Rường cột của nền kinh tế
Thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp là rường cột kinh tế của mọi quốc gia và của mỗi địa phương. Muốn đánh giá sức khỏe kinh tế của một quốc gia hay một địa phương, hãy nhìn vào sức sống của các doanh nghiệp nơi đó.
 |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc tại Nhà máy xi măng Đồng Lâm. Ảnh: Anh Phong
|
Doanh nghiệp là động lực chủ yếu thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Doanh nghiệp gặp khó khăn, kinh tế sẽ suy thoái, người dân sẽ mất việc làm, giảm thu nhập, đó là mầm móng tiềm ẩn của những bất ổn xã hội. Ở nước ta hiện nay, khi thu nhập của đại bộ phận dân cư còn thấp, việc quản lý thu nhập cá nhân chưa chặt, nguồn thu từ việc bán đấu giá quyền sử dụng đất ngày càng khó khăn, thì doanh nghiệp càng giữ vai trò quan trọng, quyết định hơn của thu ngân sách Nhà nước. Địa phương nào có nhiều doanh nghiệp lớn, làm ăn phát đạt thì nơi đó sẽ có vị thế, có điều kiện để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện các chính sách xã hội. Không có tỉnh nào nghèo mà có nhiều doanh nghiệp mạnh, trái lại chẳng có tỉnh nào giàu mà chỉ có các doanh nghiệp “còi cọc”. Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… là những ví dụ điển hình về nhận định đó. Riêng ở Thừa Thiên Huế, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp. Chẳng hạn, không có Công ty Bia Huế thì thu ngân sách sẽ giảm mạnh; không có các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ thì không phát triển được nghề trồng rừng; không có các doanh nghiệp dệt may thì nhiều lao động sẽ thất nghiệp và kim ngạch xuất khẩu sẽ rất ít… Những doanh nghiệp có “số má” trên địa bàn quyết định vị thế kinh tế của tỉnh. Đó là đáp án của câu hỏi: Tại sao các địa phương luôn cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đã khẳng định được tên, tuổi trên thương trường trong nước và quốc tế.
Chung tay hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp
Vài năm trở lại đây, kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh kinh doanh thua lỗ, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch tuy nen, gạch men, đá… Du lịch, một mũi nhọn kinh tế trọng điểm của tỉnh, những tháng đầu năm 2013, nhiều doanh nghiệp cũng lao đao do sân bay Phú Bài tạm đóng cửa để sửa chữa, lượng du khách lưu trú sụt giảm. Theo thông tin chúng tôi có được từ một số khách sạn lớn ở Huế, 7 tháng đầu năm, cả lượng khách lưu trú lẫn doanh thu dịch vụ đều giảm so với cùng kỳ năm 2012. Buổi tối đi qua các khách sạn Tân Hoàng Cung, Morin, Hương Giang, Century, Indochine, Xanh, Park View… nhìn thấy số phòng sáng đèn là chúng ta có thể ước lượng được số khách đang lưu trú ở đó. Nhiều dự án dịch vụ lớn đã được đầu tư từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng như Trung tâm dịch vụ du lịch HuePlaza, Khách sạn Petrolimex, Siêu thị - cao ốc Văn phòng Viwaseen, Khách sạn 5 sao U Hotel Huế... cũng đang nằm “đắp chiếu” từ cuối năm 2011 đến nay, chưa biết lúc nào mới có nguồn lực để khởi động trở lại. Doanh nghiệp khan vốn, ngân hàng thiếu niềm tin vào doanh nghiệp, vì thế khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Tại kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh (tháng 7-2013), môi trường du lịch và tiến độ triển khai nhiều dự án chậm là hai vấn đề được các đại biểu HĐND chất vấn các cơ quan hữu quan. Ngay sau kỳ họp, lãnh đạo UBND tỉnh đi kiểm tra thực tế tại các điểm tham quan, bến thuyền, bến xe và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã họp với các cơ quan liên quan bàn các biện pháp để thiết lập trật tự môi trường du lịch văn minh, lịch sự và tìm giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn. Vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Thiện cũng đích thân đến thăm, làm việc với lãnh đạo Nhà máy xi măng Đồng Lâm (đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng), Nhà máy Thủy sản đông lạnh CP Phong Điền (đầu tư hơn 30 triệu USD) và Công ty May Scavi tại khu công nghiệp Phong Điền để lắng nghe các doanh nghiệp báo cáo các khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo các ngành hữu quan phối hợp với doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời. Trong buổi làm việc với lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư sau đó (chiều 01-8-2013), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng, trong lúc kinh tế rất khó khăn hiện nay mà có những doanh nghiệp dám bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng đầu tư vào địa bàn tỉnh nhà là điều rất đáng quý, rất đáng trân trọng. Mỗi một cán bộ, công chức của sở phải hết lòng, hết sức lắng nghe doanh nghiệp, phải hỏi các nhà đầu tư cần gì để tham mưu, giải quyết kịp thời, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đó cũng là cách để thiết lập một môi trường đầu tư hấp dẫn và để củng cố lòng tin của các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn tỉnh nhà. Trước mắt, đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư xem xét, thu xếp nguồn lực để tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hoàn trả số tiền mà Nhà máy xi măng Đồng Lâm đã ứng trước để xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 1A vào nhà máy…
Để vượt qua những khó khăn hiện nay, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại mình, phải tự điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thị trường. Tiếp đến, cần sự hỗ trợ về nguồn lực của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc đòi hỏi chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trong tỉnh phải xắn tay áo vào cuộc khẩn trương, bởi chúng ở ngoài tầm kiểm soát của các doanh nghiệp, như việc thiết lập lại trật tự môi trường du lịch ở các điểm di tích, các bến xe, bến thuyền; việc thiết lập lại trật tự đô thị để xây dựng hình ảnh thân thiện, mến khách của du lịch Việt Nam, của du lịch Thừa Thiên Huế; hay việc giải quyết những đề xuất cụ thể của lãnh đạo Nhà máy xi măng Đồng Lâm… Đó là những việc quan trọng nhằm thiết lập một môi trường đầu tư hấp dẫn, góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư vào chính quyền các cấp, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch kinh tế, tăng thu ngân sách địa phương và thu hút nguồn lực đầu tư vào địa bàn tỉnh hôm nay và những năm tiếp theo.