Nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 10 đã tăng 1,05% so với tháng 9 và tăng 9,66% so với tháng 10 năm 2009, đưa CPI 10 tháng qua tăng 7,58% so với tháng 12/2009 và tăng 8,75% so với bình quân 10 tháng năm 2009.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với những diễn biến phức tạp, tác động đan xen của kinh tế thế giới, giá vàng tăng mạnh, tỷ giá hối đoái thay đổi cộng với những diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa lũ ở miền Trung và tác động và quy luật tiêu dùng “nóng” cuối năm, khả năng CPI cả năm 2010 không giữ được mốc 8%.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 (ngày 6/11), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nhiệm vụ hàng đầu từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung kiềm chế lạm phát, quyết liệt kiểm soát, bình ổn giá; chính quyền các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các nơi không niêm yết gia, không bán theo giá niêm yết. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả của đợt lũ lụt mới đây ở một số tỉnh miền Trung, khôi phục cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, bệnh viện, trạm xá, trường học để sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân…
Minh họa từ internet
Với Thừ Thiên Huế, 10 tháng đầu năm 2010, kinh tế xã hội đạt mức tăng trưởng cao và đồng đều trên các mặt, khả năng đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt trên 12%/năm. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 2.750 tỷ đồng, bằng 91,9% dự toán năm, tăng 26,5% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 1.225,5 tỷ đồng tăng 30,52% so với 10 tháng đầu năm 2009. Theo báo cáo từ Sở Công Thương, năng lực nguồn cung ứng các mặt hàng thiết yếu: gạo, phân bón, thực phẩm tươi sống, xi măng, sắt thép... trên địa bàn, hiện tương đối đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho sản xuất và đời sống, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong việc dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu khi có những biến động như thiên tai bão lụt, dịch bệnh xảy ra.
Đầu tháng 11, tại cuộc họp bàn biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan triển khai nghiêm túc
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2010; thống nhất phương án dự trữ bình ổn thị trường đối với 4 mặt hàng thiết yếu: gạo, đường, dầu ăn; thực phẩm tươi sống trong 5 tháng (từ tháng 11/2010-4/2011; đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết; phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, bất hợp pháp gây biến động thị trường...
Cùng với các biện pháp bình ổn giá của nhà nước, nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương lúc này là nỗ lực khắc phục khó khăn, diễn biến phức tạp của thời tiết để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất thắng lợi vụ đông xuân 2010-2011, góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá, bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế- xã hội năm 2010.
Hoàng Giang
nguonbaothuathienhue