Tin tức

Thu hút nguồn vốn FDI: Phải biết cách làm mới
Thu hút nguồn vốn FDI: Phải biết cách làm mới
 
Ngày cập nhật 16/07/2013 08:48

Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thu hút vốn FDI theo hướng chọn lọc...
 
Chưa mang tính đột phá
 
Trong những năm qua, công tác xúc tiến đầu tư ở Thừa Thiên Huế có chuyển biến tích cực và hướng mạnh vào các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Anh Lê Đình Khánh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, đến nay trên địa bàn thu hút 67 dự án nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 2 tỷ USD; đặc biệt giai đoạn 2006-2013 đã thu hút 49 dự án. Trong đó, nhiều dự án lớn vừa góp phần thay đổi diện mạo vùng đất Cố đô, vừa là minh chứng sống động nâng tầm thương hiệu của Huế, tạo sự yên tâm cho nhiều nhà đầu tư mới. Điển hình như Dự án Laguna Lăng Cô với vốn đăng ký 875 triệu USD, dự án Du Lịch Bãi Chuối 100 triệu USD, dự án sân golf Lập An 299 triệu USD, dự án Nhà máy may Hanesbrands Việt Nam với 30 triệu USD, Nhà máy Scavi với 14 triệu USD, dự án Siêu thị Big C Huế 17,5 triệu USD; dự án nuôi trồng và chế biến thủy sản của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đầu tư 30 triệu USD.
 
Laguna Lăng Cô - một dự án FDI tạo thương hiệu Du lịch sinh thái cho Thừa Thiên Huế
 
Kết quả trên thể hiện tính tích cực trong chỉ đạo, đổi mới cơ chế và vận dụng linh hoạt để đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại. Thừa Thiên Huế xây dựng các mối quan hệ đối ngoại nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, như kết nghĩa với các TP lớn của Hồng Kông (TQ), Hàn Quốc, Singapore… để quảng bá, xúc tiến, lập dự án gọi vốn gửi đến các DN, tập đoàn lớn của nước ngoài. 
 
Tuy có nhiều lợi thế nhưng Thừa Thiên Huế vẫn đứng trước nhiều thách thức trong thu hút các dự án FDI. Các dự án thu hút được có quy mô tương đối nhỏ, chưa mang tính đột phá góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phần lớn FDI vào Thừa Thiên Huế tập trung vào lĩnh vực du lịch, công nghiệp, xây dựng; chưa có nhiều dự án mang hàm lượng công nghệ cao. Thừa Thiên Huế chưa thu hút mạnh các dự án đến từ các nước châu Âu, như: Ý, Đức, Thuỵ Sĩ...
 
Bối cảnh lạm phát đã khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng như tại Thừa Thiên Huế có dấu hiệu thu hẹp, các nhà đầu tư hạn chế mở rộng hoặc phải thận trọng hơn khi triển khai các dự án mới. Mặt khác, hạ tầng ở trên địa bàn dù được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đồng bộ làm cho Huế kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, như hệ thống đường giao thông, cảng biển...
 
Tận dụng các lợi thế
 
Việc thu hút vốn FDI ở Thừa Thiên Huế xếp thứ 22 so với cả nước. Bình quân, mỗi dự án đăng ký 29,69 triệu USD, cao hơn mức bình quân chung của Việt Nam là 14,5 triệu USD/dự án nhưng thấp so với vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền trung 52,7 triệu USD/dự án. Doanh thu của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng bình quân hàng năm 17,2%, dự kiến năm 2013 đạt 10.100 tỷ đồng và nộp ngân sách dự kiến 1.300 tỷ đồng; giải quyết việc làm hơn 15.000 lao động.
Tại buổi tọa đàm thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào dịp cuối tháng 6 vừa qua tại Lăng Cô, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH & ĐT đánh giá cao nhiều dự án đầu tư vào Thừa Thiên Huế có hiệu quả. Tiêu biểu như dự án Bia Huế; dự án nhà máy Scavi huyện Phong Điền, Siêu thị Big C Huế.. góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết lượng lao động có việc làm ổn định không chỉ riêng tại địa phương mà cả khu vực miền Trung. Ông Hoàng gợi ý, Thừa Thiên Huế nên quan tâm kêu gọi đầu tư có định hướng phân khúc nguồn vốn FDI đang chảy vào Việt Nam và phù hợp để khai thác tiềm năng lợi ở địa phương về cảnh quan thiên nhiên, vùng đất học giàu nguồn nhân lực, Hơn nữa, phải khắc phục hạn chế về hạ tầng, rộng mở chính sách ưu đãi, tiếp tục tạo các ấn tượng tốt với các nhà đầu tư đang có, qua đó tạo cầu nối kêu gọi nhiều nhà đầu tư khác.
 
Ông Nguyễn Hữu Trân, Trưởng ban Quản lý các Khu Công nghiệp Thừa Thiên Huế đề xuất, Cục Đầu tư nước ngoài quan tâm, tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ địa phương để nâng cao tính chuyên nghiệp trong kêu gọi đầu tư thu hút tốt các dự án FDI hiệu quả trong thời gian tới.
 
Phó Giám đốc Sở KH & ĐT, Lê Đình Khánh cho rằng, định hướng của tỉnh thời gian đến phải cởi mở trong thu hút dự án FDI nhưng phải chọn lọc và tập trung vào lĩnh vực có thế mạnh ở địa phương như du lịch sinh thái biển, đầm phá; dịch vụ cảng biển; hạ tầng đô thị, công nghiệp; chế biến nông lâm thủy sản, giáo dục và đào tạo...Tuy nhiên để khơi thông dòng chảy FDI, Thừa Thiên Huế phải biết tự “làm mới mình”, biết nhà đầu tư cần gì và Thừa Thiên Huế đang có gì để đáp ứng. Làm tất cả điều đó để luôn giữ trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài một hình ảnh Huế hấp dẫn, năng động trong phát triển kinh tế xã hội ở khu vực miền Trung và cả nước.
 
Minh Văn (TTH)

Tin tức liên quan