Quản trị doanh nghiệp

Gói 30.000 tỷ đồng: Những “nút thắt” cần tháo gỡ
Gói 30.000 tỷ đồng: Những “nút thắt” cần tháo gỡ
 
Ngày cập nhật 29/07/2013 07:36
 
Nếu không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, rất có thể chương trình này sẽ không hiệu quả và sai đối tượng.

Với cả chục loại giấy tờ cần xác nhận để làm hồ sơ đăng ký vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, con đường đến được với nhà ở xã hội của người thu nhập thấp dường như bị kéo dài hơn.

Để tháo gỡ bớt rắc rối về thủ tục hành chính, Bộ Xây dựng vừa có quy định mới: Người vay mua nhà ở không phải chứng minh thu nhập. Tuy nhiên, điều này chỉ gỡ vướng một phần. Bởi ngân hàng vẫn phải thẩm định kỹ năng lực mới cho vay. Đến đây, nếu ngân hàng tiếp tục có giải pháp cụ thể để tháo gỡ, thì có thể sẽ đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng này.

 

 
Bộ Xây dựng kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng gói 30.000 tỷ để làm lợi cho cá nhân hoặc bộ phận.

Cách làm ở ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) là một ví dụ. Đến thời điểm này, Vietinbank là ngân hàng giải ngân được nhiều nhất cho khách hàng cá nhân vay tiền mua nhà ở xã hội. Có được sự nhanh chóng trong các thủ tục cho vay là bởi Ngân hàng và Tổng Công ty Viglacera – chủ đầu tư đã ký hợp đồng liên kết toàn diện.

Theo đó, các chi nhánh Vietinbank đều có thể cho khách hàng vay để mua nhà trong dự án của Viglacera, mà không cần phải đi ký trực tiếp với chủ đầu tư, tức là không cần hợp đồng 3 bên.

Chị Phương Thị Thúy ở Hà Nội không vay được ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam vì chưa đạt được thỏa thuận hợp đồng 3 bên, nhưng lại là trường hợp đầu tiên được giải ngân vốn vay tại Vietinbank, chi nhánh Chương Dương.

Chị Thúy chia sẻ, không phải ký hợp đồng 3 bên với chủ đầu tư sẽ rút ngắn thủ tục rất nhiều.

“Khi tôi nộp hồ sơ tại Viettinbank, sau 3 ngày kiểm định, được ngân hàng khẳng định hồ sơ đủ điều kiện vay 200 triệu đồng mua căn hộ ở Đặng Xá. Ngân hàng giải ngân 11h trưa, đến 2h chiều tôi được nhận chìa khóa nhà. Trường hợp của tôi có thể nói là đi làm thủ tục ngân hàng khá dễ dàng. Theo tôi khi đủ điều kiện pháp lý, họ sẽ giải ngân”, chị Thúy vui vẻ cho biết.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ngân hàng nào cũng kí kết phối hợp được với chủ đầu tư để triển khai thuận lợi như trường hợp của Vietinbank. Vì thế, nếu như vẫn phải có hợp đồng 3 bên thì giải quyết bằng cách nào? Hoặc cũng vay tiền từ Vietinbank nhưng không phải dự án nhà ở mà ngân hàng này đã ký với chủ đầu tư thì sao?

Khi chưa có được một hành lang pháp lí quy định rõ ràng mối quan hệ giữa quyền lợi, trách nhiệm giữa ngân hàng và chủ đầu tư, thì hiện nay phương án duy nhất là cùng chia sẻ giữa các bên vì người thu nhập thấp. Bởi khi thực hiện chương trình này, ngân hàng đã được hỗ trợ lãi suất thấp, còn doanh nghiệp cũng được hưởng ưu đãi của Nhà nước về thuế, tiền sử dụng đất.

“Thực ra ngân hàng đòi hỏi như thế là hơi quá, vì ngân hàng được hỗ trợ lãi suất thấp lại còn đòi thế chấp toàn bộ căn hộ của người mua. Ngân hàng cùng lúc sẽ được 2 cái lợi: Vừa lãi suất thấp vừa có tài sản thế chấp. Rõ ràng ngân hàng cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp thông qua căn hộ để trở thành dạng thế chấp chung hay như thế nào đó, vì được hưởng lãi suất thấp thì cũng cần chia sẻ”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích.

Theo các chuyên gia về xây dựng, bên cạnh gỡ khó về thủ tục, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội để có nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu người dân.

Xác định được vấn đề cốt lõi này, Bộ Xây dựng vừa đề xuất 30 dự án xây nhà ở xã hội để ngân hàng xem xét cho vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Đến 15/7 vừa qua, NHNN xác nhận: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ký hợp đồng tín dụng với 2 khách hàng doanh nghiệp và đã giải ngân được 1 khách hàng.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định: “Phải từ 6 tháng đến 1 năm sau, nhiều người mới có thể tiếp cận được gói hỗ trợ. Quan trọng nhất hiện nay là tháo gỡ cho người mua và người bán, cần có giải pháp nhanh chóng ra được nhiều sản phẩm, nhanh chóng giải ngân thì các dự án mới triển khai nhanh được, người mua mới có hy vọng có nhà sớm”.

Một vấn đề quan trọng nữa đặt ra là phải quản lí chặt chẽ việc triển khai các dự án, tránh trường hợp doanh nghiệp cố hoàn thiện nhà sớm để giảm bớt chi phí hoặc thi công kém chất lượng nhằm giảm giá. Thậm chí, có trường hợp tạo ra chi phí phát sinh buộc người mua phải trả cao hơn giá hợp đồng ban đầu, hay “bắt tay” 3 bên giữa ngân hàng với doanh nghiệp và người vay cùng nhau ký khống để ăn chia lãi suất chênh lệch...

Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Nguồn vốn ưu đãi nhất định phải được chuyển đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu.

“Đây là gói tín dụng trung hạn không phải đưa ra là làm được ngay. Phải có nhà ở xã hội, mới cho người dân vay mua được. Mục tiêu của gói này là phải đúng đối tượng là người khó khăn về nhà ở. Nếu giải ngân nhiều mà chệch đối tượng thì không đạt mục tiêu đề ra. Bộ Xây dựng cũng kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng gói 30.000 tỷ để làm lợi cho cá nhân hoặc bộ phận”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, trước đây đã có chính sách hỗ trợ của Nhà nước như gói kích thích kinh tế năm 2009, trong đó đáng chú ý là gói hỗ trợ lãi suất 4%. Mặc dù được đánh giá là kịp thời và tích cực, song vẫn còn hạn chế như doanh nghiệp khó tiếp cận, hoặc không đúng đối tượng hay có lợi ích nhóm.

Nhìn nhận lại để thấy rằng, với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này, nếu không kiểm soát chặt chẽ, minh bạch, cơ sở pháp lí rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm người thu nhập thấp tiếp cận nguồn vốn, thì rất có thể nhiều đối tượng sẽ trục lợi, người vay được tiền lại là người có thu nhập cao và chương trình sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội được triển khai trong vòng 3 năm, thời điểm này vẫn là những bước đi ban đầu. Tuy nhiên, các nhà chức trách cần kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, kiểm tra, điều hành để đẩy nhanh tiến trình thực hiện. Có như vậy thì một chính sách ưu đãi, hướng đến đối tượng người thu nhập thấp chưa có nhà ở mới thực sự có ý nghĩa thiết thực.

 


Tin tức liên quan