Tin tức

Hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ
 
Ngày cập nhật 20/05/2013 07:54 AM
 
Ngày 29/5, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 9. Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; trước đó, Quốc hội được nghe trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tiếp công dân.

Cho phù hợp với thực tiễn

Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 3 tháng 6 năm 2008 thay thế cho Luật thuế TNDN (sửa đổi) năm 2003, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009. Qua 4 năm thực hiện, Luật Thuế TNDN đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và việc sửa đổi hệ thống chính sách pháp luật liên quan, một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, có điểm không phù hợp với thực tiễn, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Ông Trần Đình Nhã, Đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi thảo luận

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đề nghị bổ sung vào Dự thảo luật các nội dung về ưu đãi thuế TNDN hiện đang được quy định cụ thể ở các luật chuyên ngành. Quy định mức thuế suất ưu đãi cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực mà các luật chuyên ngành đang quy định ở mức ưu đãi chung chung (như “ưu đãi ở mức cao nhất”), bảo đảm tính khả thi của Luật. 

Bổ sung quy định ưu đãi cao nhất cho các đối tượng là hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp, các ngành nghề cần khuyến khích như miễn thuế đối với sản xuất muối, đánh bắt hải sản, áp dụng thuế suất 10% hoặc 20% đối với một số doanh nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn,...

Việc áp dụng từ 01/7/2013, các quy định hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội là những doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để cùng với hệ thống các giải pháp khác góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho người nghèo có nhà ở.

Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm đón tiếp công dân

Các địa phương, cơ quan, đơn vị, ban, ngành cần phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân. Đây là một trong những nội dung chính của Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tiếp công dân do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày.

Đóng góp vào dự án Luật Tiếp công dân, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, cần xác định việc tiếp công dân là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức công tác tiếp công dân. Các đơn vị, phòng, ban cũng như cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức này cũng có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân theo phân công, điều hành của người đứng đầu.

Tuy nhiên, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội còn băn khoăn về việc quy định cứng về định kỳ tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tại Điều 10 của dự thảo Luật. Mặc dù dự thảo Luật lần này đã chia ra nhiều mức quy định về thời gian định kỳ trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, song quy định này chưa xác định rõ mục đích tiếp công dân của người đứng đầu (để trực tiếp giải quyết hay chỉ để nắm tình hình thực tế hoặc chỉ đơn thuần tiếp nhận, giải tỏa bức xúc của công dân như các hoạt động tiếp công dân thường xuyên).

Trên thực tế, số lượng người dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các cơ quan, tổ chức có sự khác biệt khá lớn. Nếu quy định cứng việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải dành một ngày hay một buổi trong một tháng để trực tiếp tiếp công dân là không phù hợp với thực tế, thiếu tính linh hoạt và cũng không thực sự hiệu quả.

Để các buổi tiếp công dân thu được kết quả thì bộ phận chuyên môn, giúp việc đã phải tiếp cận và có nghiên cứu, chuẩn bị trước về các vấn đề người dân nêu ra. Do đó, quan điểm coi việc tiếp công dân theo hình thức này là hoạt động tiếp công dân theo nghĩa tiếp nhận ban đầu (như dự thảo Luật Tiếp công dân đang điều chỉnh) hay là một khâu trong quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (như đang điều chỉnh trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo...) là vấn đề cần được tiếp tục cân nhắc.

Thái Bình (Báo TTH)

 


Tin tức liên quan