Quản trị doanh nghiệp

Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Cập nhật  08:11 08/08/13

Đến nay Khu Công nghiệp (KCN), Phong Điền đã thu hút 11 dự án với tổng vốn đăng ký chiếm 7.000 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện lên tới trên 1.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 4 ngàn lao động.
 

Sản xuất men Frít và vận chuyển hàng hóa tại Công ty CP Prime Phong Điền
Điểm nhấn

KCN Phong Điền, một ngày cuối tháng 7. Ngay trên vùng cát trắng bạt ngàn là hàng loạt các dự án đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, tạo điểm nhấn trong phát triển công nghiệp của huyện Phong Điền nói riêng và ngành công nghiệp tỉnh nói chung. Từ một vài nhà máy sản xuất đầu tiên đi vào hoạt động, như Công ty Scavi Huế, Prime Phong Điền, đến nay KCN này thu hút 11 dự án, trong đó có những dự án quy mô lớn như tổ hợp nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời của Công ty CP Đầu tư chuyển giao Worldtech với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 300 triệu USD, dự án sản xuất và chế biến tôm đông lạnh của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam có tổng vốn đầu tư 26 triệu USD hay các dự án sản xuất chế biến cát trắng, sản xuất thủy tinh cục và nước, men Frít… lần lượt được khởi công và đi vào hoạt động, tạo nên bức tranh sinh động và mang lại hiệu quả kinh tế cho vùng cát trắng Phong Điền.

Ông Chu Tất Thắm, Giám đốc CN Công ty CP Đầu tư chuyển giao Worldtech tại Huế cho biết: “Chúng tôi đang triển khai các hạng mục để xây dựng dây chuyền sản xuất. Sản phẩm chính của tổ hợp, gồm pin năng lượng mặt trời, kính OTC, kính xây dựng và các loại thủy tinh màu cao cấp. Đây là dự án công nghệ mới lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Chúng tôi chọn KCN Phong Điền để đặt nhà máy vì nơi đây có mỏ cát quý hiếm, có thể cung cấp nguồn nguyên liệu lâu dài, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy.” Sau 3 năm đi vào hoạt động ngay trên vùng nguyên liệu cát quý hiếm, Công ty CP Prime Phong Điền không ngừng mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất và đáp ứng nhu cầu thị trường. 6 tháng đầu năm 2013, DN đã sản xuất 12 ngàn tấn men Frít, doanh thu đạt 120 tỷ đồng. DN đang có kế hoạch mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trước các tỉnh.

Giữa tháng 8/2013, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam chính thức đi vào hoạt động, đây là một trong những dự án lớn với tổng mức đầu tư 26 triệu USD, công suất 9.000 tấn sản phẩm/ năm và giải quyết việc làm cho 800 lao động. Dự án sản xuất chế biến tôm đông lạnh, sản phẩm shushi và thực hiện nuôi tôm vùng nguyên liệu với diện tích 210 ha tại vùng Ngũ Điền. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết nguồn nguyên liệu thủy hải sản cho người dân vùng Ngũ Điền, đồng thời tạo việc làm ổn định cho một lượng lớn lao động tại địa phương. Cũng trong năm 2013, Công ty Scavi Huế sẽ mở rộng xưởng sản xuất các sản phẩm may mặc với diện tích 5.000m2, tổng kinh phí xây dựng chiếm 14 tỷ đồng, đồng thời các DN như Glass Visco, Việt Phương sẽ hoàn thành dự án và đi vào hoạt động.

Dốc sức cho KCN Phong Điền

Ông Nguyễn Hữu Trân, Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết: “Với lợi thế có nguồn nguyên liệu cát và vùng nuôi trồng thủy hải sản dồi dào, những năm gần đây, KCN Phong Điền liên tục thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn. Để thực hiện mục tiêu đưa KCN Phong Điền trở thành một trong những KCN mạnh của tỉnh, BQL tiếp tục kêu gọi đầu tư, trong đó chú trọng các lĩnh vực như dệt may và ngành phụ trợ dệt may, chế biến cát và thủy hải sản… BQL sẽ tăng cường kiểm tra các dự án đăng ký và sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với những dự án kéo dài thời gian thi công, chậm tiến độ gây ảnh hưởng đến hoạt động của KCN.”

Năm 2013, BQL các KCN tỉnh đã đôn đốc các ban ngành và nhà đầu tư hạ tầng xây dựng hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN. Hiện, hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước cơ bản hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa của các DN. BQL đang hoàn chỉnh thủ tục xây dựng nhà máy xử lý nước thải KCN Phong Điền giai đoạn 1, công suất 4.500 m3/ngày với tổng mức đầu tư khoảng 52 tỷ đồng và đang kêu gọi nhà đầu tư. Dự án này triển khai sẽ đảm bảo 100% nước thải của các nhà máy sản xuất trong KCN được xử lý và đấu nối vào hệ thống nước thải chung của các KCN, đồng thời xây dựng điểm thu gom rác thải tại các nhà máy; cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý khói bụi của các nhà máy, đảm bảo môi trường cũng như đảm bảo tỷ lệ cây xanh tại các nhà máy theo quy định.

Ngoài những chế độ ưu đãi của tỉnh và huyện Phong Điền, ngành điện thấy được tiềm năng phát triển của KCN nên đã củng cố lại đường dây đi vào KCN để cấp điện cho các nhà máy đang sản xuất, đầu tư đến hàng rào các trạm biến áp như 2 x 630kVA cho nhà máy may Scavi, 560kVA cho Công ty Prime Phong Điền, nhà ở công nhân Scavi 400kVA, đóng điện đường dây và trạm biến áp 400kVA của BQL các KCN để cấp điện cho việc thi công xây dựng các nhà máy. Với các phương án cấp điện này khi hoàn thành sẽ đảm bảo 100% nguồn điện cho các công ty, nhà máy sản xuất, ngoài ra, trong quy hoạch phát triển lưới điện Quốc gia còn có trạm 110kV phục vụ KCN Phong Điền.

Một tin vui đến với KCN Phong Điền khi đầu năm 2013, Tập đoàn gốm sứ Việt Nam Viglacera đã đến nghiên cứu và có chủ trương xây dựng nhà máy sản xuất kính các loại với diện tích 50 ha tại đây. Thông qua các buổi làm việc, hiện UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương, BQL các KCN tỉnh cho biết sẽ tiến hành các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm nay 2013 để DN triển khai dự án. Không chỉ có Viglacera mà hy vọng trong thời gian tới, KCN Phong Điền tiếp tục đón thêm các nhà đầu tư mới, đồng thời các dự án cũ sẽ đẩy nhanh tiến độ để đưa KCN này ngày càng phát triển và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, KCN Phong Điền sẽ mở rộng quy mô lên 700 ha. Căn cứ tiềm năng thế mạnh về tài nguyên, khoáng sản của địa phương, KCN Phong Điền sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến cát, chế biến nông lâm sản, cơ khí, dệt may và các ngành phụ trợ dệt may.
Theo Baothuathienhue.vn

Tin tức liên quan