Phong Điền đang là điểm đến của các nhà đầu tư
Cập nhật 08:52 15/05/13 AM
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nhà máy, xí nghiệp đến đầu tư tại huyện Phong Điền, tạo đà cho địa phương phát triển theo hướng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – thương mại và dịch vụ.
Khi nhà đầu tư lựa chọn
Những ngày này, nhiều hạng mục công trình xây dựng khu nhà máy chế biến đông lạnh thủy sản tại KCN Phong Điền đã và đang gấp rút thực hiện. Để đáp ứng công suất chế biến 9.000 tấn tôm thành phẩm/năm, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (chủ đầu tư) tiến hành xây dựng 3 khu nuôi tôm, với quy mô khoảng 200 ha tại các xã: Điền Hương, Điền Môn và Điền Lộc.
 |
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đang là thế mạnh của Phong Điền được nhiều nhà đầu tư hướng đến
|
Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Nguyễn Đại Vui cho biết: Việc Công ty cổ phần CP “Việt Nam đầu tư 24 triệu USD để xây dựng nhà máy, khu nuôi tôm trên địa bàn huyện là điều kiện thuận lợi và là động lực để thúc đẩy nền công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp huyện phát triển”.
Đến thời điểm này, tiến độ xây dựng nhà máy chế biến đông lạnh thủy sản tại KCN Phong Điền đã đạt 80% khối lượng công việc. Dự kiến, nhà máy vào hoạt động vào tháng 7-2013 tới. Ưu tiên lao động tại chỗ, đến nay, Công ty cổ phần CP Việt Nam tuyển dụng được 364 lao động/500 lao động theo kế hoạch. Khu nuôi tôm ở Điền Hương, Điền Môn và Điền Lộc cũng đang trong quá trình gấp rút xây dựng. Tính đến thời điểm hiện nay, Công ty cổ phần CP Việt Nam đầu tư khoảng 250 tỷ đồng, tiến độ xây dựng đạt 70% khối lượng công việc.
Thấy được tiềm năng, lợi thế của Phong Điền, Công ty CP Đầu tư Chuyển giao Worldtech đã không ngần ngại khi đầu tư xây dựng tổ hợp nhà máy pin mặt trời tại KCN Phong Điền, với nguồn vốn 300 triệu USD (tương đương 6.247,5 tỷ đồng. Đây không chỉ là một dự án lớn, mà còn là dự án đầu tiên của tỉnh có sự hợp tác của nhà đầu tư đến từ các nước tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất có quy mô lớn về nguồn vốn, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng về mặt công nghệ, môi trường; là dự án công nghệ cao sản xuất ra các sản phẩm công nghệ sạch, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để phát điện, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Việc triển khai thành công dự án sẽ mở ra một triển vọng mới cho ngành công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu các sản phẩm từ vùng nguyên liệu vùng cát trắng ở Phong Điền.
Một số nhà máy chế biến khoáng sản cũng đã và đang tích cực đầu tư xây dựng tại KCN Phong Điền hứa hẹn những tín hiệu khả quan, như: Công ty Bản Toàn A, sản xuất sợi thủy tinh; Công ty TNHH khoáng sản Khánh Hòa - Huế, sản xuất thủy tinh lỏng; Công ty NaNo silica, sản xuất sợi thủy tinh. Đồng loạt các nhà máy hoạt động trong thời gian tới sẽ là động lực để Phong Điền phát triển kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – thương mại và dịch vụ. Đây được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu mà Phong Điền đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mình.
Cơ chế, động lực thúc đẩy phát triển
Mới đây, qua kiểm tra tiến độ xây dựng Khu nhà máy chế biến đông lạnh thủy sản và Tổ hợp nhà máy pin mặt trời tại KCN Phong Điền, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định: Tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất về mặt chính sách, môi trường đầu tư cho việc triển khai dự án; Ban Quản lý các KCN tỉnh và các sở, ngành chức năng liên quan, UBND huyện Phong Điền, nhân dân địa phương tiếp tục quan tâm phối hợp hỗ trợ, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh các thủ tục cấp điện, nước, đảm bảo an ninh trật tự… để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, các đối tác và các nhà thầu trong quá trình triển khai thi công xây dựng công trình.
Biện pháp thu hút các dự án vào KCN Phong Điền là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tăng cường các dịch vụ tư vấn hỗ trợ cho các nhà đầu tư, đặc biệt, là công tác đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho các dự án và các doanh nghiệp trong KCN.
“Thời gian qua, UBND huyện luôn tích cực phối hợp với các đơn vị, ban, ngành để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho các dự án đầu tư xây dựng ở KCN. Đồng thời, đồng thời huy động các nguồn vốn, để xây dựng các hạ tầng ngoài hàng rào, phục vụ cho các dự án trong KCN. Mặt bằng, đường giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải... là những hạng mục quan trọng mà KCN Phong Điền hướng đến, nhằm đảm bảo tính đồng bộ cho kết cấu hạ tầng KCN. Đó cũng là cách để góp phần khắc phục những khó khăn trong thu hút đầu tư, nhằm xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, đáp ứng cho sự phát triển của ngành công nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đại Vui cho biết thêm.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, KCN Phong Điền sẽ mở rộng quy mô lên 700 ha. Đây là khu công nghiệp tổng hợp, chủ yếu bố trí các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, ưu tiên cho ngành sản xuất và chế biến cát... UBND huyện Phong Điền cũng đã có những chính sách thông thoáng để thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, xây dựng hạ tầng trong KCN, gắn đào tạo nghề với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, để cung cấp lao động cho các cơ sở công nghiệp; tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
|
Theo Anh Phong (Baothuathienhue.vn)