Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, trong quý IV năm nay Bộ Kế hoạch & Đầu tư được yêu cầu trình Chính phủ việc xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài và danh mục quốc gia có các dự án kêu gọi đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.
Quy định về sở hữu nhà với người nước ngoài sẽ được nới lỏng. Ảnh minh họa: ĐTCK
Về lâu dài, Nghị quyết đưa ra mục tiêu sẽ chọn lọc các dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại. Tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất...
Theo đó, Chính phủ sẽ tiến hành sửa đổi chính sách thuế, bổ sung tiêu chí để xét ưu đãi đầu tư với các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước và dự án cam kết chuyển giao công nghệ tiên tiến...; điều chỉnh một số tiêu chí về phân cấp đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án có vốn nước ngoài.
Ngoài ra, cơ quan điều hành sẽ hoàn thiện các quy định về đất đai, nhà ở, thu hẹp sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc tiếp cận đất đai. Cơ quan quản lý kiên quyết thu hồi các diện tích đã giao cho doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả để đấu giá, đấu thầu hoặc giao cho các nhà đầu tư có tiềm lực khai thác sử dụng có hiệu quả hơn.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ xem xét mở rộng đối tượng người nước ngoài sở hữu bất động sản, nới lỏng điều kiện và đơn giản thủ tục mua và sở hữu chung cư, nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua chung cư, nhà ở phù hợp với thời hạn dự án tại Việt Nam.
Để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ sẽ nghiên cứu nâng mức ưu đãi đủ sức hấp dẫn với các dự án trong danh mục được phê duyệt cũng như các dự án sử dụng nguồn cung cấp vật tư, nguyên liệu... từ thị trường nội địa.
Nghị quyết nêu rõ, định kỳ hằng quý sẽ tiến hành rà soát, phân loại các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt lưu ý các dự án thuộc các nhóm có quy mô lớn; chiếm diện tích đất lớn; dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường; dự án tiêu tốn năng lượng; các dự án nhạy cảm khác... để có hướng xử lý thích hợp đối với những dự án có khó khăn. Nếu phát hiện sai phạm, chủ đầu tư có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.
Tính đến hết tháng 8 năm 2013, cả nước có gần 15.200 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký hơn 220 tỷ USD.
Huyền Thư (Theo VnExpress)