - Lào
Ngày cập nhật 20/02/2013 08:09
Đã có những doanh nhân Việt đầu tư, kinh doanh thành công trên đất bạn Lào, và cũng có những người dân Lào làm ăn thuận lợi trong sẻ chia của cộng đồng người Việt. Hoạt động sản xuất kinh doanh, buôn bán, giao thương không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cả hai nước mà càng làm gắn kết thêm tình cảm Việt-Lào.
Tập đoàn Scavi chuyên về hàng may mặc, có nhiều nhà máy tại Việt Nam (nhà máy chính ở Biên Hòa) và các nước khác. Đây là một tập đoàn quốc tế, nhưng những người lãnh đạo tập đoàn là Việt kiều và người Việt Nam (gốc Thừa Thiên Huế). Ngoài lý do được hưởng ưu đãi trong chính sách kinh doanh, với tình cảm đặc biệt của người Việt đối với đất nước anh em gần gũi, thân thiện, nên Lào là miền đất họ chọn đầu tư nhà máy…
|
Công nhân nhà máy Scavi-Lào chăm chỉ làm việc
|
Yên tâm phát triển
Bà Trần Thị Mộc Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Scavi kiêm Tổng Giám đốc Scavi –Huế (nguyên TGĐ Tập đoàn Scavi từ năm 1992 đến 2007) cho biết: Thời điểm năm 1998, ngành may công nghiệp của Lào còn thô sơ. Nhưng bù lại, với chính sách ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà các nước phát triển như khối EU, Canada dành cho Lào và chính sách thu hút đầu tư cởi mở, cầu tiến, Chính phủ Lào đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có thể yên tâm xây dựng và phát triển kỹ nghệ may mặc thành công tại Lào.
Vào thời điểm Scavi - Lào bắt đầu triển khai dự án đầu tư nhà máy tại Vientiane - Lào, nền tảng văn hóa và tác phong công nghiệp chưa được hình thành sâu sắc trong tư duy của người lao động Lào. Scavi Lào đã từng bước khắc phục khó khăn bằng những kế hoạch triển khai công nghệ từng phần, đồng thời phát huy mọi sáng kiến để đào tạo và giúp người lao động đi vào quy củ của một tổ chức công nghiệp, bằng những chính sách nhân bản cao cấp và những trải nghiệm thực tế sâu sắc của một tổ chức kỹ nghệ chuyên nghiệp. Sau hơn 10 năm thành lập, Scavi Lào đã tạo dựng được một nhà máy quy củ, hoạt động hiệu quả, với minh chứng là số lượng khách hàng tiềm năng đã phủ kín năng lực toàn nhà máy. Từ khoảng 300-500 công nhân năm 2000, nay Scavi Lào giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động.
Ngoài những hoạt động từ thiện, công ích trong khả năng có thể, đóng góp quan trọng nhất của Scavi Lào, là đem lại một công nghệ may mặc thời trang có trị giá gia tăng cao cấp, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội nơi đây. “Trong hơn 10 năm đầu tư tại Lào, chúng tôi cảm nhận sâu sắc về tính cách nhân hậu hiền hòa, hiếu khách, thật thà mộc mạc của người Lào. Đó là một trong những điểm mạnh để chúng tôi yên tâm phát triển đầu tư tại đất nước này”- Bà Trần Thị Mộc Lan chia sẻ.
