Không yên vì tiền đất
Nhận được quyết định về việc quy định đơn giá thuê đất đối với thửa đất rộng 13.508m2 của Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang, tọa lạc ở số 51 Lê lợi – TP Huế, ông Nguyễn Quốc Thành – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty không khỏi lo lắng. Trong lúc DN đang gồng mình cắt giảm tối đa mọi chi phí để hoạt động kinh doanh trong thời khó sản xuất, thì nay lại phải gánh thêm tiền thuê đất tăng cao. Năm 2007, đơn giá thuê đất của thửa đất trên chỉ có giá 47.539đ/m2/năm, ổn định trong thời hạn 5 năm. Đến cuối năm 2012, Sở Tài chính đã quy định đơn giá thuê đất cho diện tích này là 69.338đ/m2/năm (trước ngày 1/3/2011) và mức giá 213.346đ/m2/năm từ ngày 1/3/2011 – thời điểm Nghị định 121/2010/NĐ-CP có hiệu lực, đơn giá ổn định trong 5 năm. Như vậy, theo đơn giá mới, tiền thuê đất mà Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang phải nộp tăng hơn 4 lần so với giá cũ.
|
KS Hương Giang, nhìn từ Đập Đá
|
Cũng có tâm trạng như ông Nguyễn Quốc Thành, bà Nguyễn Hoàng Thúy Vy – Tổng thư ký Hiệp hội Khách sạn Thừa Thiên Huế, cho biết: Thấp nhất là Khách sạn Century - được hưởng ưu đãi do có thời gian liên doanh, thì mỗi tháng cũng đã tăng 35 triệu đồng tiền thuê đất, còn các DN khác thì tăng gần 70 triệu đồng/tháng. Mức giá này khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các thành viên trong hiệp hội cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các ban ngành liên quan đề nghị được điều chỉnh phù hợp.
Mục đích của việc điều chỉnh giá thuê đất nhằm để sử dụng hiệu quả tài nguyên đất hơn, tránh lãng phí đất đai. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Thành, việc tăng giá thuê đất ở thời điểm hiện nay là chưa hợp lý khi phần lớn các DN đang chịu tác động trực tiếp của suy thoái kinh tế. Thêm nữa, ông cũng bức xúc: “Tiền thuê đất thì phải nộp một giá cho toàn thửa, trong khi diện tích mà DN được sử dụng vào mục đích kinh doanh chỉ chiếm một tỉ lệ nhất định, số còn lại là cây xanh, cảnh quan... Đó là điều bất hợp lý. Khuôn viên cảnh quan có giá trị sinh lời khác thì cần phải tính giá trị khác, không thể tính chung một đơn giá, nhất là trong điều kiện giá thuê đất tăng cao như hiện nay”.
Cần sự chia sẻ của DN
Ngày 24/6/2013, UBND tỉnh có Quyết định 1154 về việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất năm 2013 và năm 2014 đối với một số tổ chức kinh tế trên địa bàn. Theo đó, thời hạn được gia hạn nộp tiền sử dụng đất được tính trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày phải nộp tiền sử dụng đất ghi trên thông báo của cơ quan thuế và không bị tính phạt chậm nộp. Để được hưởng ưu đãi gia hạn, các DN cần có đủ 3 điều kiện: Được Nhà nước giao đất trực tiếp; Tổ chức kinh tế đã được giao đất để thực hiện nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất do có khó khăn về tài chính; Sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Trình tự, thủ tục và thẩm quyền gia hạn tiền sử dụng đất được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 16/2013/TT-BTC ngày 8/2/2013.
|
Nghị định 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ đã sửa đổi sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. “Theo đó, đơn giá thuê đất theo quy định của Chính phủ đã tăng lên gấp 3 lần so với giá cũ. Thêm vào đó, tại thời điểm này, UBND tỉnh lại có sự điều chỉnh giá đất gần hơn với giá thị trường nên giá thuê đất bị đẩy lên cao, nên các DN phản ứng” - ông Trần Bá Mẫn - Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết.
Về việc DN phải “cào bằng” giá trị 100% diện tích khi nộp tiền thuê đất, ông Trần Bá Mẫn lý giải: Nguyên tắc, khi một cá nhân hay tổ chức thuê đất của Nhà nước, thì toàn bộ thửa đất được tính theo một mục đích sử dụng. Khi đưa ra các quy định đơn giá cho thuê đất, chúng tôi căn cứ vào mục đích sử dụng đất của toàn thửa đất đó để định giá, chứ không phải theo từng phần diện tích cụ thể mà DN sử dụng theo các mục đích khác nhau. Việc người sử dụng được sử dụng tỉ lệ bao nhiêu diện tích trong toàn thửa đất đó cho những mục đích như thế nào, thì lại phải chịu sự quản lý của các thông số quy hoạch xây dựng. Chúng tôi không theo dõi nội dung đó”.
Việc Chính phủ điều chỉnh tiền thuê đất theo Nghị định 121 là phù hợp với chính sách chung về đất đai và xu hướng phát triển chung. Vấn đề là tại thời điểm triển khai thực hiện, thì việc tăng mức thu tiền thuê đất mà các DN phải nộp đã tăng trung bình từ 2-5 lần, trong khi bối cảnh kinh tế lại khó trăm bề chưa thể khuyến khích được DN. Trong đó, chịu tác động nhiều nhất vẫn là những DN hoạt động trong ngành dịch vụ du lịch, do họ thường có diện tích đất lớn, lợi thế mặt tiền lại không nhỏ và tình hình kinh doanh của ngành lại không mấy khả quan. “Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã tham mưu để UBND tỉnh giảm tiền thuê đất cho các DN trong 4 năm liền, từ 2011 đến 2014. Nhà nước không hề gây khó khăn cho các DN và trong điều kiện hiện nay, Nhà nước cũng rất cần sự chia sẻ từ các DN” – ông Trần Bá Mẫn nói.
Cụ thể về việc Nhà nước giảm tiền thuê đất theo đơn giá mới, ông Nguyễn Duyên, Trưởng phòng Quản lý Giá - Công sản (Sở Tài Chính) nói rõ: “Đối tượng được giảm là những DN đang thuê đất của Nhà nước với đơn giá thuê đất theo Nghị định 121 cảu Chính phủ. Các đối tượng được giảm 50% tiền thuê đất trong các năm từ 2011 đến 2014. Nhưng nếu sau khi đã giảm 50% mà số tiền thuê đất vẫn còn cao hơn 2 lần so với số tiền thuê đất năm 2010, thì tiếp tục được giảm đến mức bằng 2 lần tiền thuê đất phải nộp năm 2010”.
Ông Nguyễn Duyên cũng cho biết thêm: Quy định về mức giảm tiền thuê đất nêu trên chỉ là giải pháp tình thế để xử lý cho trường hợp mức giá thuê đất tăng tương đối lớn trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn hiện nay và cũng mới chỉ áp dụng cho các trường hợp đang thuê đất của Nhà nước. Các trường hợp thuê đất mới thì không được giảm tiền thuê đất. Mặt khác, quá trình định giá đất thị trường tính tiền thuê đất rất vướng về thủ tục hành chính, tốn kém vật chất và thời gian thực hiện lại tương đối dài. Do vậy, trong khi Luật Đất đai chưa được sửa đổi, Bộ Tài chính đang tranh thủ ý kiến các địa phương để trình Chính phủ cho phép sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 121 để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.