Tin tức

Chính phủ báo cáo Quốc hội: 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ra nước ngoài gần 4 tỷ USD

Chính phủ báo cáo Quốc hội: 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ra nước ngoài gần 4 tỷ USD
 


        Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2009/NQ-QH12 ngày 27-11-2009, ban hành sau khi QH giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2009), báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

        Bản báo cáo đã đánh giá khá cụ thể tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (không bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Tàu

        Theo đó, tính đến ngày 30-6-2010, vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty là 572.582 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 3,8% so với thực hiện năm 2009. Doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty đến hết tháng 6-2010 đạt 732.761 tỷ đồng, bằng 58,6% kế hoạch năm 2010. Cùng kỳ, lợi nhuận đạt 43.865 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm. Tính đến ngày 30-6-2010, có 16 tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra nước ngoài với tổng giá trị gần 4 tỷ USD.

 

Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng xuất khẩu tại cảng Cát Lái. Ảnh: CAO THĂNG

        Về cơ bản, Chính phủ nhận định, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có sự đổi mới về năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động, giữ được vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước trong nền kinh tế. Tuy nhiên, chức năng đại diện chủ sở hữu còn phân tán, chồng chéo nên trách nhiệm trong quản lý chưa rõ ràng. Do vậy, những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước thường chỉ được phát hiện sau khi thanh tra, kiểm tra hoặc có khiếu nại, tố cáo. Công tác thanh tra, kiểm toán Nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty còn chồng chéo...

      Cũng theo đánh giá của Chính phủ, số tiền mà các tập đoàn, tổng công ty tham gia góp vốn vào ngân hàng thương mại cổ phần, công ty chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… là khá lớn, song không hiệu quả trong ngắn hạn; bất hợp lý trong điều kiện nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính còn hạn chế.

    Chính phủ thẳng thắn công nhận, một hạn chế quan trọng nữa là chưa có chế tài và chưa kiên quyết xử lý những doanh nghiệp không báo cáo đầy đủ, kịp thời hoặc nhiều năm liên tục có sai sót trong công tác quản lý, điều hành bị xếp loại doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ; chưa thực sự gắn năng lực lãnh đạo với vị trí công tác nên một số tổng công ty kinh doanh thua lỗ liên tục, kéo dài nhưng hội đồng quản trị, tổng giám đốc không bị xử lý trách nhiệm, miễn nhiệm hoặc bị cách chức.

Bảo Vân (SGGP)


Tin tức liên quan