Cùng chung suy nghĩ và cảm nhận về tình cảm thân thiện, nhân hậu… của người dân, đất nước Lào, ông Lê Minh Lợi, Phó Chủ tịch Hội Việt - Lào, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Thừa Thiên Huế, Giám đốc Xí nghiệp Thành Lợi phấn chấn: “Ngoài lý do kinh tế, những chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư, tình đoàn kết, hữu nghị và gần gũi thân thương Việt - Lào, khiến chúng tôi muốn làm một điều gì đó trên đất nước này”. Hiện Thành Lợi đã bắt đầu việc san lấp mặt bằng còn hoang sơ, để xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa tại Khu kinh tế Thương mại biên giới Densavanh-Savanakhet-Lào. “Ban đầu, nhà máy cần khoảng 140 kỹ sư, công nhân. Chúng tôi sẽ ưu tiên tuyển dụng hầu hết là người địa phương. Người dân Lào rất phấn khởi đón nhận điều này” - Ông Lợi khẳng định. Cùng Thành Lợi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nước khác cũng đang đầu tư vào vùng này, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, dân trí của đất nước Lào anh em.
Xây những nghĩa tình
Doanh nhân Lê Minh Lợi xem nhân tố con người là những “viên gạch” quan trọng trong quá trình xây dựng vững chắc và phát triển nhà máy. Với tình cảm dành cho bạn, doanh nghiệp ông tuyển chọn rất nhiều sinh viên, lưu học sinh Lào, về làm tại đơn vị. Sau khi tiếp nhận, đơn vị đưa họ đi TP Hồ Chí Minh bồi dưỡng những khóa về quản lý, kỹ thuật, xuất nhập khẩu, để sau này các em sẽ làm tại nhà máy. “Các em thông minh, chăm chỉ, có ý chí và tiềm năng…” - Ông Lợi tự hào nhận xét.
Không chỉ các doanh nhân mà nhiều người dân Thừa Thiên Huế, qua nước bạn Lào làm ăn buôn bán, làm thợ nề, thợ mộc, bán hàng ăn… và ăn nên làm ra. Nhiều thế hệ lưu học sinh Lào học tập ở Huế, khi quay về phục vụ đất nước mình, không chỉ "giàu" hơn bởi kiến thức, kỹ thuật khoa học mà còn bởi ân tình của mảnh đất, người dân Thừa Thiên Huế. Những con người đó, tình cảm đó, là cầu nối vững chắc, góp phần xây đắp tình hữu nghị Việt-Lào.
|
Từ những lời kể giản dị về công việc, những dự tính tương lai, những bày tỏ nồng ấm đối với các bạn trẻ Lào, liên kết lại, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, doanh nhân Lê Minh Lợi và đơn vị của ông không đơn giản chỉ đang xây dựng một (hoặc trong tương lai có thể nhiều) nhà máy sản xuất hạt nhựa xuất khẩu, những mặt hàng khác, trên đất Lào, thu về lợi nhuận, thúc đẩy phát triển kinh tế cho cả hai nước, mà đồng thời đang trong quá trình đặt các viên gạch vững chắc góp phần xây những nghĩa tình.
Ông Lợi cho biết, khoảng tháng 5/2013, nhà máy ở Lào sẽ đi vào hoạt động. Những bạn trẻ Lào mà Thành Lợi đã đầu tư đào tạo, sẽ đảm nhận một số vị trí quan trọng trong nhà máy, sát cánh bên các kỹ sư Việt và đội ngũ công nhân địa phương, sản xuất ra sản phẩm. Ông Lợi nói chắc nịch về một tương lai rất gần: “Rồi đến lúc chúng tôi giao lại việc điều hành nhà máy cho những bạn trẻ Lào. Tôi tin họ là rường cột, giữ vững và phát triển “đứa con” tâm huyết của tôi cùng toàn thể đơn vị”!
Nhân tố con người mà Thành Lợi đầu tư đào tạo từ bắt đầu “trứng nước” chắc chắn làm tốt vai trò rường cột, để cùng đội ngũ công nhân Lào từng bước phát triển nhà máy, sản phẩm. Bởi điều đó không chỉ đồng nghĩa với việc phát triển đời sống kinh tế, của từng gia đình nói riêng cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội mảnh đất Densavanh-Savanakhet-Lào, mà còn là sự tri ân với niềm tin và tình cảm tốt đẹp của những người bạn Việt.
Quỳnh Anh (TTH)